ClockThứ Tư, 21/02/2018 07:48

Vị của bùn

TTH - Có nhiều ngày chỉ mong chút nắng đủ để làm khô vệt bùn trên ống chân người đi chạp mộ. Bùn theo người lên tận xe thang, theo người đi suốt chuyến bay dài đến nơi nắng ấm.

“Sáng Thủy Biều – Chiều Tam Giang”Ra mắt tour du lịch “Sáng Thủy Biều – Chiều Tam Giang”Lệch huyết phá Tam GiangNgắm hoàng hôn trên phá Tam GiangTour du lịch Tam Giang: Còn nhỏ lẻ

Rồi chợt như bất thình lình, khi đang dọn đồ vào nhà sau chuyến đi - về vội vã, một mảnh bùn khô rơi xuống. Nhẹ thôi, nhưng có cảm giác như thể một mảnh châu thổ vừa rớt xuống lòng. Mới đi về đó mà đã nhớ nhung da diết. Mới đi về đó mà đã muốn trở lại. Nhiều khi đã về đó rồi, ngồi đó rồi mà vẫn da diết nhớ. Đó là gì nếu không phải là Huế.

Mênh mông Tam Giang.

Đã vài sáng khi còn mờ đất, tôi đứng tần ngần tự hỏi chứ ở thành phố này có ai ăn mà bảy, tám thùng mắm nêm theo xe gửi ra thế này. Đã vài lần tôi hỏi người nhà xe ai ở đây mở quán mà mua nhiều cá đầm phá, mắm Huế, ớt xanh thế này. Thành phố giờ đã quá rộng, nhiều khi mưa đầu này mà đầu kia khô rang. Người đi đường chỉ biết trời có mưa khi từ đằng xa bắt gặp ngược chiều vài người trời không mưa mà mặc áo mưa chạy lại. Rộng là thế nhưng ra đường lại dễ gặp đồng hương hơn nhiều năm về trước. Gặp nhau qua giọng Huế khi nói cười. Gặp nhau cả khi giữa quán đông người, một giọng ai đó dõng dạc cấp bách vang lên hỏi xin trái ớt. Những lúc như thế tưởng như hương vị quê hương đổ về tràn ngập vị giác, thính giác, thị giác, cho dù đang gác đũa hay đang ăn món ăn nào.

Tôi gặp quê nhà trong khẩu vị của con. Thật lạ là dù sinh ra nơi xứ người, nhưng chúng có thể ăn một lúc hai con cá dìa hấp mỗi đứa theo cách say mê tấm tắc. Thật lạ là chúng luôn đòi thêm vài giọt nước mắm ruốc vào bát cháo, thứ nước mắm mà chúng không biết tên, chỉ gọi theo cách của mình là “nước hương vị”. Một ngày, đứa lớn khi ăn món cá kho, đột nhiên nói con nghe mùi vị của mệ nội. Tôi dừng đũa cố lắng nghe, cũng chỉ biết miêu tả đến mức như con, rằng trong nồi cá có mùi khói than củi, rằng trong ruột cá có vị bùn đầm phá. Vị bùn đắng nhẫn mà thơm thảo, như thể có sẵn trong hồn không chỉ những bố mẹ lớn lên ở Huế mà còn có cả trong những đứa bé sinh ra ở một vùng đất khác như con tôi.

Khi nghe trong vị giác phát tín hiệu báo đã gặp vị bùn quê nhà, tôi mới hiểu vì sao khi vệt bùn nơi bắp chân rơi xuống, như thể một mảnh châu thổ ký ức cũng vừa rớt xuống lòng. Sông Hương đẹp nhưng nhỏ nhẹ dịu dàng. Sông Bồ nhiều khi đổ con nước mạnh mẽ nhưng cũng hiền hòa. Sông Ô Lâu, sông Truồi dẫu bắt nguồn tự đại ngàn hùng vĩ nhưng khi về xuôi vẫn hiện ra hình hài nhỏ bé khiêm nhường. Huế không có con sông nào đủ lớn để làm nên đồng bằng như cách Cửu Long hay Hồng Hà. Nhưng Huế có hệ đầm phá Tam Giang Cầu Hai mênh mông có tên có tuổi có vị trí ở tầm khu vực. Nơi những con sông khiêm nhường cùng hợp sức đổ nước về. Một vùng đầm phá đã giải cứu du lịch Huế trong suốt hơn năm dài sự cố môi trường biển miền Trung. Một vùng nước lợ ngăn cách đã cứu những bữa cơm gia đình thiếu cá biển ở Huế. Một vùng thủy sản đã cứu cả những khẩu vị của đứa trẻ Huế sinh ở nơi xa. Hương vị hạt bùn quê hương nhiều khi cứu rỗi cả đời người.

