ClockThứ Tư, 18/01/2017 08:55

WB cho vay 77 triệu USD đổi mới giáo dục phổ thông ở Việt Nam

Chiều 17/1, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ngân hàng Thế giới khởi động dự án “Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông.”

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Mạnh Hùng cho biết công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo ở Việt Nam đã và đang được khẩn trương thực hiện với nhiều hoạt động, trong đó có đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Trong lĩnh vực đổi mới quan trọng này, Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của Ngân hàng Thế giới.

Ảnh minh họa

Hiệp định tài trợ dự án “Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông” giữa Việt Nam và Hiệp hội Phát triển quốc tế đã bắt đầu có hiệu lực từ ngày 8/8/2016.

Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cam kết tài trợ một khoản tín dụng ưu đãi trị giá 77 triệu USD để thực hiện các mục tiêu của dự án. Đó là: Nâng cao kết quả học tập của học sinh thông qua việc xây dựng và thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới theo hướng tiếp cận dựa trên năng lực; nâng cao hiệu quả dạy-học bằng việc biên soạn, thực hiện sách giáo khoa phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới và đổi mới đánh giá giáo dục học sinh.

Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng mong muốn các chuyên gia phát triển chương trình, biên soạn sách giáo khoa, các thành viên Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình, sách giáo khoa nỗ lực hết mình, hợp tác chặt chẽ, nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các cơ sở giáo dục, các tầng lớp nhân dân và chuyên gia tư vấn quốc tế để xây dựng chương trình và biên soạn bộ sách giáo khoa giáo dục phổ thông có chất lượng tốt nhất.

Báo cáo tóm tắt về dự án “Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông,” ông Đoàn Văn Ninh, Giám đốc Ban quản lý Dự án chia sẻ: Dự án này được thực hiện đến năm 2020, nhằm đạt được 7 kết quả chính. Trong đó, chương trình giáo dục phổ thông mới dựa trên năng lực được ban hành; tài liệu hướng dẫn dạy học và tài liệu hướng dẫn biên soạn sách giáo khoa cho các tổ chức, cá nhân có nguyện vọng biên soạn sách giáo khoa được ban hành.

Bộ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn được phê duyệt, cho phép sử dụng. Học sinh có hoàn cảnh khó khăn được mượn sách giáo khoa mới; sách giáo khoa một số môn học cấp tiểu học được biên soạn song ngữ (tiếng Việt và tiếng dân tộc thiểu số có chữ viết). Hệ thống tập huấn, bồi dưỡng giáo viên qua mạng được đưa vào hoạt động, tất cả giáo viên phổ thông được tập huấn, bồi dưỡng để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới. Hệ thống đánh giá định kỳ năng lực giáo dục quốc gia được xây dựng và đưa vào hoạt động, kết quả học tập của học sinh theo chương trình mới được phân tích toàn diện, trong đó, đặc biệt quan tâm đến sự tiến bộ của học sinh nghèo và nhóm học sinh thiệt thòi.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới cũng đề cập về định hướng xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo đó, việc phát triển chương trình giáo dục phổ thông mới hướng tới mục tiêu hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh, với triết lý giáo dục là thực học – thực nghiệp và đảm bảo tính dân chủ. Cụ thể, học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn, phân luồng và hướng nghiệp cho học sinh.

Chương trình phải lấy người học làm trung tâm, tích cực hóa hoạt động học tập, kết hợp giáo dục ở nhà trường với giáo dục tại gia đình và ngoài xã hội, đảm bảo chương trình mở. Chương trình giáo dục phổ thông mới phải bảo đảm sự kết nối chặt chẽ giữa các cấp học, lớp học; kế thừa, phát triển các chương trình giáo dục phổ thông đã có và tiếp thu có chọn lọc chương trình giáo dục phổ thông của các nước có nền giáo dục phát triển. Chương trình giáo dục phổ thông mới cũng cần đảm bảo sự liên thông với giáo dục mầm non, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.

Theo Vietnamplus

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hiệu quả từ đổi mới giáo dục tiểu học

Với mục tiêu đào tạo các thế hệ học sinh phát triển toàn diện, cùng với đầu tư cơ sở vật chất, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) TP. Huế triển khai nhiều giải pháp trong đổi mới giáo dục tiểu học (TH), giúp học sinh tiếp cận phương pháp giảng dạy hiên đại, phát triển các khả năng hội nhập, như kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ, giao tiếp…

Hiệu quả từ đổi mới giáo dục tiểu học
Đa dạng hình thức giáo dục văn hóa Huế cho giới trẻ

Làm gì để giữ gìn văn hóa Huế trong dòng chảy cuộc sống hôm nay? Đó là nỗi trăn trở của những người yêu Huế. Muốn giữ gìn, phát huy, lan tỏa thì phải chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục đối với mọi tầng lớp nhân dân, trong đó phải kể đến đối tượng học sinh – sinh viên đang học tập, sinh hoạt trong mỗi trường học.

Đa dạng hình thức giáo dục văn hóa Huế cho giới trẻ
1.000 học sinh, sinh viên tham gia tìm hiểu về tài chính

“Hiểu biết về tài chính” là cuộc thi được Vụ Truyền thông Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp tổ chức cho học sinh Trường tiểu học Thủy Biều và sinh viên Trường đại học Khoa học - Đại học Huế trong ngày 5/4. Chương trình thu hút hơn 1.000 học sinh, sinh viên tham gia.

1 000 học sinh, sinh viên tham gia tìm hiểu về tài chính
Nếu không thay đổi, chúng ta sẽ tụt lại phía sau

Chuyên gia giáo dục toàn cầu Tô Thụy Diễm Quyên (1 trong 20 người đầu tiên trên thế giới được Microsoft công nhận là chuyên gia giáo dục toàn cầu - người sáng lập Diễn đàn Giáo dục sáng tạo Việt Nam) mới đây đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Thừa Thiên Huế xung quanh những vấn đề về giáo dục hiện nay. Bà chia sẻ về áp lực của giáo viên, học sinh cùng trách nhiệm của cộng đồng, xã hội trong bối cảnh chương trình giáo dục liên tục thay đổi.

Nếu không thay đổi, chúng ta sẽ tụt lại phía sau
Return to top