ClockThứ Tư, 14/08/2019 05:30

Những “phù thủy” của hoa

TTH - Những hình ảnh, khoảnh khắc lộng lẫy nhất của từng bông hoa được các florist (thợ cắm hoa) lưu giữ lại bằng tay nghề biến hóa điêu luyện, niềm yêu hoa tha thiết và mong muốn làm đẹp cho đời. Để phù phép cho những đóa hoa, họ phải trải qua cuộc hành trình dài mà không phải ai cũng hiểu…

Trần Xuân Hải từng trải qua hai năm khổ luyện “không thấy mặt trời”

Những chàng trai… "nhạy cảm"

“Nhạy cảm” với hoa, đó là những gì chúng tôi cảm nhận được khi tiếp xúc với Trần Xuân Hải và Trần Văn Nhật, những florist tại Huế. Tưởng chừng florist chỉ phù hợp với phái nữ nhưng khi chúng tôi hỏi, Trần Xuân Hải, chàng trai sinh năm 1988 bật mí: “Nhiều thợ cắm hoa là nam giới chứ chẳng riêng gì mình. Vì thật sự khi nam giới đã yêu hoa, tình yêu ấy rất nồng đượm, sâu sắc”.

Khi còn là cậu học sinh cuối bậc THPT, Trần Xuân Hải đã có mối giao cảm kỳ lạ khi vô tình ngắm nhìn những bông hoa giấy xinh đẹp. Chỉ sau ba tháng tìm tòi, học hỏi, chàng trai rất nam tính nhưng vô cùng tinh tế đã tạo ra những sản phẩm hoa giấy đẹp mắt. Từ hoa giấy, tình yêu với hoa được nuôi dưỡng trong những tháng năm nhập ngũ. Năm 2011, Trần Xuân Hải khăn gói vào TP. Hồ Chí Minh, bén duyên với nghề florist. Đến năm 2013, khi đã có lượng kiến thức nhất định, Xuân Hải quyết định trở về cố hương, tiếp tục sống với niềm đam mê.

Trần Văn Nhật, sinh viên năm 3 tại Khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Huế lại khác. Nhật chia sẻ: “Lúc bé em được tiếp xúc, làm quen với hoa, từ đó niềm yêu thích cứ tăng dần. Khi được ngắm hoa, cắm hoa, em thấy mình rất hạnh phúc, thanh thản, cứ thế em tìm hiểu, và bán hoa online”. Nhìn ánh mắt say sưa của Nhật, chúng tôi thấy được tình yêu mà chàng trai 24 tuổi dành cho đam mê của mình. Ánh mắt ấy có nét tinh tế, nâng niu, say mê hao hao như lúc Trần Xuân Hải thận trọng cắt mỗi cành hoa để cắm.

Hai chàng florist đều có đôi bàn tay hơi chai, móng tay còn vương chút nhựa hoa. Với sự tinh tế, chỉ cần liếc qua lẵng hoa phía trước, Phước Hải sẽ biết cành hoa với dáng hoa ấy “thuộc” về hướng nào, đóng vai trò gì trong muôn ngàn sắc hương đang tỏa rạng.

Khoảnh khắc đáng nhớ

Trần Xuân Hải tâm sự: “Gần 10 năm gắn bó với nghề, mình gặp rất nhiều sự cố với hoa. Đằng sau những đóa hoa lộng lẫy là bao mồ hôi, công sức và cả… máu của florist”.

Trong lúc trang trí hoa tại một đám cưới nọ, Xuân Hải bị cổng hoa tươi đè lên người. Khung sắt nặng 120 kg với rất nhiều hoa đã làm Hải choáng váng. Thế mà khi “nhúc nhích” được, Hải chỉ lo cho hoa. “Mỗi tiệc cưới có thời gian thi công, trang trí rất sát sao. Nếu hoa bầm dập, không chỉ ảnh hưởng đến uy tín, mình còn cảm thấy có lỗi với cô dâu chú rể vì để họ thất vọng trong ngày đẹp nhất của đời mình”, chàng trai nhỏ nhẹ nói.

Florist cũng không phải là công việc nhẹ nhàng, họ phải làm quen với việc bưng bê hoa, các loại đôn, chậu. Vào dịp cao điểm tết, các ngày lễ lớn, florist phải đứng liên tục nhiều tiếng đồng hồ để cắm hoa. Như vào dịp “cưới quốc dân”, ngày 8/3, Trần Văn Nhật phải làm việc liên tục, năm, mười bó hoa cưới, hàng chục lẵng hoa, bó hoa, đôn hoa hút kiệt sức của chàng trai 9X.

