ClockThứ Bảy, 15/07/2017 12:10

Vài ý kiến nhỏ về quy hoạch hai bờ sông Hương

TTH - Tôi nhớ đến một làng cổ của khu du lịch Portsmouth thuộc bang New Hampshire, Hoa Kỳ mà tôi đã có dịp tới đây mấy lần.

Quy hoạch hai bờ sông Hương cần suy tính đến nhiều yếu tố. Ảnh: Văn Đình Huy

Một số bạn trẻ quan tâm tới thời cuộc hay nói với tôi băn khoăn của họ về "một số chú, bác có tiếng ở Huế" bây giờ sao “lạ quá”: Điều gì mình không thích, điều gì khác với ý mình đều cho là xấu, là đáng vứt và ít chịu khó bớt chút thời giờ để đọc, để tìm hiểu những điều trực tiếp liên quan đến sự phát triển của Huế, nhưng đã có ngay những bài viết trên facebook, mà phần lớn là phiến diện. Ngay như cuộc trưng bày Quy hoạch hai bờ sông Hương (QHHBSH), bọn con đi xem nhiều lần và đọc những góp ý thì không bao giờ thấy bóng dáng mấy chú, mấy bác nớ... Tôi giật mình, chính tôi cũng chưa đến xem cuộc trưng bày này. Lúc này lúc kia, nội dung này nội dung kia… tôi cũng có biết chút ít, nhưng “chính thức” xem toàn diện dự tính quy hoạch thì chưa!

Tôi đến phòng trưng bày (PTB) với tâm trạng vừa gần gũi, vừa xa lạ. Quá nhiều nội dung của PTB mà tôi không đủ thời giờ và trình độ để góp ý. Vì vậy, ở bài này, tôi chỉ xin góp vài ý kiến nhỏ:

1. Những vị trí, như cồn Dã Viên, cồn Hến, công viên Tứ Tượng… liên quan tới phong thủy, cần đắn đo, suy tính nhiều đến tâm linh.

2. Trong QHHBSH có quá nhiều khu nghỉ dưỡng và quảng trường. Nội dung gì trong đó, ở đó? Không hình dung được.

3. Về quy hoạch cồn Hến. Rất nhiều người quan tâm và băn khoăn.

Tôi đã đến cồn Dã Viên và cồn Hến trước lúc viết mấy góp ý nhỏ này (nhất là cồn Hến). Tôi gặp và tìm hiểu về các nội dung quy hoạch liên quan trực tiếp đến họ (chùa, nhà thờ, trường học, quán chè, hộ trồng bắp, các hộ chẻ rau bán sỉ…) và nhận thấy:

+ Người dân mất lòng tin về quy hoạch. Họ nói rằng, không biết bao nhiêu lần thông báo, họp dân, bày bản đồ, "ngã giá" đền bù… trong mấy chục năm qua, rồi đâu lại lặng như tờ đấy. Cô chủ quán chè cười cười, “bàn di dời, quy hoạch từ thời cháu đang học tiểu học mà nay cháu đã là bà nội rồi đây ôn!”. Càng để lâu, sự bùng nổ dân số diễn ra ngay ở cồn, khiến nay vô các kiệt, các ngách cứ như vô các kiệt, ngách của người Hoa ở chợ Lớn sau năm 1975. Người ta nói, giải tỏa vài ba hộ dân bên đường Trịnh Công Sơn mãi không xong, nói chi tới di dời, đền bù cho hàng ngàn hộ ở đây. Chỗ mô cũng xây khu nghỉ dưỡng cao cấp, khách mô chui vô cho kín mấy chỗ nớ! Trên cồn Dã Viên, xe lửa chạy rần rần, ai điên chi tới đó ngủ, nghỉ ... mà cũng vẽ ra khu nghỉ dưỡng này nọ, huống chi ở đây, tha hồ cho họ vẽ!

+ Các thiết kế tại cồn Hến, theo QHHBSH, quá dày đặc và chen chúc, khiến tôi có cảm nhận một khu phố chật chội của trung tâm thành phố sẽ được lặp lại ở đây.

+ Thế mạnh của riêng vùng đất giữa dòng sông Hương, ở đây là cồn Hến, chưa thực sự được chú ý.

Tôi chỉ xin lấy một ví dụ. Ở  Huế, từ bao đời nay (từ trước ngày chúng tôi đang học lớp ba, lớp tư trường tiểu học, mùa hè ngày hai buổi bơi qua - về cồn), chè Cồn, tức chè bắp của cồn Hến, đã rất nổi tiếng. Bắp ở đây dẻo, thơm, không nhão, nấu chè ăn “vừa ngậm, vừa nghe”. Các cô học trò xa Huế, càng xa càng nhớ chè Cồn, bây giờ đã là bà nội bà ngoại mà mỗi lần về Huế lại kéo nhau về cồn Hến ăn chén chè bắp “tri kỷ”. Bây giờ còn chừng hơn mười hộ chuyên trồng bắp đã hơn nửa thế kỷ, từ đời ông nội, ông ngoại đến nay, ở cuối bãi cồn. Tại sao không tạo điều kiện và đào tạo nghề cho các gia đình này trở thành các gia đình du lịch chuyên nghiệp bằng chính nghề trồng bắp và nấu chè bắp truyền thống của họ? Tôi nghĩ, các quán chè bắp và cánh đồng bắp truyền thống này sẽ thu hút du khách, nhất là du khách nước ngoài, không thua gì các khu nghỉ dưỡng cao cấp, nếu không nói là sẽ hơn hẳn.

Tôi nhớ đến một làng cổ của khu du lịch Portsmouth thuộc bang New Hampshire, Hoa Kỳ mà tôi đã có dịp tới đây mấy lần. Đó là một trong những vùng đất mà người Anh đặt chân tới đầu tiên đầu thế kỷ 18. Làng cổ này đã duy trì được cả giống bắp cũ năng suất thấp của gần 300 năm trước (chỉ lèo tèo vài trái bắp một cây, trong lúc Mỹ hiện là nước có năng suất bắp cao hạng nhất thế giới), với người nông dân ăn mặc áo quần cơ khổ của thời đó. Và kèm theo cả cái cào cỏ với các răng cưa bằng gỗ. Khi hỏi sao không tìm cái cào có răng sắt thì anh nông dân trố mắt: "Ở vùng này làm gì có nơi nào rèn cào sắt!". Không chỉ ở bãi trồng bắp, mà ở các vườn rau, giếng nước, bếp  nấu ăn… cho tới cách họp làng, cách báo động tình huống nguy hiểm đe dọa dân làng… đều theo cách, theo nếp mấy trăm năm xưa. Vậy mà, du khách nườm nượp như đi hội, hiện tượng khó thấy ở các khu nghỉ dưỡng cao cấp.

Tô Nhuận Vỹ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn.

Những hoạt động của chiến dịch “Hãy làm sạch biển” không chỉ góp phần lan tỏa ý thức, trách nhiệm của đoàn viên, thanh niên trong công tác bảo vệ môi trường biển mà còn truyền thông điệp về tình yêu với biển, với Tổ quốc.

Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn
Đến hẹn lại... đua

Đã thành thông lệ, đúng vào dịp kỷ niệm giải phóng 26/3, sông Hương lại dậy sóng với lễ hội đua ghe truyền thống thành phố Huế. Người Huế gọi dịp này là đua ghe 26/3 để phân biệt với lễ hội đua ghe truyền thống tổ chức vào dịp Quốc khánh 2/9, có quy mô toàn tỉnh.

Đến hẹn lại  đua

TIN MỚI

Return to top