ClockThứ Hai, 20/08/2018 14:16
Đền bù, bồi thường đất và tài sản trên đất tại khu tái định cư Bến Ván:

Không có việc kê khai khống

TTH - Ông Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc khẳng định, quá trình thanh, kiểm tra cho thấy việc kê khai, đền bù cho người dân tại khu tái định cư (TĐC) Bến Ván là đúng quy định.

Khu tái định cư Lim: Dân rời đi vì thiếu đất sản xuấtĐổi mới phương pháp định giá đất bảo đảm quyền lợi cho người có đất thu hồi

Người dân cho rằng có “bất thường”

Để phục vụ dự án hồ Tả Trạch, khu TĐC Bến Ván (xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc) được hình thành, nhằm di dời các hộ dân sống trong khu vực lòng hồ về đây sinh sống. Trước đó, từ 1990-1995, khu TĐC này là vùng đất được lựa chọn thực hiện Dự án PAM, giao cho các hộ gia đình, cá nhân trồng rừng để phủ xanh đất trống đồi trọc.

Người dân Bến Ván khai thác rừng tràm

Theo đó, các cơ quan chức năng đã tiến hành kê khai, đền bù để thu hồi đất tại khu TĐC Bến Ván. Phương án xử lý là đổi đất cho người dân, những hộ không lấy đất sẽ nhận đền bù. Ngày 16/1/2003, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 96/QĐ-UB về việc phê duyệt đền bù đất và tài sản trên đất cho 74 hộ dân với tổng kinh phí hơn 2,3 tỷ đồng. Do không đủ quỹ đất và kinh phí để đền bù cho tất cả diện tích đất, nên quá trình kê khai và đền bù chưa được hoàn thiện (được xem là đợt 1).

Sau đó, từ năm 2005 đến năm 2017, có thêm 5 đợt kê khai, đền bù và hỗ trợ. Liên quan đến các đợt bồi thường này, người dân Lộc Bổn cho rằng có 3 “bất thường” trong quá trình kê khai và đền bù. Cụ thể, người dân cho rằng, HTX An Nong I (đơn vị được giao quản lý dự án rừng PAM) đã lập danh sách đền bù không đúng, đưa nhiều cán bộ vào diện được nhận đền bù, trong khi đó, nhiều hộ dân tham gia khai hoang nhưng lại không nằm trong danh sách; danh sách đền bù cho các hộ dân có giá trị thấp, còn những cán bộ lại được đền bù giá cao; nhiều hộ được kê khai đền bù lên đến 2 lần.

Danh sách được nhận đền bù trong các đợt, đúng là có nhiều trường hợp là cán bộ Nhà nước như phản ánh của người dân. Cụ thể, trong danh sách đền bù lần 1 (năm 2003) có 74 hộ được phê duyệt giá trị đền bù thiệt hại; trong đó có 4 cán bộ ở tỉnh, 2 cán bộ ở huyện, 4 cán bộ xã, 14 cán bộ của HTX An Nong I, 48 hộ dân xã Lộc Bổn, l hộ dân tại xã Lộc Sơn và l hộ dân xã Xuân Lộc. Trong lần 2 (năm 2005), danh sách có 17 hộ được đền bù, gồm 2 cán bộ HTX An Nong I, 1 là cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Phú Lộc, 7 hộ dân của xã Lộc Bổn và 7 hộ dân của xã Xuân Lộc. Lần bồi thường thứ 3 (2008) gồm có 1 cán bộ xã Lộc Bổn, 1 cán bộ HTX An Nong I và 4 hộ dân Lộc Bổn được nhận.

Đúng quy định

Khi có những phản ánh từ phía người dân, UBND huyện Phú Lộc đã thành lập đoàn thanh tra liên ngành, nhằm thanh, kiểm tra toàn diện về nguồn gốc đất, việc kê khai, đền bù tại khu TĐC Bến Ván. Sau nhiều tháng, UBND huyện đã ban hành kết luận sau thanh tra.

Theo đó, quá trình thanh tra cho thấy, đúng là có việc trước khi thực hiện dự án PAM, một số diện tích tại khu TĐC Bến Ván do người dân địa phương khai hoang. Nhưng đến khi dự án triển khai thì các hộ dân này không còn canh tác nữa. Khi dự án PAM tiến hành giao khoán đất để người dân trồng rừng, các hộ dân khai hoang trước đó không tham gia nhận đất. Cũng theo kết luận của thanh tra, các hộ dân trước đó khai hoang và sau đó còn tham gia trồng rừng vẫn được kê khai, đền bù đúng quy định.

Riêng việc trong danh sách có nhiều cán bộ được nhận đền bù là do thời điểm thực hiện dự án PAM, người dân ít tham gia nhận đất vì lúc này giá trị kinh tế từ rừng thấp. Do đó, chủ yếu các cán bộ nhận đất để trồng rừng cho đủ chỉ tiêu mà dự án giao. Ông Huỳnh Văn Liên, Chánh Thanh tra huyện Phú Lộc cho hay, quá trình giao nhận đất của dự án PAM cho người dân và cán bộ có văn bản đầy đủ. Căn cứ vào các văn bản này, có thể khẳng định không có việc kê khai khống cho các cán bộ.

Việc có chênh lệch về số tiền qua các lần đền bù, Thanh tra huyện Phú Lộc cho biết, theo quy định của Nhà nước, quá trình đền bù sẽ được áp giá vào thời điểm kê khai nếu dự án kéo dài. Do đó, thời điểm đền bù lần 1 vào năm 2003 là áp giá đền bù vào thời điểm 2003, đến năm 2016 áp giá vào thời điểm 2016. Qua nhiều năm, giá đất theo quy định của Nhà nước tăng lên mới có chênh lệch về số tiền đền bù. Riêng đến năm 2016, quy định của Nhà nước còn thêm hạng mục hỗ trợ chuyển đổi nghề và việc làm, nên làm tăng số tiền mà người dân được nhận.

Về lý do có người nhận đền bù 2 lần, kết luận của đoàn thanh tra cho thấy, do thời điểm đền bù đợt 1, nguồn kinh phí ít nên chỉ mới đền bù một số hạng mục. Đến năm 2016, kinh phí được cấp thêm nên mới thống kê lại những diện tích chưa được đền bù. Nhiều hộ trước đó chỉ nhận một phần, nay được tiếp tục nhận lần thứ 2.

Bài, ảnh: Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hoàn thành tái định cư trước khi thu hồi đất

Mới đây, Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua có nội dung quan trọng được mọi người, mọi nhà quan tâm là những trường hợp có đất bị thu hồi phải được xem xét hoàn thành bố trí tái định cư (TĐC) trước. Quy định này sẽ tháo gỡ nhiều điểm “nghẽn” trong giải phóng mặt bằng (GPMB) để thực hiện các dự án (DA) phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH).

Hoàn thành tái định cư trước khi thu hồi đất
Thái Lan triển khai chương trình bảo hiểm mới cho du khách nước ngoài

Theo nội dung của chiến dịch mới của chính phủ Thái Lan nhằm đảm bảo an toàn cho khách du lịch nước ngoài khi họ đến nước này du lịch, du khách sẽ nhận được bảo hiểm y tế lên đến 500.000 Bath (hơn 13.800 USD) nếu xảy ra tai nạn ở Thái Lan và được bồi thường lên tới 1 triệu Bath (hơn 27.700 USD) trong trường hợp tử vong.

Thái Lan triển khai chương trình bảo hiểm mới cho du khách nước ngoài
Return to top