ClockThứ Ba, 18/12/2018 06:45
CẢI THIỆN NGOẠI NGỮ CHO SINH VIÊN:

Tận dụng mô hình các câu lạc bộ

TTH - Hầu hết các trường đại học đều có câu lạc bộ (CLB) tiếng Anh, song việc phát huy mô hình này giúp sinh viên cải thiện điểm yếu ngoại ngữ vẫn còn hạn chế.

Kết nối sinh viên qua “sân chơi” ngoại ngữCải thiện kỹ năng nghe, nói ngoại ngữ cho sinh viên

 Chủ nhiệm CLB tiếng Anh Trường ĐH Sư phạm chia sẻ chủ đề sinh hoạt với các thành viên

Tham dự buổi sinh hoạt của một số CLB tiếng Anh tại các trường đại học (ĐH), dễ nhận thấy đa phần thành viên đều giao tiếp được và các kỹ năng khá tốt. Song khi hỏi tìm một thành viên có xuất phát điểm yếu ngoại ngữ, đại diện các câu lạc bộ đều lắc đầu. Đặng Lưu Bảo Ngọc, Chủ nhiệm CLB tiếng Anh Trường ĐH Kinh tế, ĐH Huế thừa nhận: “Khoảng 40 thành viên trong CLB đều có trình độ tiếng Anh khá. Rất ít bạn yếu tiếng Anh tìm đến CLB”.

Chia sẻ của Bảo Ngọc cũng là thực tế của hầu hết CLB tiếng Anh tại các trường. Đáng nói là, mô hình trên không khép kín cho đối tượng biết tiếng Anh, mà mở rộng cho tất cả mọi người có nhu cầu tham gia với mong muốn hỗ trợ nhau học tập. Tăng Ngọc Lam Giang, Chủ nhiệm CLB tiếng Anh, Trường ĐH Nông lâm, ĐH Huế chia sẻ, đầu các năm học, nhất là giai đoạn tân sinh viên nhập học, CLB luôn tổ chức hoạt động thu hút thành viên mới. Có khá nhiều kênh để chuyển thông tin đến sinh viên, như phát tờ rơi, giới thiệu trực tiếp, quảng bá qua mạng xã hội… song gần như mọi năm chỉ những người biết tiếng Anh mới gia nhập.

Có nhiều lý do dẫn đến thực trạng trên, trong đó không ít sinh viên nhầm lẫn phương hướng hoạt động của các CLB tiếng Anh chỉ là nơi sinh hoạt của người có khả năng, nhiều trường hợp e ngại, xấu hổ vì năng lực ngoại ngữ yếu. Thậm chí, một số sinh viên đã đăng ký, song chỉ sinh hoạt 1 – 2 buổi rồi lặng lẽ “rút lui” vì thiếu kiên trì.

Ngoài nguyên nhân khách quan, đại diện một số CLB tiếng Anh thừa nhận chất lượng hoạt động còn giới hạn, phương thức sinh hoạt khá rập khuôn, ít có sự đổi mới. Vì lý do ít có thành viên yếu ngoại ngữ tham gia, nên nội dung sinh hoạt hướng đến giao tiếp, điều này ít nhiều tạo ra sự nhầm lẫn cho sinh viên về đối tượng tham gia.

Kinh phí cũng là vấn đề lớn. Theo đại diện CLB tiếng Anh Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế, các hoạt động được tổ chức hầu hết đều do thành viên đóng góp. Túi tiền sinh viên eo hẹp nên khó tổ chức các chương trình lớn ngoài sinh hoạt thường kỳ, mang tính mở rộng cho sinh viên trong trường. “Vì tính chất CLB khá nhỏ, khó kêu gọi vận động. Việc liên kết các đơn vị bên ngoài cũng khó khăn. CLB em từng liên kết với các sinh viên nước ngoài làm các chương trình lớn để hỗ trợ sinh viên học tập, song thủ tục rất khó khăn, vướng nhiều thứ. Nếu có sự hỗ trợ tốt hơn từ các đơn vị liên quan trong trường thì phần nào được giải quyết”, Lam Giang, CLB tiếng Anh Trường ĐH Nông lâm nói thêm.

