ClockThứ Tư, 21/02/2018 07:48

Thương con chó mực

TTH - Năm mạ sinh o út, nội tôi tặng cho một con chó mực. Đó là lần đầu tiên nhà tôi nuôi chó. Chú mực đã trưởng thành nên nội đem lên tận nhà, cột vào trụ mái hiên. Nội bảo, cứ giữ thế này một vài tuần lễ thì nó sẽ quen thôi. Không như tính toán của nội, lạ nhà và lạ chủ nên chú mực oăng oẳng suốt đêm. Và rồi thật không may sau đó, một hôm chú mực giật tung sợi dây buộc và bỏ chạy khỏi nhà. Bị hành hạ nhiều ngày đêm bởi tiếng kêu của chó nên mạ và cả nhà cũng chẳng có chi tiếc nuối, lợi đâu chưa thấy, thoát được cảnh phải nghe tiếng chó kêu suốt ngày đêm ỏm óc, điếc tai.

Người họ Viên tri ân loài chóMất chó thương... mèo

Cứ tưởng thế là xong. Nào ngờ chỉ một hai hôm sau, cả nhà bất chợt phát hiện chú chó lởn vởn quanh vườn. Có lúc, còn ngồi hẳn trước hiên nhìn vô nhà. Đôi mắt nó thật lạ, cứ như muốn nói một điều gì đó, có vẻ như ăn năn và luyến tiếc. Ba đi vắng và hình như cũng cảm thấy xót khi mất con chó mà nội đã nhọc công nên mạ và cả tôi nữa, tìm cách giữ lại, nhờ cả hàng xóm vây bắt. Đâu có dễ, thấy người tới gần là y như rằng chú vọt chạy đi ngay. Gần cả tháng trời ròng rã như thế. Đáng nói là nội tôi trước đó vô ý cột vào cổ chú chó sợi dây điện nhỏ, khá sắc cạnh và lại quá chặt nên lâu ngày nhạy nhảy chú chó bị trầy xước, rồi lở loét trông rất tội nghiệp. Loay hoay mãi, một hôm có một ông ở xóm bên, nghe đâu là dân nghiện thịt chó, đề nghị xin con mực. Mạ đồng ý, vậy là chỉ nội nhật, chú chó bị hạ sát ngay.

O út nhà tôi nay cũng đã xấp xỉ tuổi 50, nghĩa là chuyện con chó mực tôi ngót nghét đã qua nửa thế kỷ rồi nhưng tôi vẫn không quên. Lúc đầu tôi nghĩ, cũng thường thôi, thành ngữ ta có câu “Bơ vơ như chó lạc nhà” đó mà. Nhưng rồi, nhớ lại đôi mắt và bao hành động kỳ quặc của con chó mực ngày ấy. Nó cứ sao sao và cứ thế nào ấy. Lại nghĩ đến câu “Khuyển mã chí tình”, trong các loại vật nuôi thì chó và ngựa là loài tình cảm nhất. Con chó mực nhà tôi tuy còn lạ nước, lạ cái nhưng hình như nó đã có tình cảm và hiểu rõ trách nhiệm với nhà tôi nên mới có ứng xử lạ lùng đến thế. Nó như cô gái trẻ, chưa gắn chặt, se duyên và thề non, hẹn biển với ai đó nhưng đã chớm có tình cảm nên “Tình trong như đã, mặt ngoài còn e”.

Cái câu “Bơ vơ như chó lạc nhà”, ngẫm lại mới thấy thật thấm thía. Nó không như tôi nghĩ lúc ban đầu ấy mà là tình cảm và là sự gắn bó vô cùng thân thiết giữa chó với con người. Nhớ ở bên Tàu có chuyện về con chó của Lao Pan, một người đàn ông độc thân, khi chủ nhân chết đã phủ phục suốt nhiều ngày trời mà không chịu ăn uống gì. Dân làng phát hiện, tìm cách dụ về nhà nhưng nó không chịu. Cuối cùng, họ đành phải làm cho chú một nơi trú ẩn ngay cạnh mộ của ông chủ. Ở nước Ý lại có chuyện về chú chó Fido. Năm 1941, ông Carlo Soriani tìm thấy Fido bị thương bên đường và đã đem nó về nhà chăm sóc. Kể từ đó, mỗi khi Soriani đi xe bus từ nhà máy về nhà, Fido luôn đứng sẵn tại trạm để chờ. Rồi một hôm nhà máy bị trúng bom, ông Carlo Soriani thiệt mạng. Đêm hôm đó, chú chó Fido đã lặng lẽ từ bến xe bus về nhà. Vậy nhưng sáng hôm sau, chú lại tiếp tục trở lại bến xe để chờ chủ. Cứ thế, 15 năm ròng rã… Những câu chuyện tương tự về nghĩa tình của loài chó là rất nhiều, đầy nghĩa tình, cảm động đến mức khó tin, trời ạ!

