ClockThứ Hai, 21/10/2019 05:30

Phát triển Thừa Thiên Huế theo hướng đô thị di sản

TTH - Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV (diễn ra từ ngày 21/10- 27/11), trước thềm kỳ họp phóng viên Báo Thừa Thiên Huế đã có cuộc trao đổi với ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh. Về nội dung của kỳ họp này, ông Phan Ngọc Thọ cho biết:

Lấy phát triển kinh tế làm trọng tâm

  • Đảm bảo nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ di dân khu vực di tích Kinh thành Huế

Kinh thành Huế nhìn từ trên cao. Ảnh: Nông Thanh Toàn

Đây là kỳ họp có thời gian dài với nhiều nội dung quan trọng, trong đó Quốc hội dự kiến thông qua 12 dự án luật, 3 nghị quyết và thảo luận cho ý kiến 9 dự án luật khác. Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018” và dành thời gian 3 ngày để chất vấn và trả lời chất vấn. Quốc hội sẽ xem xét, quyết định đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021- 2025; xem xét báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành giai đoạn 1 và các báo cáo KT-XH, ngân sách hằng năm....

Công tác nhân sự cũng là nội dung đáng chú ý của kỳ họp này. Dự kiến Quốc hội sẽ tiến hành các thủ tục để miễn nhiệm Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định. Ông Nguyễn Khắc Định chuẩn bị nhậm chức Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa. Quốc hội cũng sẽ phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ…

Được biết, từ sau Kỳ họp thứ 7, ngoài các cuộc tiếp xúc cử tri để tổng hợp ý kiến chuyển đến Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành... Đoàn ĐBQH tỉnh đã có nhiều hoạt động để chuẩn bị cho kỳ họp mới này?

Đối với các dự thảo luật trình tại kỳ họp này, Đoàn ĐBQH tỉnh đã lấy ý kiến của các cơ quan, ban, ngành liên quan, các chuyên gia; đồng thời lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân thông qua Trang thông tin điện tử. Qua đó, Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp đầy đủ các báo cáo gửi UBTVQH, các ĐBQH đảm bảo yêu cầu.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (ngoài cùng bên trái) cùng Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ thăm người dân di tích Kinh thành Huế trước ngày di dời đến nơi ở mới

Sau Kỳ họp thứ 7, Đoàn ĐBQH tỉnh tiến hành 5 cuộc giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về: quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018; quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2013 - 2018; phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014 - 2018; thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012 - 2018; phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 - 2019.

Qua giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổng hợp các kiến nghị gửi Bộ, ngành liên quan nhằm kịp thời tháo gỡ những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật, góp phần tạo môi trường thuận lợi để phát triển KT-XH chung của cả nước cũng như của tỉnh.

Thưa ông, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ mang những ý kiến, kiến nghị, tâm tư nguyện vọng gì của cử tri tỉnh nhà đến với kỳ họp Quốc hội lần này?

Tại buổi làm việc mới đây của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với lãnh đạo chủ chốt tỉnh, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh sớm hoàn thành việc tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 48 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2045. Qua đó, báo cáo Bộ Chính trị xem xét, quyết định về việc ban hành một nghị quyết mới nhằm xác định định hướng phù hợp cho việc tiếp tục xây dựng và phát triển tỉnh tương xứng với tiềm năng, lợi thế trong thời kỳ mới. Đây cũng là nguyện vọng, mong mỏi chung của cử tri toàn tỉnh.

Do vậy, tại kỳ họp này chúng tôi sẽ chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, tranh thủ ý kiến của Quốc hội, Chính phủ nhằm phục vụ công tác tổng kết, đánh giá thực trạng phát triển đô thị của tỉnh theo các tiêu chí, định mức về quy mô, trình độ phát triển, đáp ứng vai trò hạt nhân, trung tâm phát triển của vùng và cả nước, cũng như trong mối tương quan phát triển của các đô thị trực thuộc Trung ương khác. Đồng thời, xin chủ trương Chính phủ về đề án mở rộng ranh giới TP. Huế theo hướng hình thành đô thị trung tâm với trục cảnh quan dọc theo sông Hương để có đủ không gian phát triển đô thị phù hợp với định hướng bảo tồn di sản văn hóa và thân thiện môi trường. Trên cơ sở đó, xây dựng đề án, hoàn thiện hồ sơ theo cơ chế, chính sách riêng công nhận Thừa Thiên Huế là đô thị di sản đặc thù - thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng thời, làm việc với các Bộ, ngành nhằm bố trí nguồn vốn đầu tư công phù hợp nhằm đảm bảo nguồn vốn và đẩy nhanh tiến độ dự án di dời dân ở khu vực I di tích Kinh thành Huế.

Với tinh thần trách nhiệm với cử tri và Nhân dân, các ĐBQH trong Ðoàn sẽ tích cực tham gia vào nội dung, chương trình kỳ họp, nhất là những vấn đề liên quan thiết thực đến người dân, góp phần vào sự thành công chung của Quốc hội.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thái Bình (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 4: Hướng đến thành phố đáng sống, an toàn và thịnh vượng

Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là bước tiến quan trọng. Tỉnh đã nhanh chóng bắt tay vào việc triển khai, thực hiện quy hoạch. Một thành phố trực thuộc Trung ương đang được hình thành, và Huế hứa hẹn sẽ trở thành nơi đáng sống, an toàn và thịnh vượng.

Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 4 Hướng đến thành phố đáng sống, an toàn và thịnh vượng

TIN MỚI

Return to top