Để trở thành một florist chuyên nghiệp phải trải qua thời gian rất dài. Quá trình làm việc là nơi trui rèn nhanh chóng và hiệu quả nhất, nơi các thợ học việc tích lũy kiến thức để “biến hóa” thân phận, trở thành một florist được công nhận. Có đến hai năm dài đằng đẵng (lúc ở TP. Hồ Chí Minh), Trần Xuân Hải hầu như không biết đến… mặt trời. Chẳng phải anh không được thấy ánh sáng mà là do lịch làm việc quá dày đặc tại tiệm hoa, kéo dài từ 5h sáng đến 10h tối (chỉ được nghỉ hai ngày/tháng).

Chân tình chỉ một lẵng hoa, Xuân Hải bật mí: “Nhiều bài học mình đúc kết được từ những năm tháng khổ luyện. Đơn cử như lẵng hoa này. Trông đơn giản, tự nhiên nhưng nét tự nhiên ấy có được là nhờ cách vào form hoa, cụ thể là phương pháp lựa chọn, đưa xốp cắm hoa vào lẵng…”.

Trần Văn Nhật ít may mắn hơn Xuân Hải, chàng sinh viên tự nhận mình là một florist nghiệp dư. Nhật chăm chỉ học cắm hoa trên mạng, học từ người quen, học ở các diễn đàn. Đặt tình yêu hoa lên tất cả, hoa cũng không phụ công người, nhiều người yêu thích phong cách cắm hoa trẻ trung của Nhật. Dù chỉ là florist nghiệp dư, hàng tháng chàng trai vẫn ung dung bỏ túi hơn 4 triệu đồng, một thu nhập đáng mơ ước của những sinh viên chưa ra trường.

Luôn cập nhật xu thế, không ngừng đổi mới, đó là cách các florist tạo được dấu ấn, bắt kịp nhịp sống và định hình phong cách. Thay vì 100% là những bông hoa, Trần Xuân Hải rất chuộng kết cấu khu vườn với sự đồng điệu của hoa và lá. Những xu hướng độc đáo như hoa kết hợp sen đá, hoa biến tấu, hoa phá cách giúp chàng trai sinh năm 1988 tìm được chỗ đứng trong thị trường florist tại Huế.

Nhìn bó hoa cưới mà Xuân Hải sáng tạo, chúng tôi thầm khâm phục. Những đóa lan hồ điệp mong manh, tinh tế thả mình. Điểm xuyến cho nó là chút lá dây leo, vài đóa hồng e ấp. Thời điểm mà cô dâu xinh đẹp rạng rỡ với bó hoa cũng là lúc đời hoa có giá trị nhất. Với tay nghề điêu luyện, tâm hồn đa cảm, những florist xứng đáng là thầy phù thủy thứ thiệt, biến giai đoạn rực rỡ của hoa trở thành khoảnh khắc đáng nhớ…

Bài, ảnh: Mai Huế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Những bông hoa giữa đời

Mệ năm nay đoán chừng cũng gần bảy mươi rồi. Lưng còng, dáng người nhỏ thó, khắc khổ chừng ba chục ký lô nên có cảm giác chiếc xe đạp điện mệ đang đi còn có vẻ to lớn và nặng cân hơn cả mệ.

Những bông hoa giữa đời
Trung Quốc và ASEAN chung tay thúc đẩy “khoảnh khắc châu Á” trong quản trị toàn cầu

Từ ngày 14 - 19/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tham dự Hội nghị Cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) lần thứ 17 diễn ra tại Bali (Indonesia) và Hội nghị các nhà lãnh đạo Kinh tế thuộc Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 29 diễn ra tại Bangkok (Thái Lan).

Trung Quốc và ASEAN chung tay thúc đẩy “khoảnh khắc châu Á” trong quản trị toàn cầu
Những “bông hoa thiện nguyện”

Trong những lúc dịch bệnh nguy nan hay cuộc sống thường nhật còn khó khăn, nhiều người đã ra sức kêu gọi, kết nối và tổ chức nhiều chương trình thiện nguyện đầy ý nghĩa.

Những “bông hoa thiện nguyện”
Thương yêu khó nói hết bằng lời

Sống lâu với Huế có thể bạn thấy Huế nhỏ bé, bình thường, nhưng ẩn sau vẻ bình thường ấy là biết bao yêu thương, biết bao nhung nhớ, ngọt ngào khó nói hết bằng tên. Huế tháng ba có những cảm xúc dâng trào, có những ngày rất lạ khiến bạn dù có mệt mỏi thế nào vẫn thấy tâm hồn lắng dịu khi ngắm nhìn thành phố trong những không gian xinh đẹp, mộng mơ.

Thương yêu khó nói hết bằng lời
Return to top