Có lẽ vì quá gắn bó mà bao thứ của người đời, thiên hạ đều gán hết cho cho chú khuyển, tốt không ít mà xấu cũng thật nhiều. Ví như, do quá thân thiết mà con chó có lúc được đề cao “khôn như chó”. Chó là con vật hiếm hoi được ví cùng với con người nên mới có có câu “Chó dại có mùa, người dại quanh năm”, chỉ những người đã dại khờ thì lại quanh năm suốt tháng, chứ chó thì chỉ dại có mùa (!). Rồi nữa là sự ưu ái “Chó treo, mèo đậy” khi nhắc đến việc có của thì phải biết cách giữ gìn. Chú khuyển có hư hỏng, như cậy thế mà hung hăng bắt nạt người ta thì cũng xuề xòa cho qua chuyện, kiểu như “Chó cậy gần nhà”.

Lại nữa, cũng bởi gần gũi nhau quá nên bao thói hư, tật xấu của chó con người ta đều tỏ tường, vậy nên cứ lấy đó mà ví von cho tiện. Nhắc tới người mẹ ác nghiệt với con cái đã ví “Chó cái cắn con”; kẻ hung hăng, gây gổ bừa bãi thì “Chó càn cắn giậu”. Ai đó cùng cực lại thêm có kẻ bất lương làm hại, liên tưởng tới “Chó cắn áo rách”. Kẻ chẳng có tài, mà lanh chanh dạy bảo người khác, được ví “Chó chạy trước hươu”. Người hợm hĩnh kiêu kỳ, lại làm ra vẻ tốt đẹp, thì “Chó ghẻ có mỡ đằng đuôi”. Ai kia tham lam, không kham nổi việc mà vẫn cố giữ, đã có “Chó già giữ xương”. Người nào đó vì một sự may mắn ngẫu nhiên, chứ không phải do tài mà có là nghĩ ngay tới “Chó ngáp phải ruồi”. Chưa hết, dưới con mắt của người đời thì “khôn như chó” mà cũng “khổ như chó”, “dại như chó” và chưa hết, “ngu như chó”. Còn có tin không, dân gian có đến cả trăm câu thành ngữ liên quan đến loài cẩu (?).

Trở lại với chuyện nhà tôi. Sau vụ con chó mực ngày ấy, không hiểu sao từ dạo đó đến nay, đã hàng chục năm rồi trôi qua, mà mạ con tôi không nuôi được con chó nào ra hồn. Tôi có ông nội bác ở ngay sát cạnh. Chó nhà đẻ con, bao giờ cũng dành cho mạ con tôi một con tốt nhất. Đi mô, thấy nhà ai có chó nhỏ cũng nằn nì xin cho nhà tôi một con. Uổng công ông tôi, chó về nhà tôi không chết sớm thì cũng còi cọc, trơ xương. Mạ con tôi dòm sang hàng xóm thấy chó nhà người béo tốt mà thèm. Mạ con lại nhớ về con mực, cùng bảo với nhau rằng, hay mình xưa nông nổi và vội vàng, đã trót bạc bẽo với chú chó mực, nên trời không cho nữa. Rồi nhìn lại bây giờ, thấy thiên hạ đua nhau nuôi chó, càng đẹp càng yêu, càng lạ càng thương, còn nuông chiều, hầu hạ chúng đủ điều. Tôi không nhập vào cuộc chơi kia. Thế nhưng, vận vào trong tôi là câu tục ngữ “Con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo”. Tôi thương con mực ngày xưa, quý lắm loài chó trước hết là sự nghĩa tình...

Đan Duy

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bệnh dại đe dọa cộng đồng

Trong 3 tháng đầu năm, tại một số địa phương đã ghi nhận nhiều người dân đến các cơ sở y tế để tiêm vaccine phòng dại.

Bệnh dại đe dọa cộng đồng
Chủ có thể truyền bệnh COVID-19 cho thú nuôi

Một tác giả người Hà Lan cho biết, một số lượng lớn thú nuôi có thể bị nhiễm COVID-19 từ người, qua đó cảnh báo những gia đình có người bị nhiễm COVID-19 không nên tiếp xúc quá gần đối với vật nuôi để đảm bảo an toàn.

Chủ có thể truyền bệnh COVID-19 cho thú nuôi
Nhức nhối nạn trộm chó

Với nhiều người, chó được xem là vật nuôi thân thiết nên khi chó bị mất thì chủ nhân không chỉ mất ăn, mất ngủ, mà còn rất gian nan trong việc tìm kiếm.

Nhức nhối nạn trộm chó
Chuyện những người tốt bụng

“Phép màu” đã đến. Câu chuyện anh bạn người nước ngoài bị mất chó được đăng buổi sáng thì chiều hôm đó, bạn và chú chó được đoàn tụ với nhau, cuộc gặp gỡ đầy cảm xúc tại “Sam Spa, Pet Shop” 14 Trần Thúc Nhẫn - TP. Huế, do bạn Trần Văn Sơn làm chủ.

Chuyện những người tốt bụng
Return to top