ClockThứ Tư, 23/10/2019 13:43

“Nhiệm vụ cốt tử là tạo nên những điểm kết nối”

TTH - Chuyên gia cố vấn Phạm Duy Hiếu đã nhấn mạnh điều đó khi chia sẻ với hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) của Thừa Thiên Huế về kinh nghiệm đầu tư khởi nghiệp.

Truyền thông hỗ trợ gì cho khởi nghiệp?Khởi nghiệp với Mộc Truly Hue’s: Mộc mạc mà đúng chất HuếDự án của sinh viên Đại học Huế giành giải Ba cuộc thi khởi nghiệp của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Diễn giả Phạm Duy Hiếu

Phạm Duy Hiếu sinh năm 1978, được biết đến là CEO trẻ nhất của giới ngân hàng. Ngoài Quyền Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình, anh còn đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Nhiều năm đồng hành cùng hệ sinh thái Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) của Thừa Thiên Huế, Phạm Duy Hiếu chia sẻ: Nhiệm vụ cốt tử nhất của hệ sinh thái KNĐMST là tạo nên những điểm kết nối. Nếu không có những điểm kết nối, mỗi thành tố chỉ là những cá nhân/tổ chức đơn lẻ, không thể tạo nên hiệu ứng dây chuyền, không thể khai thác được tiềm năng của chính họ và hệ sinh thái ấy không thể phát triển. So với nhiều địa phương, hệ sinh thái KNĐMST của Thừa Thiên Huế có màu sắc riêng. Riêng và kỳ lạ ở chỗ là nó vừa có yếu tố truyền thống, kiểu gì đó rất Cố đô, có tính bền vững, chắc chắn, logic nhưng vẫn rất sáng tạo.

Ông có thể nói cụ thể hơn về chất riêng ấy?

Phải nói rằng, hệ sinh thái KNĐMST của Thừa Thiên Huế đặc biệt ở chỗ, nhiều yếu tố truyền thống được đan xen với yếu tố đổi mới sáng tạo, tạo nên một bức tranh khác biệt so với những hệ sinh thái khác mà tôi đã được gặp. Các hệ sinh thái KNĐMST khác, có nơi họ mới hoàn toàn, có nơi thì lại rất khó để vượt qua cái cũ. Còn ở Thừa Thiên Huế, đó là cái mới và cái cũ đan xen rất rõ. Nhìn vào yếu tố con người của hệ sinh thái KNĐMST ở đây, tôi thấy có sự tham gia của những doanh nghiệp rất truyền thống, cả sự năng động sáng tạo của các bạn trẻ. Điều không ngờ là giữa sự năng động và truyền thống đó, lại là sự hòa quyện rất rõ.

Nhiều người nói với tôi rằng, sự khác biệt về giá trị cốt lõi giữa yếu tố truyền thống và yếu tố đổi mới sáng tạo sẽ làm cho tính kết nối khó khăn và khó dung hòa. Nhưng điều này lại đang xảy ra ở Thừa Thiên Huế. Gốc rễ của vấn đề này, tôi cho rằng, đó là do người dân ở đây theo đạo Phật và được ảnh hưởng nhiều bởi Phật giáo. Phật giáo dạy về thiền, về buông bỏ và sự thảnh thơi. Và tôi nghĩ rằng, phải chăng chính sự thức tỉnh về mặt tâm linh ấy đã làm nên sự hòa hợp giữa những yếu tố truyền thống và đổi mới sáng tạo ấy?

Theo ông, làm thế nào để xây dựng được một hệ sinh thái KNĐMST phát triển?

Tôi vẫn thường gọi một hệ sinh thái có sức sống là hệ sinh thái nảy nở. Để có một hệ sinh thái như thế, chúng ta phải tạo ra nhiều điểm kết nối hơn nữa. Theo đó, thay vì lãnh đạo tỉnh luôn phải xung phong đi đầu trong hệ sinh thái KNĐMST, thì có thể chuyển dần sự tham gia trực tiếp bằng việc kết nối quyền lực, cổ vũ và hỗ trợ cho các ban, ngành, các tổ chức trong hệ sinh thái. Nghĩa là, thay vì Nhà nước đứng ra phát triển hệ sinh thái KNĐMST, thì chỉ cần tài trợ và đồng hành cùng những đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp. Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng văn hóa đầu tư cho hệ sinh thái KNĐMST ở các địa phương, chúng tôi vẫn thường đề nghị các Sở Kế hoạch và Đầu tư cần phải hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST của mình bằng cách kết nối tích cực cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn. Có sự tham gia của các doanh nghiệp, hệ sinh thái KNĐMST sẽ được lợi rất nhiều mặt. Chắc chắn, điều tuyệt vời sẽ xảy ra khi những doanh nhân đi trước quay trở lại dìu dắt thế hệ tiếp theo.

Điều tuyệt vời ấy, theo ông có ý nghĩa như thế nào?

Nếu không có thế hệ đi trước thì không thể nào có được những bài học được chia sẻ từ những người đi trước tích lũy được. Nếu không có những người đi trước quay lại dìu dắt những người đi sau, coi thế hệ đi sau như học trò thì sẽ không có hệ sinh thái KNĐMST. Nếu như không có sự quay trở lại này, tỉ lệ sinh tồn của các doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ rất thấp. Lúc này, những doanh nhân đi trước sẽ coi các doanh nghiệp khởi nghiệp như những đối thủ cạnh tranh và nhanh chóng “giết chết” họ từ trong trứng nước.

