ClockThứ Năm, 14/12/2017 14:16

Nhớ gốm

TTH - “Cây Mai, dòng gốm thuộc loại sớm nhất của đất Nam Bộ đã trở thành dĩ vãng, chỉ còn lại một số dấu tích như lò gốm Hưng Lợi được các nhà khảo cổ khai quật năm 1997-1998…” – PGS. TS. Trịnh Sinh đã kể những điều này trong bài viết trên Heritage số cuối năm. Câu chuyện của ông, cả những bức ảnh của Lê Bích nữa làm tôi mường tượng đến nụ cười hồn hậu của người dân xứ này qua những hình ảnh chân thực, bình dị với những đường nét khoáng đạt.

Gốm nâuTinh hoa gốm Bát Tràng đến Festival Huế 2016Thú chơi gốm vỡDáng mới của gốm Phước Tích200 cổ vật Huế tham gia Festival gốm Việt tại Bình Dương

Gốm tụ hội về Huế trong các kỳ festival. ảnh: Diên Thống

Tôi đã nghĩ mãi về gam màu xanh có mặt gần như ở những bức ảnh chụp hiện vật mình thấy trên tạp chí, trong suốt chuyến bay. Cái màu xanh chín không chỉ hiện diện ở họa tiết hoa lá mà cả trên hình dáng phượng hoàng, ở những đường trang trí trên những mái đình, mái chùa hay trên nhóm tượng người trên một quần thể gốm của một mái đình và một số cổ vật đang được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Hiện diện ở đất phương Nam, gốm Cây Mai đương nhiên là sản phẩm của những người Việt thủa đi mở cõi, cộng với sự giao thoa của những tộc người khác để làm nên bản sắc của một vùng văn hóa mới. Có lẽ vì thế mà dễ nhận ra không ít những đường nét mà ta đã gặp ở đâu đó trên các sản phẩm gốm đã hiện diện ở các vùng đất cũng như những đường nét trên các đình chùa mà mình có dịp ghé qua.

Chưa đi đủ nhiều và cũng không phải là người đứng chân ở lĩnh vực này, song khi gấp lại những trang tạp chí và nhìn ra vùng mây bên ngoài cửa sổ trong suốt chuyến bay, tôi cứ lẩn mẩn nghĩ về những cá thể gốm mình có, những vùng làm gốm mình qua. Nhớ lần đầu tiên nài nỉ để đem về được một cái bình gốm cũ, đến từ làng gốm Thổ Hà (Bắc Giang) trong một dịp Festival Huế mà vui khấp khởi suốt mấy ngày. Chưa đến Thổ Hà, rồi cũng biết nghề gốm nơi ấy cũng đã thuộc về quá vãng nhưng cái bình gốm màu da lươn đã cũ ấy có lẽ đã “khơi” cảm xúc về gốm ở một người a-ma-tơ là tôi. Trong những dịp rong ruổi và xê dịch sau đó, tôi đã đến làng gốm Phù Lãng (Bắc Ninh) và nghiêng ngắm những bức tranh gốm rộng, nghe người làng nghề kể về những đơn hàng khắp trong Nam ngoài Bắc trong tiếng chuông gió bằng gốm cứ tinh tang dưới nắng, biết niềm vui đã ở lại với làng nghề. Nhớ có lần ngồi mải mê để xem cô gái trong chiếc áo dài của người Chăm ở làng gốm Bàu Trúc nặn gốm bên bàn xoay, mồ hôi rịn trên bầu má nâu tròn. Nhớ bác Định và bác Long – 2 nghệ nhân già ở nơi làm gốm Chu Đậu (Hải Dương) vẫn chăm chỉ vẽ những hình ảnh xưa cũ lên mấy cá thể gốm xinh xắn trong gian phòng nhỏ, mặc kệ ở phía ngoài là những bình gốm to, cao ngất ngưởng in hình trụ sở cũng to đùng được người ta đặt hàng nhân dịp khánh thành hay kỷ niệm gì đó…

Kỳ thực thì, tôi nhớ mấy tai gốm khép nép và rất xinh trên mấy chiếc lu cũ mình thấy trong mấy chuyến công tác ở Phong Điền, Quảng Điền và sau này, là không ít lần gặp lại khi chúng được dùng để trang trí ở một số nhà hàng có khoảng vườn rộng rãi, thậm chí là sở hữu được vài ba cái trong khoảng vườn nho nhỏ. Không phải là đồ cổ, đương nhiên là thế nhưng vì là đồ dùng trong đời sống và cũng đã kinh qua không biết bao nhiêu mùa mưa nắng, nên những chiếc lu như đến từ ký ức và kể chuyện về ký ức. Nơi mà ngày xưa, chúng được dùng để chứa gạo, đựng nước hay đơn giản chỉ để cất vài ba món đồ ít được dùng đến của một gia đình nào đó. Giờ thì ít người săn tìm lu cũ, hay chúng đã được dịch chuyển và đã trú ngụ nơi phố thị hết tôi cũng không rõ nữa…

