ClockThứ Ba, 20/02/2018 08:19

Nhớ

TTH - Đã có lần, lâu lắm rồi, từ thời còn trai trẻ, một cô gái hỏi tôi: Khi xa nhau, điều gì ở em khiến anh nhớ nhất?

Suy tư. Ảnh: Ngọc Lục Bảo

Lần ấy, tôi bị em giận vì đã không trả lời được câu hỏi tưởng như ai cũng có thể trả lời một cách dễ dàng ấy. Đúng là với nhiều người, câu trả lời không khó. Ừ thì anh nhớ nhất ở em nụ cười với chiếc răng khểnh duyên dáng. Anh nhớ nhất cặp mắt một mí mà lại có cái đuôi mắt rất dài. Thân thiết hơn, anh nhớ vòng tay em tha thiết, nhớ bờ môi em mềm ấm, nhớ hơi thở em hôi hổi nồng nàn…Với tôi, một thằng con trai Hà Nội, một sinh viên Văn khoa, điều đó lại càng không phải khó nhưng không hiểu tại sao lúc đó tôi chẳng thể bật ra, dù nỗi nhớ em ở thời điểm đó trong tôi là thường trực, hiện hữu, khôn nguôi… Và cái chính là tự trong sâu thẳm tôi như thấy rằng nếu tách bạch ra điều này, điều nọ thì nỗi nhớ của tôi về em sẽ bớt thơ mộng và như vậy cũng có nghĩa là tình yêu của tôi với em cũng bớt lung linh hơn một ít. Vậy mà em lại giận tôi, khi tôi nâng niu nỗi nhớ về em đến vậy…

Lúc ấy đang mùa đông. Mùa đông xứ bắc sinh ra như là để xui người ta nhớ về những kỷ niệm. Mưa phùn rây rắc, gió bấc se sắt lạnh tự dưng khiến ta tìm về những kỷ niệm ấm áp như những đường thoi dệt nên tấm thảm hình dung một nỗi nhớ. Mà đời người thì có biết bao nỗi nhớ. Dường như là càng thân thiết, gắn bó thì càng khó gọi ra một cách rõ ràng những gì làm nên nỗi nhớ sâu trong tâm khảm.Và nỗi nhớ cứ nằm yên đâu đó, để rồi bất chợt bùng lên khi một kỷ niệm chợt hiện về, gọi những dòng ký ức tuôn trào.

Chẳng hạn như sáng xuân Hà Nội, căn phòng tôi chợt ấm lên nhờ ánh sáng vàng ngà từ bức trúc chỉ. Bức chân dung của tôi, món quà bất ngờ của bạn đồng nghiệp từ Huế. Có vẻ như bạn tôi và họa sĩ tài hoa họ Phan đất Thần kinh lấy ý tưởng từ một câu thơ về Huế của Hàn Mặc Tử: Lá trúc che ngang mặt chữ điền… Bức chân dung quý bởi sự độc đáo của chất liệu, cách sử dụng hiệu ứng ánh sáng, nét chấm phá tài hoa của người nghệ sĩ. Càng quý hơn bởi nó là cả tấm lòng của những bạn đồng nghiệp. Vui và ấm lòng bởi biết rằng mình vẫn có một chỗ trong lòng bè bạn.

Kỷ niệm cứ gọi tiếp kỷ niệm. Lại nhớ một chiều đông, lang thang phố cổ, ghé quán nhỏ trên phố ven Hồ Gươm, chợt nhớ chai nước ớt, món quà quê bạn kỳ công mang ký gửi trên máy bay từ Huế, ước ao giá như có chút gia vị làng biển đó, chắc món nộm bò khô truyền thống Hà Nội sẽ nổi vị hơn rất nhiều. Ước thế, và lại nhớ một chiều ngồi cùng bạn bên bãi biển Vinh Thanh, đón ngọn gió nồm, nhỏ to trong tiếng sóng ào ạt những câu chuyện tưởng như chẳng ăn nhập gì với nhau mà lại cứ không muốn có hồi kết. Nỗi nhớ đích thực là vậy, chẳng thể ngay một lúc kể ra nhưng chỉ cần một điều gì đó, tưởng như rất nhỏ bé, bình thường chợt hiển hiện là lại ùa về, làm ta thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn…