Thực tế cho thấy, trải nghiệm chỉ có thể đến với người nào đó nếu được một người khác thúc đẩy, truyền cảm hứng, đặt niềm tin và thách thức mình. Tôi đã từng hỏi những người đồng đội của mình rằng, họ có gặp được những người đi trước như thế hay không, thì nhận ra cho dù bất kể họ là ai, cuộc đời của những doanh nhân trưởng thành đều có hình bóng của những người đã dẫn dắt mình. Bản thân tôi cũng vậy. Người đi trước - chính họ là những doanh nhân quay trở lại phụng sự cho hệ sinh thái KNĐMST.

Ông nói, ngày nay là thời của “cá nhanh thắng cá chậm”. Vậy, thế nào là một chú cá nhanh?

Khi các doanh nhân đi trước trở quay trở lại để thành người cố vấn hoặc nhà đầu tư thiên thần cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, đó là lúc họ thúc đẩy KNĐMST và chuyển xu thế cạnh tranh của mình từ “cá lớn nuốt cá bé”, sang “cá nhanh thắng cá chậm”. Cá lớn nuốt cá bé là cách các công ty lớn thôn tính các công ty nhỏ. Đó đã là chuyện của ngày xưa. Xu hướng ngày nay là “cá nhanh thắng cá chậm”. Tưởng tượng một con cá to đồ sộ đối mặt với một con cá nhỏ nhưng cực nhanh, thì điều gì sẽ xảy ra? Chắc chắn con cá nhỏ sẽ rỉa sạch con cá to. Ấy chính là cách mà Grap đã “rỉa” taxi truyền thống nhanh như thế nào.

Nói vậy để thấy rằng, đây chính là câu chuyện của thời 4.0. Đồng thời, cũng là cơ hội để một doanh nghiệp có thể tăng tốc nếu đầu tư vào một dự án khởi nghiệp nào đó có tiềm năng bùng nổ nhờ công nghệ. Nhưng mặt khác, nó cũng đặt ra nguy cơ rằng, cho dù doanh nghiệp có lớn thế nào cũng phải đối mặt với những doanh nghiệp khởi nghiệp có công nghệ cực nhanh. Khi một startup có giải pháp tốt, lại có được những cơ hội do người đi trước hỗ trợ thì chắc chắn họ sẽ trở thành “con cá nhanh”. Đó chính là sức mạnh của họ.

Cá nhân tôi, thường chú ý đến tiềm năng bùng nổ của các doanh nghiệp khởi nghiệp hơn là chú trọng vào sản phẩm giai đoạn đầu. Sản phẩm sẽ dần được phát triển và hoàn thiện qua thời gian, nhưng yếu tố bùng nổ trong thời đại 4.0 mới là quan trọng.

Với thế hệ doanh nhân khởi nghiệp mới của Thừa Thiên Huế, ông sẽ nói gì?

Nhìn vào những người trẻ khởi nghiệp của Thừa Thiên Huế, tôi nhìn thấy ở họ sự sáng tạo, sẵn sàng kết nối và sẵn sàng cống hiến. Tôi muốn nhắn nhủ rằng, dù làm bất cứ việc gì, chúng ta cũng đừng bao giờ bắt chước những sản phẩm đã được tạo nên bởi sự sáng tạo. Vì ngay khi chúng ta bắt chước, là đã làm ra một cái cũ rồi. Việc chúng ta nên bắt chước là cách thức người ta đã tạo sự sáng tạo và môi trường nuôi dưỡng sáng tạo không giới hạn đó như thế nào. Nay là thời của cá nhanh nuốt cá chậm. Và luôn nhớ, chìa khóa tạo nên tốc độ ấy nằm ở sự kết nối.

Xin cảm ơn ông!

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

ASEAN có thể bổ sung thêm 300 tỷ USD doanh thu từ các khoản đầu tư xanh

Đông Nam Á có thể mở khóa thêm 300 tỷ USD doanh thu hàng năm từ các khoản đầu tư xanh vào năm 2030, nếu các chính phủ tăng cường hợp tác về lưới điện và thị trường carbon trong khu vực, đồng thời đưa ra những biện pháp khuyến khích tốt hơn cho năng lượng sạch và các quy định rõ ràng hơn về tài chính xanh, theo báo cáo của Bain & Company, GenZero, Standard Chartered và Temasek được công bố ngày hôm nay (15/4).

ASEAN có thể bổ sung thêm 300 tỷ USD doanh thu từ các khoản đầu tư xanh
Gỡ khó cho đầu tư khu công nghiệp sinh thái

Với mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, khoảng 40-50% địa phương trong cả nước có kế hoạch chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái và 8-10% địa phương có định hướng xây dựng khu công nghiệp sinh thái mới, nhu cầu vốn đầu tư là rất lớn.

Gỡ khó cho đầu tư khu công nghiệp sinh thái
Đầu tư dịch vụ để hút khách quốc tế

Thu hút khách quốc tế và đầu tư dịch vụ trong nhiều trường hợp như vướng vào bài toán “con gà, quả trứng”. Nhưng để phát triển du lịch, thu hút khách quốc tế, chuyện đầu tư dịch vụ xứng tầm vô cùng quan trọng.

Đầu tư dịch vụ để hút khách quốc tế
Return to top