Làng gốm Thổ Hà đang được khôi phục sau 700 năm gần như mất dấu rồi – một người bạn cho tôi hay trong cuộc trò chuyện khác sau đó. Không dễ dàng gì nhưng người nơi làng gốm xưa vẫn đang rất cố gắng. Điều anh chia sẻ làm tôi nhớ gốm Phước Tích ở Phong Điền của Huế, nơi người làng cũng đang nỗ lực không ít để gìn giữ làng nghề. Ở đó thi thoảng lò nung gốm lại nóng lên và những sản phẩm gốm lại ra đời. Đó cũng là một sự nỗ lực để gìn giữ, vì nghề xưa cũng đã vơi vớt lắm sau gần 500 năm, cũng không phải ai cũng sẵn lòng mua gốm được nặn theo hình dáng mới và nung bằng kỹ thuật mới.

Họa sĩ Võ Xuân Huy – một trong những người đầu tiên tham gia vào việc tạo mẫu cho gốm Phước Tích – giờ đã đi vào miền mây trắng nên không thể kể cho bạn mình nghe về những điều mà anh từng ấp ủ cho dòng gốm mới này. Ký ức về gốm của Huy mà tôi có, không phải là chiếc bình màu nâu bạc mà nó đã được phủ lên bằng sự ngẫu hứng của những giọt màu sơn mài. Huy đã mang đến cho tôi vào một ngày Huế mưa, từ lâu lắm. Thi thoảng những bông hoa vẫn lặng lẽ tỏa hương ở đó, trên chiếc bàn nhỏ nơi phòng khách…

Nhưng đúng thật là tôi là dân quá a-ma-tơ khi lan man nhớ gốm, không đầu và không cuối từ những điều đọc được trên một chuyến bay.

Hoàng Mai

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đồng bào dân tộc học làm gốm cổ

Ngày 1/12, Phòng Văn hóa Thông tin huyện A Lưới phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức lễ khai giảng lớp tập huấn làm gốm cổ, nghề điêu khắc truyền thống ở huyện A Lưới.

Đồng bào dân tộc học làm gốm cổ
Chiêm ngưỡng đồ gốm của người Nhật

Trong khuôn khổ Festival Nghề truyền thống Huế 2023, triển lãm gốm Nhật “Yakishime – Dáng hình của đất” do Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Huế tổ chức tại Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị (từ ngày 27/4 đến 14/5) mang đến cho khách tham quan một góc nhìn độc đáo về nghề thủ công của xứ sở Phù Tang.

Chiêm ngưỡng đồ gốm của người Nhật
Thưởng lãm gốm Nhật qua triển lãm “Yakishime – Dáng hình của đất”

Trong khuôn khổ Festival Nghề truyền thống Huế 2023, sáng 27/4, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Huế và Hội Hữu nghị Việt – Nhật tỉnh Thừa Thiên Huế khai mạc triển lãm gốm Nhật “Yakishime – Dáng hình của đất” tại Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị.

Thưởng lãm gốm Nhật qua triển lãm “Yakishime – Dáng hình của đất”
Tìm hướng bảo tồn gốm Phước Tích gắn với phát triển du lịch

Muốn di sản văn hóa làng Phước Tích có được vị trí vững chắc trong đời sống xã hội đương đại cần có cơ chế chính sách và kế hoạch hành động để huy động sức mạnh cộng đồng cư dân với tư cách là chủ thể sáng tạo, chủ sở hữu, người thực hành, thụ hưởng…

Tìm hướng bảo tồn gốm Phước Tích gắn với phát triển du lịch
Nghe dòng sông kể chuyện

Mỗi hiện vật gốm là một câu chuyện, cứ thế nhiều hiện vật gộp lại đã tạo nên được một “trường ca” khiến người xem như đắm chìm vào một thế giới tưởng chừng chìm ở dưới đáy sông sâu. Sông Hương và sông Ô Lâu – hai con sông lớn của Huế là nơi có hằng hà sa số gốm được trục vớt lên, phản chiếu lịch sử của vùng đất ngàn năm văn vật.

Nghe dòng sông kể chuyện

TIN MỚI

Return to top