Chẳng phải dễ dàng mà trong mỗi con người hình thành được một nỗi nhớ đậm sâu như thế, đến mức chỉ biết là rất yêu, rất nhớ mà không thể ngay tức khắc nói là yêu, nhớ vì những điều gì. Có những vùng đất mà mỗi lần tới đều cho ta những cảm nhận dễ chịu, để lúc đi vẫn cứ dùng dằng, mong ngày trở lại. Với tôi, dường như có hai Huế. Một Huế của những cung điện, lăng tẩm, đền đài… một quần thể di tích được vinh danh là Di sản Văn hóa Thế giới. Một Huế khác, gần gũi, thân thương hơn, níu kéo tôi bởi những điều rất nhỏ. Từ tiếng “dạ” rất nhẹ của những cô gái, khiến chàng trai xứ lạ ngẩn ngơ. Từ một sớm cà phê ngắm sông Hương mênh mang sương khói. Từ một chiều qua cồn Vỹ Dạ tìm tô cơm hến, món ăn luôn đứng hàng đầu trong danh sách các món ngon không thể bỏ qua khi đến Huế, được coi là hội tụ mọi phẩm chất cần kiệm, tỉ mỉ, tinh tế, tài hoa… của con người đất Cố đô... Hít hà và nhắc với nhau những dòng Hoàng Phủ Ngọc Tường viết về món ăn dân dã này: “Hương vị bát ngát suốt đời người của tô cơm hến là mùi ruốc thơm dậy lên tận óc, và vị cay đến trào nước mắt. Người máu cơm hến vẫn chưa vừa lòng với vị cay sẵn có, còn đòi thêm một trái ớt tươi để cắn kêu cái rốp! Nước mắt đầm đìa, mồ hôi ròng ròng nhỏ giọt vào tô cơm, thế mà cứ sì sụp, xuýt xoa kêu “ngon, ngon!”; đi xa nhớ lại thèm tới đứt sợi tóc…”.

 Quả là nhớ, thèm và nhiều khi tự hỏi, sao những điều tưởng như bình dị ấy lại có sức níu kéo đến vậy? Phải chăng vì những tôm chua, vả chát, ớt cay, những bánh nậm, bánh bèo ấy… chỉ Huế mới có, đã tạo dựng hình ảnh một Huế bình dị, thân thiết trong tôi! Và đằng sau những hình ảnh ấy, ẩn hiện một cốt cách, sự sâu đậm tình người xứ Huế. Gần gụi mà không xuồng sã. Giản dị nhưng vẫn có chút kiêu sa. Nó tạo nên một sức hút. Nó đem lại những cơ hội gần gụi, sẻ chia. Những con người của vùng đất này, với tấm chân tình, sự tài khéo, lam làm và niềm tự hào đã tạo nên những kỉ niệm đẹp, dệt một nỗi nhớ trong lòng bạn bè muôn phương.

Ngày mới đã chạm ngõ, giục ta mong mỏi, hướng tới những gì tốt đẹp hơn. Trong những nỗi nhớ đậm sâu của một đời người, trong tôi có nỗi nhớ về Huế.

Tạ Việt Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Ngọn hải đăng

Những lá thư anh viết cho tôi đều trên giấy học trò. Giữa thời buổi điện thoại di động, điện thoại bàn, thậm chí chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh với 4G là có thể nói chuyện, nhắn tin cho nhau. Vậy mà, anh vẫn viết thư cho tôi. Anh giải thích: “Hiện tại trên thế giới, người Pháp vẫn viết thư cho nhau, bởi nhìn mặt chữ như nhìn mặt người. Vả lại, chỉ có chữ viết mới có thể nói hết lời yêu thương”. Anh đã tạo cho tôi một thói quen nhận thư vào mỗi tuần. Chính từ những lá thư anh gởi, tôi mới phát hiện ra rằng, người đưa thư trong xóm tôi vẫn phải đưa thư đúng 7 ngày trong tuần. Anh dùng chiếc bì thư bán ở bưu điện để gởi. Nét chữ của anh cứng rắn khác với tính tình hiền dịu của anh.

Ngọn hải đăng
Mâm cơm nóng

1. “Ba tin mẹ sẽ làm tốt!” – Vũ, chồng My hay dùng câu nói ấy để khích lệ tinh thần My mỗi khi đứng trước quyết định lớn. Lần đó, My gần như đặt cược cả công ty cho một hợp đồng có tính mạo hiểm. Nghĩa là nếu thắng, công ty My sẽ bước thêm một bậc thang mới, mở ra rất nhiều cơ hội cho những dự án kế tiếp. Ngược lại, nếu thua, khả năng xấu nhất là công ty My phá sản.

Mâm cơm nóng
Bóng nắng

Bà Liếng sống một mình trong cái chòi dưới chân dốc Mù U. Nơi đó vắng ngắt, cánh đồng bỏ hoang, cỏ ngoi lên tới tận bờ, mấy con bò làng bên cũng chẳng buồn qua gặm những đám cỏ cằn khô. Bà Liếng là người đàn bà câm nên người làng quen gọi bà câm, quên mất cái tên Liếng từ bao giờ.

Bóng nắng
Lời nói dối yêu thương

Bà Tới đang cầm những tờ màu xanh lá trên tay đếm đi đếm lại đến hai lần rồi gói ghém cẩn thận vào bị áo, lấy ghim ghim lại. Số tiền này bà vừa mới đi vay của cô Minh tạp hóa gần nhà. Năm nay làm ăn khốn khó, mùa màng thất bát, vợ chồng bà lo lắng mấy tháng nay. Tiền đâu lo Tết, mua cho lũ nhỏ cháu ngoại bộ quần áo đẹp, rồi nạp học phí kỳ 2 cho thằng Bi…

Lời nói dối yêu thương
Return to top