ClockChủ Nhật, 24/03/2019 06:24

Mé phố

TTH - Những cung bậc được đẩy đến tận cùng, nhưng yêu thương vẫn là điều còn lại, dù lắm khi ấp oải.

Bữa trưa đó khi tôi ngang qua, những hiên quán sát bên đường chừng như đã mỏi mệt dưới nắng. Oi ả. Không hiểu vì sao hôm đó không có gió. Là ngày giữa hè hay vì nơi đó cũng thiếu đi ít nhiều màu xanh, tôi cũng không hay nữa. Những nải chuối xanh nhuốm chút vàng uể oải. Mấy trái xoài mỏi mệt trên rổ nhựa. Chừng dăm ba thẩu nhựa đựng kẹo màu xanh đỏ, cả mấy dây dầu gội đầu túm tụm phía trên cao. Lúc đó chắc cũng đã qua bữa trưa được một lúc nên đường có vẻ vắng. Ông già mặc quần xà lỏn ngó từ trong ra. Điều hòa trên xe vẫn rù rì chạy mà tôi cứ có cảm giác không gian hực nóng...

Sau này, tôi nhận ra chính không gian đó, con người đó, vùng đất đó, khi đọc những trang viết của Nguyễn Ngọc Tư. Tôi đã luôn update sách của Tư trên kệ và đọc với một tâm thức nhoi nhói về phận đời, phận người. Những con chữ mộc mạc mà đau đớn quá chừng. Những nỗi buồn cũng như đường chân trời và yêu thương cũng vời vợi đâu kém. Những trang viết của Tư luôn làm tôi nghĩ đến vẻ đẹp của đáy chữ. Những cung bậc được đẩy đến tận cùng, nhưng yêu thương vẫn là điều còn lại, dù lắm khi ấp oải.

Mà những mé phố ấp oải đâu chỉ hiện diện ở Cà Mau quê của Tư. Tôi đã thấy nó, ở những nơi chốn khác nhau lúc mình qua. Có chăng chỉ là những màu sắc khác, phong vị khác. Nhớ màu đất, rồi bụi mù ở phiên chợ phố Đoàn (Thanh Hóa) và những nhóm người ngồi xà xệt hai bên đường với những rau củ, lợn gà, khoai sắn và những sặc sỡ áo quần treo trên dây vốn ngược lên từ xuôi. Xong phiên chợ thì cũng chỉ còn lại những mái lá ở nơi gọi là mé phố tít chốn miền núi rất xa, cách trung tâm thành phố đến hơn 100km. Trận phố Đoàn là tên một trận đánh được nhắc đến trong một bài học rất cũ và có lẽ đó cũng là điều hối thúc chúng tôi khi tìm đường rẽ từ thị trấn Cành Nàng. Cả những ánh mắt háo hức của lũ trẻ con được người lớn dẫn theo xuống phố, ánh mắt đau đáu của những người đàn bà bên cạnh lũ rau chưa bán hết hay mấy con lợn, con gà chưa được ai mang đi…

Nhưng phố, ở Sapa lại khác hẳn khi màu sắc thổ cẩm và hàng lưu niệm truyền thống trông sang trọng và bắt mắt trong các shop sáng trưng, dày đặc khách sạn, quán ăn và quán café. Những người đàn bà vùng cao, cả trẻ con nữa tha thẩn trên hè, váy áo khá sặc sỡ với những món hàng nho nhỏ. Hè phố đã trở thành nơi kiếm sống của họ, dù không rõ cuộc sống có tốt hơn nhiều không. Điều mà tôi bắt gặp, không phải là những ánh mắt đau đáu như ở chợ phố Đoàn mà là sự nhẫn nại, cả sự mời chào khá dạn dĩ. Có cô bé con ngồi bên hè, trên một góc phố, bên cạnh là cậu em ngủ ngon lành trên mảnh bìa các tông. Má cô bé đỏ au trong một buổi sáng nhiều sương, trông như một mảnh ghép đồng điệu với đám áo quần bày trước mặt. Hình như tôi cũng đã trông thấy điều tương tự khi ghé qua tá túc một đêm ở thị trấn Bắc Hà (Lào Cai). Nhớ không khí lao xao khi người ta xuống chợ, những đám áo quần được may chỉn chu làm nhớ những nét thô mộc mình từng thấy khi ghé qua vài trang ảnh khi lướt mạng. Giờ muốn thô mộc thì phải đi vào bản. Chỉ mùi rượu ở mé phố, nơi bắt đầu con đường dốc là ấm sực lên. Tôi nhớ mình đã dừng lại, rất buồn cười nữa khi trông thấy người đàn bà dốc ngược can để uống nốt số rượu còn sót lại. Má chị hồng rực và váy áo trông sao mà quýnh quáng…

