ClockThứ Hai, 12/02/2018 14:37

Kể chuyện chó ở Trường Sa

TTH - Trung úy Lại Tất Hà vui tính cho biết, đây không những là biên chế “thủy quân” đặc biệt mà còn là những người bạn thân thương, trung thành với người lính đảo.

Đưa Tết ra Trường SaĐất thiêng từ Trường Sa hòa vào đàn Xã tắcBáo Thừa Thiên Huế đến Trường SaHát về Huế giữa biển trời Trường SaHương Thủy có cột mốc chủ quyền Trường Sa

Đến Trường Sa, thăm bất cứ đảo và điểm đảo nào, chắc chắn ngoài hình ảnh các chiến sĩ Trường Sa sạm đen vì nắng gió; ánh mắt hồn nhiên của trẻ thơ trên đảo Sinh Tồn, Trường Sa Lớn…; những nhà giàn sừng sững như những mắt thần giữa biển khơi thì không ai quên được hình ảnh những chú chó đủ giống, đủ cỡ có mặt khắp các đảo đá, nhà giàn. Đây chính là những người bạn thân thiết với người lính và người dân Trường Sa.

Đảo Đá Lát, nhìn xa xa như hòn non bộ giữa biển khơi, thế mà khi bước chân lên đảo, trong khoảng không gian nhỏ bé chưa đầy 1.000m2 đó, bên cạnh những hầm hào công sự, những vườn rau xanh ngăn ngắt là một vườn… thú. Heo, gà, vịt, chó… sống hòa bình, cùng nhởn nhơ đi lại trên đảo đá. Nhìn chú chó hiền lành cùng đứng “gác” với người chiến sĩ trẻ bên bia chủ quyền, ai cứ ngỡ chắc dễ gần lắm nhưng vừa bước chân lại, chú chó như đã cảnh giác, sủa nhặng xị lên và chực lao đến. Nghe tiếng người chiến sĩ hô khẩu lệnh “suỵt, nằm yên”, chú chó cụp đuôi im thin thít…

Trung úy Lại Tất Hà vui tính cho biết,  đây không những là biên chế “thủy quân” đặc biệt mà còn là những người bạn thân thương, trung thành với người lính đảo. Ban ngày, chúng vẩn vơ trên cầu tầu, hay lang thang ở mép biển nhưng ban đêm chính là… đội quân tinh nhuệ của đảo. Đêm, cả hòn đảo chìm trong thinh lặng, nhưng chỉ cần tiếng động rất nhẹ của cá quẫy, âm thanh khác lạ của tiếng sóng vỗ… những chú chó đã vùng dậy, đôi mắt sáng quắc như hai đốm lửa xuyên đêm…

Trên đảo đá Len Đao (gần bên đảo Gạc Ma mà Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp năm 1988) là hình ảnh những chú chó khôn ngoan, có kỷ cương, nề nếp đến giật mình. Một chiến sĩ trẻ quê Hà Tĩnh cho biết, khi khách đến thăm, chó trên đảo chưa hề cắn ai, nó chỉ sủa theo đúng bổn phận, vì nó... cũng mong có người ra thăm đảo. Biệt tài của các chú chó ở đây là bắt cá như hải cẩu. Đôi lúc không phải để ăn hay “phục vụ bếp” mà đơn thuần chỉ do thích. Để bắt được mồi, có chú kiên trì “phục” dưới nước cả giờ và chỉ cần có chú cá nào lượn lờ qua những rặng đá san hô trước mắt, thì “phốc”, một cú tấn công trực diện xuống nước, chú cá đã nằm vẫy vùng trên miệng và thêm một cú hất đầu ra sau nữa là chú cá đã dãy đành đạch trên bờ và những chiến sĩ ta sau đó ra thu lượm… chiến lợi phẩm. Anh chiến sĩ trẻ cho biết, ban đầu chúng theo anh em chiến sĩ đi lùa cá, bắt cá ở vùng bãi san hô ngầm, khi triều cạn chỉ xăm xắp quá mắt cá chân sau dần quen và tự đi “chiến đấu” một mình…

Trên 12 đảo và điểm đảo mà chúng tôi đến, đảo nào cũng có từ vài con đến vài chục chú chó. Chó nuôi trên đảo chủ yếu là chó nhà mang ra từ đất liền, đủ loại giống, tuy nhỏ bé nhưng khôn ngoan, linh lợi. Đàn chó nhà được nuôi ở đảo tự nhân giống và phát triển khá nhanh. Một số được huấn luyện bài bản đưa vào biên chế “thủy quân”, một số tặng cho nhiều tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân ghé đảo. Đảo trưởng đảo Đá Đông- Hồ Anh Tuấn tâm sự : "Cả đảo chỉ mấy trăm mét vuông nên bước chân ra là gặp chúng. Nó cứ quanh quẩn bên chân mình nên hôm sau nếu không thấy nó nữa cảm thấy như thiếu một cái gì…".

