ClockThứ Hai, 20/05/2019 05:15

Tranh thủ nguồn lực, cơ chế chính sách nhằm tạo đồng thuận xã hội

TTH - Trước thềm Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV (sẽ diễn ra từ ngày 20/5 đến 14/6), phóng viên Báo Thừa Thiên Huế đã có cuộc trao đổi với ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh.

Kết nối & tháo gỡ để cùng phát triển

Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh

Ông Phan Ngọc Thọ cho biết:

Tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ tập trung xem xét thông qua 7 dự án luật, 2 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 9 dự thảo luật. Trong đó, một số luật có tác động lớn đến đời sống xã hội và được dư luận đặc biệt quan tâm như: Bộ luật Lao động (sửa đổi); Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công…

Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ xem xét những vấn đề quan trọng khác về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; quyết định việc bổ sung danh mục dự án mới vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020... Đáng chú ý, Quốc hội giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018; đồng thời, tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn những vấn đề dư luận quan tâm trên tất cả các lĩnh vực.

Cử tri TP. Huế đề đạt tâm tư, nguyện vọng đến Đoàn ĐBQH tỉnh

Từ sau Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh đã có những hoạt động gì để chuẩn bị cho kỳ họp sắp tới, thưa ông?

Sau Kỳ họp thứ 6, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tiến hành 4 cuộc giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018; giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2013 - 2018; giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014 - 2018; giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012 - 2018. Qua giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổng hợp các kiến nghị gửi Bộ, ngành liên quan nhằm kịp thời tháo gỡ những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về các vấn đề nêu trên, góp phần tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đối với các dự thảo luật trình tại kỳ họp này, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tiến hành lấy ý kiến của các cơ quan, ban, ngành liên quan, các chuyên gia đối với 15/16 dự thảo luật. Đồng thời, đăng tải các dự án luật lên Trang thông tin điện tử của Đoàn ĐBQH tỉnh để lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân.

Trước Kỳ họp thứ 7, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức các buổi tiếp xúc cử tri (TXCT) theo quy định nhằm thông tin nội dung, chương trình kỳ họp, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như của cả nước; đồng thời, lắng nghe những kiến nghị, đề xuất của cử tri. Tại các buổi TXCT, các ĐBQH đã giải đáp nhiều vấn đề mà cử tri quan tâm như: Công tác phòng, chống tham nhũng; việc đổi mới chất lượng giáo dục và sách giáo khoa; công tác hỗ trợ, di dời tái định cư khu vực 1, Kinh thành Huế; việc bố trí nguồn ngân sách để hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp nhằm tạo việc làm, nâng cao đời sống cho người dân và phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới; chế độ chính sách cho cán bộ bán chuyên trách ở cơ sở; tình hình triển khai các dự án hạ tầng trên địa bàn tỉnh… Đoàn ĐBQH đã tiếp thu, tổng hợp và chuyển các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.

Dự án di dời, giải tỏa Kinh thành Huế được cử tri quan tâm. Ảnh: NP

Đoàn ĐBQH tỉnh cũng thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc giải quyết các kiến nghị của cử tri các ngành, các cấp. Đến nay, đã tiếp nhận được các văn bản trả lời cử tri của các Bộ, ngành do Đoàn ĐBQH chuyển đến từ trước và sau Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV. Đoàn ĐBQH tỉnh đã tiến hành tổng hợp và gửi đến Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh và các huyện, thị xã, TP. Huế, các sở, ngành có liên quan để thông báo rộng rãi cho cử tri, Nhân dân được biết và theo dõi thực hiện.

Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ mang những ý kiến, kiến nghị, tâm tư nguyện vọng gì của cử tri tỉnh nhà đến với kỳ họp Quốc hội lần này?

Tại Kỳ họp thứ 6, chúng tôi đã báo cáo đến Quốc hội, Chính phủ về nguyện vọng của bà con cử tri đang sinh sống tại khu vực I, Kinh thành Huế mong muốn sớm được di dời, tái định cư nhằm ổn định cuộc sống lâu dài, trả lại cảnh quan môi trường, bảo vệ Quần thể Di tích Cố đô Huế. Tuy nhiên, nguồn lực về tài chính để thực hiện chương trình này cũng như một số chương trình, dự án khác của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ để kịp thời bố trí ngân sách Trung ương nhằm tháo gỡ những khó khăn, sớm hoàn thành các đề án, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của cử tri và Nhân dân.

Với tinh thần trách nhiệm với cử tri và Nhân dân, các ĐBQH trong Ðoàn sẽ tích cực tham gia vào nội dung, chương trình kỳ họp, qua đó góp phần vào sự thành công chung của Quốc hội. Đặc biệt là những vấn đề liên quan thiết thực đến người dân như: việc điều chỉnh tăng độ tuổi nghỉ hưu, lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, chế độ làm việc, tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở trong Bộ luật Lao động; việc xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; các chính sách về thuế đối với cá nhân, doanh nghiệp…

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thái Bình (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cần có cơ chế, chính sách động viên đội ngũ văn nghệ sĩ

Tại buổi gặp các nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đã đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao tham mưu, trình HĐND tỉnh ban hành sớm cơ chế, chính sách cho đội ngũ văn nghệ sĩ trên địa bàn tỉnh để động viên, khuyến khích cho những công hiến, tài năng của các nghệ sĩ.

Cần có cơ chế, chính sách động viên đội ngũ văn nghệ sĩ
HƯỚNG DÒNG VỐN VÀO LĨNH VỰC ƯU TIÊN:
Nhiều cơ chế, chính sách cho vay được mở rộng

Vấn đề này đã được ông Phạm Bá Nam, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh chia sẻ cùng Thừa Thiên Huế Cuối tuần khi trao đổi về hoạt động tín dụng năm 2024, trong bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế đang tác động tiêu cực đến tình hình hoạt động của doanh nghiệp.

Nhiều cơ chế, chính sách cho vay được mở rộng
Return to top