ClockThứ Hai, 17/09/2018 20:30
BẢO TỒN, TÔN TẠO HẢI VÂN QUAN:

Nghiêng về giải pháp phục hồi kiến trúc có từ nhà Nguyễn

TTH - Đó là ý kiến của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu tham dự buổi hội thảo bàn về việc bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị của di tích Hải Vân Quan. Hội thảo do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Sở Văn hóa, Thể thao TP. Đà Nẵng phối hợp tổ chức tại TP. Huế chiều 17/9.

Bảo tồn & phát huy giá trị Hải Vân QuanCông bố kết quả khảo cổ Hải Vân Quan

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa phát biểu ý kiến

Đến dự có TS. Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch); ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế; bà Nguyễn Thị Hội An, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Đà Nẵng.

Hai phương án bảo tồn, tôn tạo

Di tích Hải Vân Quan nằm trên đỉnh đèo Hải Vân, thuộc địa phận giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và TP. Đà Nẵng. Mang trong mình nhiều giá trị đặc biệt về mặt lịch sử, văn hóa, kiến trúc, quân sự và cảnh quan, ngày 14/4/2017, di tích Hải Vân Quan đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích Lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Dưới thời Gia Long (1802 - 1820), triều đình nhà Nguyễn đã cho đặt 4 dịch trạm tại huyện Phú Lộc và sửa đường lên đèo Hải Vân. Các vị vua triều Nguyễn tiếp sau cũng đều rất quan tâm đến vị trí xung yếu này và nhiều lần ra chỉ dụ để tăng cường bảo vệ an toàn cho Kinh đô. Nhưng thời gian cùng sự biến đổi của lịch sử đã khiến Hải Vân Quan dần mất vai trò quan trọng với triều đình Huế. Cuối năm 1946, khi Pháp trở lại xâm lược nước ta, di tích Hải Vân Quan đã được cải tạo thành một cứ điểm với nhiều công sự vững chắc án ngữ trên đỉnh đèo hiểm trở. Sau năm 1954, hệ thống nhà ở, đồn bốt, công sự... được chuyển sang tay quân đội Mỹ, Hải Vân Quan tiếp tục trở thành cứ điểm quân sự, nhiều công trình được xây dựng mới và cải tạo làm biến dạng so với ban đầu.

Quang cảnh hội thảo

Ngay sau khi Hải Vân Quan được xếp hạng di tích quốc gia, các cơ quan chức năng đã thực hiện việc khai quật khảo cổ di tích để tìm cứ liệu khoa học chân xác qua các thời kỳ tồn tại của di tích. Với mục tiêu phục hồi di tích Hải Vân Quan theo các dấu tích nguyên gốc, đồng thời hoàn thiện và khớp nối với các kiến trúc có giá trị trong khu vực di tích, đơn vị tư vấn là Phân viện Khoa học Công nghệ và Xây dựng đã giới thiệu hai phương án bảo tồn, tôn tạo Hải Vân Quan. Phương án thứ nhất là phục hồi toàn bộ các công trình phía trong ranh giới vùng I bảo vệ di tích, một đoạn tuyến đường thiên lý đi về phía Huế và đường dốc đi về phía Đà Nẵng vào thời kỳ nhà Nguyễn. Các công trình nằm giữa ranh giới vùng bảo vệ I và II của di tích sẽ được bảo tồn thích nghi. Phương án hai là bảo tồn nguyên trạng toàn bộ các công trình được xác định có trước năm 1975, đặc biệt là thời kỳ chiến thắng Đồn Nhất.

Tiếp tục nghiên cứu và bổ sung đầy đủ cứ liệu lịch sử

Đã có 8 đại biểu trình bày ý kiến về phương án bảo tồn, tu bổ và phát huy giá trị của di tích Hải Vân Quan. Trong đó tập trung chủ yếu ở hai nội dung: làm sáng rõ hơn giá trị lịch sử của di tích Hải Vân Quan và thống nhất giải pháp bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị của di tích. Trong hai phương án trên, các đại biểu đều ủng hộ giải pháp bảo tồn nguyên trạng các công trình kiến trúc có từ thời nhà Nguyễn nằm trong khu vực I. Những công trình nằm tiếp giáp bên ngoài có thể bảo tồn thích nghi như một phần của tiến trình lịch sử. Để phương án đó được thực hiện hoàn chỉnh, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến rất xác đáng, tâm huyết như: bổ sung cứ liệu lịch sử về Hải Vân Quan, tính toán việc di dời bia chiến thắng Đồn Nhất, phục hồi thích nghi các lô cốt, quy hoạch bãi đậu xe, khu vực dịch vụ, các bảng thông tin diễn giải di tích, khu vực trưng bày, triển lãm…  

Nhiều đại biểu đề nghị các đơn vị chức năng liên quan cần thiết tiếp tục nghiên cứu và bổ sung đầy đủ hơn những cứ liệu lịch sử về di tích Hải Vân Quan trong suốt chiều dài lịch sử. Và quan trọng, trong phần đánh giá vai trò của các triều đại, các thời kỳ lịch sử đối với sự hình thành của di tích Hải Vân Quan, cần thiết có nội dung ghi nhận công lao của bao lớp người dân đã đổ mồ hôi nước mắt và cả máu để có con đường thiên lý đi qua di tích này. Theo TS. Nguyễn Thế Hùng, để có thêm thông tin lịch sử bổ sung cho dự án, các đơn vị liên quan cần tranh thủ tham khảo tư liệu từ tất cả các nguồn, kể cả nguồn từ bà con Việt kiều. Thậm chí, nếu cần thiết có thể xem xét việc mở rộng diện tích khảo cổ để khai thác căn cứ dữ liệu. 

