ClockThứ Năm, 27/02/2020 07:15
DỊCH VỤ DU LỊCH QUẢNG ĐIỀN:

Những bước đi ban đầu

TTH - Tiềm năng du lịch Quảng Điền đang được khai thác, từng bước đáp ứng nhu cầu du khách.

Cơ hội cho du lịchQuảng Điền phát triển dịch vụ, du lịchDu lịch sinh thái từ rừng ngập mặn Quảng LợiBồi dưỡng kỹ năng phục vụ du khách cho người dân Quảng Điền

Trải nghiệm chơm cá. Ảnh: Phòng Văn hóa Thông tin huyện Quảng Điền

Thú vị

Chị Nguyễn Thị Hằng ở đường Bùi Thị Xuân (TP. Huế) từng tâm sự rằng, đến với vùng đầm phá Quảng Điền chỉ để giải trí, thư giãn, hít thở không khí trong lành sau những ngày làm việc căng thẳng. Chỉ cần tốn vài trăm ngàn đồng, gia đình chị Hằng được ngư dân phục vụ du thuyền khắp vùng đầm phá, quanh các khu rừng ngập mặn.

Chèo thuyền trên vùng đầm phá là một việc rất đỗi bình thường với cư dân đầm phá, nhưng với những người sống thị thành như chị Hằng có ý nghĩa rất lớn. Cứ mỗi lần thư giãn như vậy, năng lượng sẽ được tái tạo phục vụ tốt cho những ngày làm việc mới hiệu quả hơn.

Hành trình du thuyền trên vùng đầm phá, du khách được ngắm cảnh đẹp lúc bình minh hay chiều tà, tận mắt chứng kiến các nghề đánh bắt thủy sản của cư dân vùng sông nước. Du khách được ngư dân hướng dẫn khám phá, trải nghiệm các nghề nò sáo, chài lưới, nơm cua, tôm, tép, câu cá…

“Từ nhỏ, tôi từng khát khao một lần cùng với ngư dân buông lưới, giăng câu, mò cua, bắt cá để trải nghiệm thực tế công việc của cư dân sông nước. Giờ đây ước mơ đó thành hiện thực qua những lần đến với vùng đầm phá Quảng Điền”, anh Nguyễn Rôn ở đường Trần Thái Tông (TP. Huế) trải lòng.

Một bộ phận du khách đến với vùng đầm phá Quảng Điền không chỉ nhằm thư giãn mà còn để thưởng thức các món ăn dân dã, tươi ngon. “Khi những mẻ lưới, rớ tép, tôm, cá vừa bủa lên còn nhảy lóc bóc liền cho vào xoong nấu chín, chấm nước mắm; hay mới đây có thêm món tép xào, hấp hành được khai thác trong các khu rừng ngập mặn, ăn kèm với rau sạch bản địa, ngon hết cỡ”, anh Rôn hào hứng.

Cán bộ phụ trách văn hóa-xã hội thuộc xã Quảng Lợi, ông Hà Binh tự hào, đầm phá Quảng Lợi nói riêng, Quảng Điền nói chung được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến bởi nét đẹp hữu tình, thơ mộng. Du khách đến đây không chỉ để thư giãn, ngắm cảnh đẹp thiên nhiên ban tặng, hít thở không khí trong lành mà còn được trải nghiệm đời sống, công việc của cư dân vùng sông nước Tam Giang và có thể tự tay chế biến những món thủy sản dân dã do chính họ đánh bắt trong quá trình trải nghiệm. Tại thôn Ngư Mỹ Thạnh, Hà Công… có hàng chục hộ làm dịch vụ du thuyền trên đầm phá, thu nhập bình quân mỗi ngày 200-300 ngàn đồng.

Cần đa dạng dịch vụ

Quảng Điền lâu nay có khá nhiều tiềm năng phát triển dịch vụ du lịch, trong đó phải kể đến các sản phẩm làng nghề mây tre đan Bao La, Thủy Lập, nước mắm, bún bánh Ô Sa, rau sạch… Các sản phẩm đều có thương hiệu, có “chỗ đứng vững chắc” trên thị trường. Tuy nhiên, theo đánh giá của các ban ngành, chính quyền địa phương, hầu hết các đơn vị sản xuất đều hướng đến thị trường tiêu thụ sản phẩm ở ngoại tỉnh và TP. Huế; chưa quan tâm đầu tư thỏa đáng để phục vụ du lịch trên địa bàn huyện.

Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi, ông Phan Đăng Bảo đánh giá, hệ thống nhà hàng ở khu vực Cồn Tộc “mọc lên” ngày càng nhiều thu hút một lượng lớn du khách đến thưởng thức các món ăn đặc sản của vùng đầm phá. Điều lãng phí là hầu hết du khách đến đây chỉ để ăn uống, khi ra về không có bất cứ thứ gì để làm quà cho người thân. Trong khi đó, nhiều du khách sau những chuyến tham quan vùng đầm phá còn có nhu cầu mua sắm những sản vật đặc trưng tại địa phương làm kỷ niệm. Các du khách đều biết đến các làng nghề mây tre đan, nước mắm, trà rau má… nổi tiếng nhưng họ cho rằng, không thể sau khi tham quan vùng đầm phá phải mất thêm nhiều thời gian, vượt cả chục cây số để mua các sản phẩm.

Ông Bảo thông tin, qua tìm hiểu, khảo sát nhu cầu của du khách, ngay tại các khu vực nhà hàng, nhà nghỉ cần tổ chức các dịch vụ kinh doanh sản phẩm các làng nghề, làng nghề truyền thống để tiện mua sắm làm quà. Chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở sản xuất, chủ doanh nghiệp tổ chức dịch vụ mua sắm các mặt hàng lưu niệm ngay tại các khu trung tâm vui chơi, giải trí. Điều này cũng cần sự vào cuộc, hỗ trợ của các cơ quan, ban ngành tạo điều kiện về các thủ tục liên quan.

Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền, ông Nguyễn Đình Đức cho biết, chủ trương của huyện luôn khuyến khích, tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển dịch vụ du lịch, phát triển các tour, tuyến và sản phẩm du lịch. Định hướng của huyện là sẽ đầu tư hình thành rõ nét hơn khu dịch vụ du lịch Cồn Tộc, đầm phá Quảng Lợi, kết hợp các bãi tắm Quảng Ngạn, Quảng Công. Sắp đến, huyện tập trung thu hút nguồn lực đầu tư hạ tầng phục vụ du lịch, như đường đến các điểm di tích, khu du lịch sinh thái đầm phá, ven biển, điểm đỗ xe, bến thuyền, khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng…

Năm 2019, tính riêng các tour du lịch bằng thuyền trên đầm phá Quảng Điền đã thu hút hơn 10 ngàn lượt du khách. Các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, du lịch đầm phá Tam Giang đạt doanh thu 104 tỷ đồng, tăng 73,5% so với cách đây 5 năm. Năm 2020, Quảng Điền tiếp tục đẩy mạnh khai thác, phát triển các ngành dịch vụ, du lịch, phấn đấu giá trị sản phẩm chiếm 45% tổng giá trị sản xuất toàn huyện.

Hoàng Thế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đa dạng hình thức giáo dục văn hóa Huế cho giới trẻ

Làm gì để giữ gìn văn hóa Huế trong dòng chảy cuộc sống hôm nay? Đó là nỗi trăn trở của những người yêu Huế. Muốn giữ gìn, phát huy, lan tỏa thì phải chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục đối với mọi tầng lớp nhân dân, trong đó phải kể đến đối tượng học sinh – sinh viên đang học tập, sinh hoạt trong mỗi trường học.

Đa dạng hình thức giáo dục văn hóa Huế cho giới trẻ
Viện Kiểm sát Nhân dân 2 cấp: Đa dạng, linh hoạt tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

Với chức năng là cơ quan thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) hai cấp của tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; qua đó, góp phần giúp người dân hiểu biết và nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật.

Viện Kiểm sát Nhân dân 2 cấp Đa dạng, linh hoạt tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật
Khai thác triệt để các giá trị dữ liệu để xây dựng địa chí làng

Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ sáng 9/4 tại buổi làm việc với các cơ quan, địa phương về việc triển khai thực hiện Thông báo kết luận 552-TB/TU ngày 11/12/2023 xây dựng lịch sử làng thông qua việc xây dựng địa chí làng.

Khai thác triệt để các giá trị dữ liệu để xây dựng địa chí làng
Khai thác thế mạnh du lịch làng nghề

Bên cạnh những loại hình du lịch vốn là thế mạnh của Huế như du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch tâm linh, sinh thái... thì du lịch làng nghề đã và đang trở thành hướng đi triển vọng và thu hút khách.

Khai thác thế mạnh du lịch làng nghề
Khai thác hiệu quả giá trị các danh hiệu UNESCO

Với 65 danh hiệu được UNESCO ghi danh, trải rộng trên tất cả 63 tỉnh, thành phố, Việt Nam tiếp tục thể hiện đóng góp có trách nhiệm vào việc làm phong phú, bảo vệ và phát huy kho tàng văn hóa nhân loại.

Khai thác hiệu quả giá trị các danh hiệu UNESCO
Return to top