Cần định hướng và hỗ trợ

Hiện nay, chuẩn đầu ra bắt buộc của sinh viên học ngoại ngữ không chuyên là chứng chỉ ngoại ngữ B1 (khung năng lực 6 bậc). Theo lãnh đạo các trường, đó là vấn đề đáng lo vì khả năng ngoại ngữ của sinh viên còn yếu, dù đã đề ra nhiều giải pháp.

Mô hình CLB ra đời với nhiệm vụ giúp sinh viên hỗ trợ nhau học tập, rèn luyện và thực tế sinh viên học từ sinh viên là giải pháp hiệu quả nhưng ít tốn kém kinh phí. Lợi thế hầu hết các trường đều có CLB tiếng Anh, rất dễ triển khai các hoạt động giúp nhau học tập, phương pháp thi B1.

Để triển khai, trước hết các trường cần truyền thông, nâng cao nhận thức của sinh viên về vai trò các CLB tiếng Anh, thu hút họ tham gia. Đồng thời, cần hỗ trợ một phần kinh phí, giao cho họ làm các chương trình lớn, hỗ trợ sinh viên học tập. Hiện, một số CLB tiếng Anh đang tham gia hình thành cộng đồng tự học, bằng các hoạt động ngoại khóa, đó cũng là một hướng đi để giúp sinh viên học, nhưng cần sự hỗ trợ của nhà trường cả về vật chất lẫn định hướng chuyên môn, cách làm.

Bộ phận chức năng của các trường có thể phối hợp các CLB tiếng Anh tổ chức những chương trình talkshow, cuộc thi, hoạt động liên quan đến tiếng Anh cấp trường, khoa theo hình thức vừa chơi, vừa học, qua đó truyền cảm hứng cho các sinh viên trong trường tham gia. Theo cán bộ đại diện Đoàn khoa Du lịch, ĐH Huế, các cơ sở giáo dục cần liên kết, tìm cơ chế hợp tác với các đơn vị bên ngoài, nhất là các trung tâm ngoại ngữ để phối hợp các CLB tiếng Anh định kỳ tổ chức các hoạt động chuyên môn hỗ trợ sinh viên nhằm tạo ra hiệu quả và sức thu hút hơn.

Anh Nguyễn Cao Cường, Bí thư Đoàn ĐH Huế, hiện nay Đoàn ĐH Huế đang có chủ trương gắn kết các CLB, đội, nhóm, tạo thành các mảng chuyên môn. Thời gian tới, sẽ định hướng để các CLB chung mảng ngoại ngữ ngồi lại, trao đổi cách làm để tạo ra những giải pháp, chương trình lớn hỗ trợ sinh viên ĐH Huế học tiếng Anh.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó

Ngày 14/4, tại Công viên Tứ Tượng (TP. Huế), Quỹ Giáo dục Huế hiếu học (Quỹ) tổ chức trao học bổng học kỳ 2 năm học 2023 – 2024 cho các sinh viên, học sinh nghèo, vượt khó vươn lên trong học tập. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân.

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó
“Ngôi nhà 5.000 đồng”

Bằng việc huy động đóng góp của mỗi sinh viên chỉ 5.000 đồng và từ đó, “Ngôi nhà 5.000 đồng” đầu tiên đã được hình thành, giúp sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vững niềm tin với giấc mơ đại học của mình.

“Ngôi nhà 5 000 đồng”
Khi người học được “chấm điểm” người dạy

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 01) về chuẩn cơ sở giáo dục đại học; trong đó, có một tiêu chí rất được quan tâm là tỷ lệ người học hài lòng với giảng viên về chất lượng và hiệu quả giảng dạy không thấp hơn 70%.

Khi người học được “chấm điểm” người dạy
Return to top