ClockThứ Năm, 13/08/2020 06:45
CÁC DỰ ÁN KHÔNG HOẠT ĐỘNG TẠI PHONG ĐIỀN:

Lãng phí nguồn tài nguyên

TTH - Nhiều doanh nghiệp được UBND tỉnh giao đất để triển khai các dự án sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện Phong Điền nhưng không sử dụng, bỏ hoang nhiều năm nay.

Thu hồi hàng chục dự án chậm triển khai

Nhiều hồ tôm của Công ty CP Trường Sơn bỏ hoang từ năm 2015 đến nay

Bỏ hoang 

Dự án khu sản xuất giống, nuôi tôm công nghiệp và dịch vụ nuôi của Công ty TNHH ASIA HAWAII VENTURES được UBND tỉnh cho thuê đất theo Quyết định số 413/QĐ-UB ngày 17/2/2003 với diện tích gần 49ha tại xã Điền Hương (Phong Điền).

Quá trình triển khai dự án, công ty đã đầu tư đào hồ nuôi tôm, xây dựng các công trình trên diện tích hơn 15ha và đã đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, năm 2012, người đại diện của công ty qua đời đột ngột, dự án mới hoạt động vài năm đã bỏ hoang từ đó đến nay.

Một ngày đầu tháng 8/2020, theo chân cán bộ địa chính xã, chúng tôi về khu nuôi tôm của công ty này. Trước mắt chúng tôi là hàng chục hồ nuôi tôm bỏ hoang, bạt lót các hồ đã mục nát theo thời gian. Hiện, một người dân nơi khác tới đã tận dụng 2 hồ, ngăn ra thành 4 hồ để nuôi ốc hương (việc sử dụng 2 hồ này được sự cho phép của thân nhân người đại diện theo pháp luật của công ty)…

Tương tự, Dự án nuôi trồng thủy, hải sản của Công ty CP Trường Sơn được UBND tỉnh cho thuê đất theo Quyết định số 1897/QĐ-UBND ngày 22/8/2008 và Quyết định điều chỉnh diện tích số 3100/QĐ-UBND ngày 30/12/2015 với diện tích gần 60ha trên địa bàn xã Điền Hương và Điền Môn (Phong Điền) cũng bỏ hoang từ năm 2015 đến nay. Hàng chục hồ nuôi tôm cạn trơ đáy, máy tạo ô xy cho tôm hư hỏng, nằm lăn lóc ở các hồ. Khu nhà dành cho công nhân, nhân viên công ty bỏ hoang đã xuống cấp theo thời gian.

Ông Nguyễn Văn Hồ, Trưởng thôn Trung Đồng, Giám đốc HTX nuôi trồng thủy sản thôn Trung Đồng, xã Điền Hương (Phong Điền) cho biết, 4 năm trở lại đây, người dân trong thôn xin được cấp đất để nuôi trồng thủy, hải sản rất nhiều, nhưng do quỹ đất ít nên chỉ khoảng 1/3 hộ dân được đáp ứng. Hiện nay, 15 hộ dân trong thôn thiếu đất để nuôi trồng thủy hải sản, phát triển kinh tế hộ gia đình. Trong khi đó, đất của Công ty TNHH ASIA HAWAII VENTURES (8 năm), Công ty CP Trường Sơn (5 năm) bỏ hoang rất lãng phí, trong khi những khu đất của 2 công ty này nằm trên đường giao thông liên xã, rất thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy, hải sản. 

Ông Trần Gia Truyền, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Điền Hương cho rằng, nếu các công ty không có năng lực để tiếp tục triển khai dự án thì phải thu hồi để giao lại cho các doanh nghiệp có năng lực về tài chính tiếp tục đầu tư để nuôi trồng thủy, hải sản hoặc giao lại cho địa phương để cấp cho dân sản xuất, không thể bỏ hoang. Tại các buổi tiếp xúc cử tri, từ năm 2012 đến nay, địa phương đã nhiều lần kiến nghị thu hồi, nhưng chưa được xem xét, giải quyết.

Nhiều dự án đã bị thu hồi đất

Điểm i, khoản 1, điều 64 Luật Đất đai năm 2013 về thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai quy định: Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng; trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng.

Từ năm 2011 đến nay, qua kiểm tra các dự án trên địa bàn huyện Phong Điền, UBND tỉnh, các ngành chức năng đã ra quyết định thu hồi đất, hủy GCNQSDĐ của 3 công ty với diện tích trên 164ha.

Trong đó, năm 2011, UBND tỉnh đã ra quyết định thu hồi hơn 11ha đất tại xã Phong Hòa (Phong Điền) của Công ty TNHH Sơn Tùng với lý do vi phạm điều 38 Luật Đất đai năm 2003. Công ty TNHH Sơn Tùng được thuê đất để xây dựng nhà xưởng chế biến cát thạch anh và khai thác cát thạch anh từ năm 2001, nhưng đã không triển khai xây dựng nhà xưởng như đã đăng ký.

Năm 2017, UBND tỉnh đã ra Quyết định thu hồi 150ha đất tại xã Phong Chương (Phong Điền) của Công ty CP Bảo Toàn A do không đưa đất vào sử dụng, triển khai dự án xây dựng nhà máy sản xuất thủy tinh và các hạng mục phụ trợ (giai đoạn 1) như đã cam kết.

Gần đây nhất, tháng 7/2020, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ra Quyết định hủy GCNQSDĐ đã cấp cho Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ An Bình Điền với lý do Nhà nước thu hồi đất nhưng công ty không bàn giao GCNQSDĐ đã được cấp. Trước đó, công ty này được UBND tỉnh cho thuê 3ha đất tại xã Phong Thu (Phong Điền) để triển khai dự án xây dựng khu phân phối, buôn bán các sản phẩm nông lâm nghiệp, phân bón nhưng đã không triển khai dự án.

Ông Nguyễn Văn Bình, Quyền Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết, qua kiểm tra, rà soát các dự án, công trình đã được giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án, nhưng không sử dụng đất hoặc chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng, UBND huyện đã có báo cáo số 417/BC-UBND lên UBND tỉnh. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục rà soát, kiến nghị tỉnh thu hồi các dự án không thực hiện.

“Liên quan đến 2 dự án đang bị bỏ hoang tại xã Điền Hương và Điền Môn mà người dân phản ánh, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ cho rà soát để báo cáo UBND tỉnh thu hồi”. Ông Nguyễn Đại Vui, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư khẳng định.

Bài, ảnh: Hải Huế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Chiều 15/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh cùng các đơn vị liên quan đã có buổi khảo sát nhằm phục vụ công tác chuẩn bị đầu tư Dự án (DA) mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn
Nhiều dự án sinh kế từ Quỹ Hỗ trợ nông dân

Từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), Hội Nông dân (HND) các cấp đã giải ngân, tổ chức nhiều dự án (DA) sinh kế mang lại hiệu quả thiết thực cho hội viên, nông dân (HVND).

Nhiều dự án sinh kế từ Quỹ Hỗ trợ nông dân
Return to top