Đến đảo Trường Sa lớn, “thủ đô” của quần đảo giữa Biển Đông, chúng tôi được chiêm ngưỡng những chú chó chiến binh hùng dũng. Những “đặc nhiệm chính quy” này được huấn luyện bài bản, được đưa từ Trường trung cấp Huấn luyện Chó nghiệp vụ của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) ra đảo. Ban đầu biên chế chỉ có 3 chó “đặc nhiệm” có nhiệm vụ hỗ trợ các chiến sĩ Hải quân canh gác, tuần tra bảo vệ biển đảo, phát hiện người đột nhập lên đảo và sẵn sàng chiến đấu… bây giờ đã đông đúc và được phân về cho các đảo, điểm đảo và nhà giàn khác…

Trong Nhà khách Thủ đô của đảo Trường Sa Lớn, tôi nghe người lính trẻ kể chuyện về sự vất vả khi nuôi chó “nghiệp vụ”. Nhưng ngày đầu tiên ra đảo, do quen sống ở môi trường tác chiến trên bộ, hưởng không khí mát mẻ, khẩu phần ăn… “sĩ quan” nên các “đặc nhiệm” õng ẹo, lơ ăn, hơi khó bảo trong lúc các “thủy quân” thì sồng sộc “chén” bất cứ thứ gì. Để thích nghi môi trường sống và địa bàn tác chiến, cán bộ huấn luyện phải tập cho các “đặc nhiệm” này không những làm quen với gió biển, chạy được trên cát, không sợ sóng lớn, có thể vừa bơi vừa chiến đấu được… mà còn phải ăn được cả cá biển, cơm, rau, thịt hộp… Bây giờ cả hai đội quân “đặc nhiệm” và “thủy quân” đều thuần thục các phương án tác chiến chống người nhái, biệt kích. Khi có hiệu lệnh, các “quân khuyển” này phối hợp rất tốt, vừa đánh chặn kẻ địch ngay từ ngoài bờ kè vừa đánh bắt khi địch đã xâm nhập lên đảo….

Chó ở Trường Sa là vậy đó, thân thương, gần gũi nên có những chiến sĩ khi hoàn thành nhiệm vụ ở Trường Sa về với đất liền ngoài nỗi nhớ đồng đội, nhớ trái bàng vuông, nhớ cây bão táp, nhớ những đêm thức trắng bồng súng đứng gác… còn nhớ đến những chú chó, những “đặc nhiệm” những “thủy quân” luôn quanh quẩn bên mình. Như bài thơ của một người lính trẻ để lại trên đảo Trường Sa Lớn mà ở đây còn lưu giữ…

... Vàng ơi, tao thương quá

Thương những đêm tao và mày đứng gác

Gió bão từng cơn mày vẫn không sai khác

Phủ phục canh me bọn cướp biển chực chờ.

Về đi mày, đừng bơi nữa, tao nhờ

Tao xin lỗi, bởi đã xong nghĩa vụ

Và tao biết chừng ấy vẫn chưa đủ

Nhưng phải vào bờ, anh em khác ra thay!

Bài, ảnh: TRẦN MINH TÍCH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa - Kỳ 7: Điểm hẹn đảo đá Tây A

Đảo Đá Tây A nhìn từ xa như một chiếc bè lớn giữa biển khơi, nhưng khi đến gần, nhận ra ngay sự sống sôi động, sung túc từ những vườn cây, cho đến ánh mắt người và nụ cười của trẻ thơ. Điều bất ngờ là khi chúng tôi vừa đặt chân lên đảo, tiếng gà gáy sáng chợt vang lên kiêu hãnh. Từ lâu, đảo Đá Tây A được xem là điểm hẹn của ngư dân Việt Nam trên biển.

Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa - Kỳ 7 Điểm hẹn đảo đá Tây A
Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa - Kỳ 6: Đảo chìm Cô Lin, ngọn lửa quyết tử còn cháy mãi

Cuộc đánh chiếm đảo Cô Lin của kẻ thù vào năm 1988 đã thất bại trước sự anh dũng, kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ Hải quân. Hình ảnh con tàu HQ 505 huyền thoại bốc cháy thành ngọn lửa quyết tử để giữ được đảo Cô Lin luôn in hằn trong trí nhớ người dân Việt Nam. Cô Lin ngày xưa kiên cường, Cô Lin ngày nay luôn chắc tay súng, thường trực cảnh giác để canh giữ trời biển. Gió biển vẫn mát rượi thổi vào đảo như tình yêu quê hương…

Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa - Kỳ 6 Đảo chìm Cô Lin, ngọn lửa quyết tử còn cháy mãi
Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa - Kỳ 3: Đảo xanh Song Tử Tây

Bốn giờ sáng, chúng tôi lên boong, tàu chầm chậm tiếp cận đảo Song Tử Tây. Trong tờ mờ sương, đảo hiện ra dưới ánh trăng thượng huyền lá lúa. Ánh đèn của ngọn hải đăng đang nhấp nháy, báo hiệu cuộc sống bình yên của cư dân trên đảo. Rồi bình minh, Song Tử Tây hiện lên trong nắng một đô thị xanh, rất đẹp giữa trùng khơi sóng vỗ.

Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa - Kỳ 3 Đảo xanh Song Tử Tây
Return to top