ClockThứ Sáu, 27/04/2018 06:00

Thoát hiểm trong gang tấc

TTH - Cuộc chiến đấu thầm lặng trong lòng địch đầy gian lao, nguy hiểm, nơi sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc, tất cả đã tôi luyện những chiến sĩ an ninh chúng tôi thành những con người quả cảm, không gì có thể khuất phục được. Lòng tin vào cách mạng, vào ngày mai chiến thắng đã giúp chúng tôi vượt lên tất cả...

Những chiến sĩ người Thừa Thiên Huế hy sinh và có thể chưa được công nhận liệt sĩTưởng niệm các chiến sĩ hy sinh trong Trại giam Phú Quốc

Ông Nguyễn Văn Cường và bà Nguyễn Thị Khét-cơ sở cách mạng trong kháng chiến

Đầu năm 1975, sau Tết Nguyên đán vài ngày, tôi được Ban An ninh huyện Hương Thủy cử về công tác tại thôn Lợi Nông, xã Mỹ Thủy (nay là phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy). Tôi ở nhà bà Nguyễn Thị Khét- cơ sở bí mật trung kiên của tôi. Bà có chồng đi tập kết ở miền Bắc từ năm 1954, trong nhà chỉ có hai người con gái. Con gái đầu của bà là chị Nguyễn Thị Nghĩa, cũng là đảng viên bí mật nằm vùng. Được khoảng một tuần, tôi được cơ sở báo tin ngày hôm sau địch sẽ tổ chức lùng sục toàn bộ địa bàn thôn Lợi Nông vì nghi có "Việt cộng" về nằm vùng. Tôi nghĩ phải nhanh chóng rời khỏi thôn Lợi Nông càng sớm càng tốt.

Tối hôm đó, cơm nước xong tôi chuẩn bị đi thì đột nhiên một toán lính nghĩa quân và nhân dân tự vệ kéo đến chốt ngay tại hiên nhà bên cạnh. Giữa hai nhà có một cái sân chung nên tôi không thể thoát ra cửa trước được. Nhà bà Khét lại không có cửa sau. Tôi nghĩ mãi mà chưa tìm ra phương án nào thoát đi an toàn. Lúc ấy chị Nghĩa đang ở nhà. Tôi nhờ chị tìm hiểu xem toán nhân dân tự vệ gồm những ai. Chị Nghĩa ra ngoài một lát rồi vào báo có các anh Nguyễn Đình Ngoài và Nguyễn Văn Càng là cơ sở của tôi. Tôi bảo chị mời hai anh vào gặp. Thoạt nhìn thấy tôi, hai anh tỏ ra lúng túng và lo lắng lắm. Tôi mất một lúc để trấn an tinh thần hai anh. Sau khi nghe tôi trình bày phương án thoát ra và nhờ giúp đỡ, hai anh nhất trí ngay. Tôi mau chóng khoác cây AK báng gấp lên vai rồi mặc một cái áo đen trùm bên ngoài. Tôi đi giữa, hai anh khoác vai tôi đi hai bên. Chúng tôi vừa đi vừa trò chuyện giống như những nhân dân tự vệ với nhau. Cứ như thế, chúng tôi băng qua sân ngay trước mắt bọn lính nghĩa quân và nhân dân tự vệ. Ra đến hàng tre giáp bờ ruộng, từ biệt hai anh, tôi ẩn mình vào bóng tối, mau chóng thoát ra ngoài làng.

Để đến được nhà cơ sở bí mật của tôi ở vùng trên xã Mỹ Thủy, tôi phải băng qua đường Quốc lộ 1. Không may đêm đó là ngày18 tháng Giêng âm lịch (tức ngày 28/2/1975), dù không tỏ như đêm rằm nhưng trăng vẫn rất sáng. Lúc tôi đến gần đường Quốc lộ 1, mặt đường hiện ra rõ mồn một. Ngoài mấy cái đồn chốt dọc đường, địch còn thường xuyên tuần tiễu, phục kích. Nếu vượt qua đường lúc này thật quá mạo hiểm. Tôi dừng lại nghỉ chân, suy nghĩ một lúc rồi quyết định quay lại trú trong ngôi miếu giữa đồng. Ngôi miếu này nằm cách xa làng, xung quanh cây cối rậm rạp, thường ngày rất ít người qua lại. Tôi vào trong miếu chốt chặt cửa, tay nắm chặt khẩu AK trong tư thế chuẩn bị chiến đấu.