Thực ra thì tôi vẫn nhớ những mé phố gần biển ở Nha Trang với những cửa hàng nhỏ xíu, nông choèn bán trái cây và các thứ đồ gia dụng tiện lợi cho người đi du lịch của mấy người Nga khi chọn nơi tạm định cư. Nhớ mấy lõi đường chật chội trong thành phố khi tìm một quán Nhật cho bữa ăn chiều; nhớ mùi thịt nướng ở mấy xe bánh mì trên lề đường ở Sài Gòn, cả những âm thanh lao xao kéo dài như không bao giờ hết khi chọn một chuyến bách bộ. Nhớ cậu bạn thời cấp hai gọi đến mấy cuộc điện thoại và tìm chỗ để đậu xe khi muốn tôi có một trải nghiệm khác phía ngoại vi. Và Hà Nội, trong sáng nay nữa, với những mé phố lớp nhớp bùn đen khi mưa bụi không đủ tạo thành dòng chảy. Người thì lại đông đến như thế kia.

Thế nên dù chuyến đi ngắn thôi, nhưng lại đã bắt đầu thèm cái thong dong của mấy lề đường xứ Huế. Nơi mà có thể đi chậm, nghĩ chậm và thi thoảng có thể nghe mùi bún, mùi bánh canh trên vài ba chiếc xích lô chở các mẹ, các chị đi bán sớm...

Ờ thì mé phố cũng là gương mặt của cuộc sống. Gương mặt ấy cũng sẽ mang những đường nét khác nhau tuỳ thuộc vào cách nhìn, cách lắng lại trong những nhịp đập riêng ở mỗi người.

YÊN MINH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Doanh nghiệp cần trợ giúp

Những điều này cho thấy, khu vực DN, nhất là DN vừa và nhỏ hiện đang rất khó khăn, nhất là ở khu vực các tỉnh, thành phía nam.

Doanh nghiệp cần trợ giúp
Rà soát nguy cơ

Dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Số ca được xác nhận dương tính vẫn từ 3 đến 4 chữ số ở các tỉnh phía nam. Gần hơn, là số ca nhiễm và dương tính được phát hiện trong cộng đồng ở Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Ngãi, Đà Nẵng…

Rà soát nguy cơ
Một “trách nhiệm đạo đức”

Tại Việt Nam, những gì diễn ra vào những tháng cuối năm 2020 vừa qua cũng đã cho thấy sự khốc liệt của tình trạng biến đổi khí hậu.

Một “trách nhiệm đạo đức”
Cỏ xuyến chi

Không phải là hoa xuyến chi – loài cây dáng mảnh, thân vươn mà là cỏ xuyến chi.

Cỏ xuyến chi
Một chuyến “quá cảnh”

Chọn coffee Starbucks, dù chẳng hợp khẩu vị. Đơn giản chỉ vì có một chỗ ngồi đợi đến giờ lên máy bay. Có thêm một bánh mì sandwich đính kèm để có giá nhẹ hơn cho combo 79.000 đồng/suất.

Một chuyến “quá cảnh”
Return to top