Không nhất thiết phải bảo tồn toàn bộ các công trình kiến trúc có từ thời nhà Nguyễn ở di tích Hải Vân Quan; đồng thời, tính toán việc di chuyển bia chiến thắng Đồn Nhất đến vị trí thích hợp hơn là ý kiến được PGS.TS. Đặng Văn Bài (Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia) và bà Nguyễn Thị Hội An (Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng) đề xuất. PGS.TS. Đặng Văn Bài thiên về phục hồi Hải Vân Quan theo phương án 1 với mục tiêu cuối cùng là có được một di tích ổn định, có tuổi thọ và phải là một điểm đến hấp dẫn. Tuy nhiên, không nhất thiết phục hồi hoàn chỉnh di tích theo kiến trúc nguyên thủy, mà tùy điều kiện thực tế để phục hồi phù hợp. Những phần còn lại có thể đưa vào trưng bày, triển lãm. Về bia chiến thắng Đồn Nhất, đồng thuận ý kiến của PGS.TS. Đặng Văn Bài, bà Nguyễn Thị Hội An cho rằng, cần thiết điều chỉnh bia đến một vị trí khác trong phạm vi khu vực được công nhận Di tích để không ảnh hưởng đến cảnh quan chung của Hải Vân Quan.

Phát biểu kết thúc hội thảo, TS. Nguyễn Thế Hùng tiếp tục đề nghị các đơn vị liên quan tiếp nhận đầy đủ những ý kiến đóng góp của các đại biểu; tiếp tục bổ sung nguồn tư liệu để nhận diện rõ hơn các giá trị của di tích Hải Vân Quan; tranh thủ ý kiến rộng rãi trong dư luận để ứng xử phù hợp với các lô cốt và quan trọng nữa là ngay từ bây giờ phải xây dựng phương án khai thác và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan. Nếu Huế và Đà Nẵng làm được thì sẽ là bài học kinh nghiệm hay cho rất nhiều địa phương khác trong lĩnh vực này.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung bày tỏ sự vui mừng khi TP. Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế phối hợp tổ chức hoạt động này, đồng thời nhấn mạnh: “Thay mặt lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, chúng tôi rất hoan nghênh những nỗ lực của cả hai địa phương trong việc sớm xây dựng phương án bảo tồn, phục hồi Hải Vân Quan một cách chuẩn mực, nhằm phát huy hiệu quả nhất các giá trị của di tích. Sau hội thảo này, lãnh đạo hai địa phương tiếp tục ngồi lại với nhau để thống nhất chọn một phương án khả thi nhất. Hy vọng trong thời gian không xa, Hải Vân Quan trở thành điểm du lịch hấp dẫn của cả nước và là niềm tự hào của con dân hai xứ Thuận – Quảng xưa và nay là Huế - Đà Nẵng”.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hải Vân Quan - Kết nối thân tình

Ngày 23/3, hai địa phương là thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc và phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng phối hợp tổ chức chương trình “Hải Vân Quan - Kết nối thân tình” kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng Thừa Thiên Huế (26/3/1975 - 26/3/2024) và 49 năm Ngày Giải phóng thành phố Đà Nẵng (29/3/1975 - 29/3/2024). Đây là 2 địa phương giáp ranh và kết nghĩa đã lâu.

Hải Vân Quan - Kết nối thân tình
Lập kế hoạch sử dụng vốn phục hồi sinh kế cho 1.000 nữ nông dân

Ngày 21/3, Ban điều hành Dự án phục hồi sinh kế sau COVID-19 cho nữ nông dân tại các xã khó khăn đã tổ chức tập huấn cho 170 người ở xã Phú Diên, Phú Vang. Hoạt động có sự tham gia, giám sát của Hội Chữ thập đỏ tỉnh, cán bộ dự án Oxfam, giảng viên trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện.

Lập kế hoạch sử dụng vốn phục hồi sinh kế cho 1 000 nữ nông dân
Tìm giải pháp để sân khấu Việt 'cất cánh'

Nếu như năm 2022, sân khấu Việt có sự tăng tốc, bứt phá mạnh mẽ cả về lượng và chất, sang năm 2023, sân khấu Việt lại có phần ảm đạm. Đâu là lý do của tình trạng này và làm thế nào để sân khấu Việt "cất cánh" trong những năm tiếp theo là một “bài toán khó” mà những người yêu sân khấu đang nỗ lực tìm lời giải.

Tìm giải pháp để sân khấu Việt cất cánh

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top