Biết làm sao, khi những con sông và đầm phá nước lợ quê nhà, dẫu chưa làm nên đồng nên bãi tầm cỡ như Cửu Long, Hồng Hà, nhưng từ lâu đã là châu thổ văn hóa với tất cả những ai được sinh ra nơi đây và cả những người con cháu thế hệ F1, F2 xuất phát từ nơi đây. Cho dù không được “made in Hue” nhưng chỉ cần “made by Hue” ở một vùng đất xa xôi nào khác, hồn vía quê nhà vẫn đậm nhạt trong mỗi chúng ta. Hương vị của bùn đất sông quê đã đi vào trong máu huyết, làm nên chất Huế, làm nên hồn của Huế. Để rồi có người ngày cất bước đi mang theo chỉ một nắm bùn Quảng Điền, qua năm tháng đã làm nên cả một châu thổ văn hóa đặc sắc mang tầm nhân loại. Để rồi đã có rất nhiều người ngày cất bước chân đi, cứ mỗi lần lắng lại, nghe thanh âm của bùn đất quê nhà trong mình lên tiếng, có thể làm nên những thơ, những nhạc, những võ thuật, những sản phẩm trí tuệ mà chỉ nghe đến người ta đã biết là tự Huế mà ra.

Có bao con sông cuộn chảy với lưu tốc vượt xa sông Hương sông Bồ. Cuộc sống và sự đi tới cũng vậy. Nhiều khi đứng bên bờ sông quê, ta lo âu mình cứ ở lại mãi với lững lờ con nước. Điều chỉnh lưu tốc phát triển kinh tế sao cho phù hợp, đồng điệu với lưu tốc văn hóa là một bài toán khó. Làm sao đi tới mà không mất mát. Làm sao giữ hồn cốt Huế cho không chỉ những gì “made in Hue” mà còn cho cả những gì “made by Hue” ở nơi xa. Những lúc như thế, cần lắng nghe hương vị hạt bùn sông quê trong máu huyết lên tiếng. Lắng nghe cả những kinh nghiệm, những trải nghiệm của lớp lớp người bước ra từ nơi đây với nắm bùn đất nhỏ nhưng đã làm nên những châu thổ đặc trưng Huế trong văn hóa, khoa học và cả tôn giáo ở bất cứ nơi đâu trên thế giới này.

Bài: Hà Nhân

Ảnh: Khánh Ngân

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thêm điển tích về đầm phá

Thừa Thiên Huế có nhiều những điển tích, giai thoại gắn liền với vùng đất kinh kỳ. Đi đến đâu, khách du lịch cũng có thể nghe người hướng dẫn viên kể về lịch sử của vùng đất, về tập tục văn hóa, về những điển tích thú vị. Tuy vậy, vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai lại đang làm khó những người làm du lịch bởi sự thiếu hụt thông tin về những tích xưa.

Thêm điển tích về đầm phá
Đánh thức tiềm năng du lịch vùng Tam Giang - Cầu Hai

Không chỉ nổi tiếng với hệ thống đầm phá quan trọng và đẹp nổi tiếng Việt Nam, Tam Giang - Cầu Hai còn có tiềm năng phát triển du lịch. Cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, các làng quê nằm trải dài, lại sở hữu rất nhiều lễ hội dân gian vô cùng độc đáo..., các chuyên gia cho rằng sẽ tạo ra một sản phẩm du lịch độc đáo, đưa vào các tour tuyến, trở thành điểm nhấn cho du lịch.

Đánh thức tiềm năng du lịch vùng Tam Giang - Cầu Hai
Tổng vệ sinh trường lớp đón học sinh trở lại

Sáng 20/10, vẫn còn nhiều phụ huynh, giáo viên, nhân viên các trường học tại huyện vùng trũng Quảng Điền tất bật làm vệ sinh, dọn dẹp bùn đất sau mưa lũ, chỉnh trang phòng ốc, đưa các vật dụng trở lại vị trí cũ để đón học sinh trở lại học tập sau những ngày nghỉ do mưa lũ.

Tổng vệ sinh trường lớp đón học sinh trở lại
Return to top