Sáng sớm hôm sau, trời rét căm căm, tôi đang co ro trong góc miếu thì chợt nghe có tiếng động. Nhìn qua khe cửa, tôi thấy một cụ già đang cố sức đẩy cửa vào. Tôi tháo chốt mở cửa cho ông. Nhìn thấy tôi, ông hoảng quá định bỏ chạy. Tôi giữ ông lại và giải thích cho ông biết tôi là quân Giải phóng, lỡ đường ở nhờ trong miếu một ngày, tối đến sẽ đi ngay. Ông nói hôm nay xóm cúng đầu năm, nhiều người lắm, anh phải đi ngay kẻo nguy hiểm. Tôi dặn ông không được nói cho ai biết đã gặp tôi, nhất là với bọn lính ngụy và cảnh sát.

Rời khỏi miếu, tôi mang thắt lưng, nới dài dây súng AK để kéo lê sát bờ lúa, tránh để mọi người phát hiện. Mới qua vài thửa ruộng, tôi chợt gặp thằng bé đi nhổ câu. Nhìn thấy tôi, nó hoảng hốt bỏ chạy. Thấy nguy, tôi xách súng chạy ra giữa cánh đồng, vừa chạy vừa suy nghĩ: thằng bé nhổ câu thấy mình nhất định sẽ báo cho bọn lính ngụy xuống lùng sục, tìm kiếm, nếu tiếp tục trú ở cánh đồng  Dạ Lê Thượng thì khó thoát, nếu đến được cánh đồng làng Thanh Thủy Thượng, xã Thủy Dương - xã "kiểu mẫu chống cộng" của ngụy thì khả năng thoát cao hơn vì chúng ít ngờ tới. Nơi nguy hiểm là nơi an toàn nhất, nghĩ vậy, tôi xách súng chạy đến một con hói, vốn là nơi phân giới ruộng giữa hai làng. Sáng hôm ấy, may sao trời lại đầy sương mù, đứng xa cũng khó phát hiện. Tôi ôm súng lặn từ bờ bên này sang bờ bên kia con hói, rồi bò lên bờ, lội sâu vào trong cánh đồng làng Thanh Thủy Thượng, đến giữa một thửa ruộng lúa thì dừng lại. Hồi bấy giờ bà con nông dân ở đây trồng loại lúa địa phương, thân cây rất cao, lúc chín có thể cao tới ngang ngực.

Khoảng nửa tiếng sau, tôi nghe có tiếng súng AR15 nổ vang trên cánh đồng Dạ Lê Thượng. Sau này tôi được biết, bố thằng bé nhổ câu là Ấp trưởng ấp 3 Dương Văn Bàng. Tên Bàng nghe con báo có "Việt cộng" ngoài đồng đã đem hai trung đội lính nghĩa quân ra lùng sục, tìm kiếm khắp cánh đồng Dạ Lê Thượng. Nghe tiếng súng nổ liên tục, tôi đoán chắc chúng bắn vào những nơi nghi ngờ. Có cả tiếng trực thăng quần đảo hàng giờ trên trời. Đúng như tôi phán đoán, bọn chúng không thể ngờ tôi lại táo bạo trú ở nơi được coi là "địa bàn chống cộng" của chúng nên không tổ chức tìm kiếm ở cánh đồng Thanh Thủy Thượng. Quá trưa, không tìm được ai nên chúng buộc phải kết thúc cuộc lùng sục. Tiếng súng trên cánh đồng Dạ Lê Thượng cũng im bặt.

Từ chỗ tôi nằm, có thể nghe rõ tiếng các bà, các chị đi làm cỏ lúa ở các thửa ruộng bên cạnh. May mắn là không có ai đến làm cỏ lúa chỗ tôi ẩn nấp. Tôi đã nằm như thế suốt một ngày trong bùn lạnh, giữa cái rét cắt da, cắt thịt của tháng Giêng âm lịch. Khát thì uống nước ruộng, đói thì nhai tạm mấy đọt lúa non. Đã thế, những con đỉa khát máu không để tôi yên. Chúng cứ bám lấy tôi, tha hồ hút máu đến no căng mà tôi không dám động đậy vì sợ phát ra tiếng động. Suốt một ngày dài căng thẳng, đói, rét, nguy hiểm cận kề nhưng tôi không hề thấy sợ hãi. Cuộc chiến đấu thầm lặng trong lòng địch đầy gian lao, nguy hiểm, nơi sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc, tất cả đã tôi luyện những chiến sĩ an ninh chúng tôi thành những con người quả cảm, không gì có thể khuất phục được. Lòng tin vào cách mạng, vào ngày mai chiến thắng đã giúp chúng tôi vượt lên tất cả.

Trời tối. Không còn tiếng người làm cỏ lúa nữa. Quan sát xung quanh thấy an toàn, tôi từ từ ngồi dậy. Toàn thân tôi như đông cứng lại. Hai chân tê buốt không còn cảm giác. Tôi lấy hết sức xoa hai bàn tay vào nhau cho ấm rồi xoa khắp người, nắn bóp hai chân một lúc cho máu lưu thông. Đợi trời tối hẳn, tôi lặng lẽ rời cánh đồng lúa, tìm đến nhà cơ sở ở ấp 3 để nắm tình hình. Cơ sở của tôi là chị em chị Lê Thị Bé và Lê Thị Thí. Hai chị giúp tôi hong khô quần áo, nấu cơm cho tôi ăn. Sau một ngày chịu đói, chịu rét, bữa cơm nóng của hai chị giúp tôi hồi phục sức khỏe rất nhanh. Nghỉ ngơi một lát, tinh thần phấn chấn, tạm biệt hai chị tôi lại tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ của mình.

Huy Trần

(Theo lời kể của ông Nguyễn Văn Cường, nguyên Phó Bí thưThường trực Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cảnh báo cấp độ cháy rừng rất nguy hiểm

Trước xu thế thời tiết cực đoan, nắng nóng gay gắt, ngày 19/4, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh phát thông tin cảnh báo nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Tại vùng đồng bằng và TP. Huế dự báo cấp độ cháy rừng cấp 3 (cấp nguy hiểm), đặc biệt ở Nam Đông cấp 4 (cấp rất nguy hiểm).

Cảnh báo cấp độ cháy rừng rất nguy hiểm
Lúa đang làm đòng, trổ bị sâu bệnh gây nguy hiểm

Thời điểm này, toàn bộ diện tích lúa đông xuân vào giai đoạn làm đòng, sắp trổ đại trà, một số diện tích gieo cấy sớm đã trổ. Đây là giai đoạn quan trọng trong các thời kỳ sinh trưởng của lúa, gần như quyết định năng suất và chất lượng sản phẩm tốt của vụ mùa với điều kiện không bị tác động, ảnh hưởng của thiên tai, dịch hại.

Lúa đang làm đòng, trổ bị sâu bệnh gây nguy hiểm
Huấn luyện chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu

Nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp uỷ, chỉ huy, vai trò tham mưu của cơ quan, đơn vị các cấp, trong hai ngày 4 & 5/3, Trung đoàn 6; Tiểu đoàn Tăng Thiết giáp 3 và Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thị xã Hương Thủy đã tổ chức luyện tập chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) từ thường xuyên lên cao, cao lên toàn bộ.

Huấn luyện chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu
Return to top