ClockThứ Năm, 18/10/2018 13:45

Hối hả “đi chợ thuê”

TTH - 4 giờ sáng, khi mọi người còn đang say giấc, bà Nguyễn Thị Hạnh, 61 tuổi cùng chồng đã trở dậy. Lật đật chuẩn bị xe, dây buộc, giỏ xách, đôi vợ chồng vội vàng đi ngược những con dốc của Lộc Bình (Phú Lộc), qua hầm Phước Tượng để vào chợ Nước Ngọt (Lộc Thủy). Họ là những người đi buôn, thế nhưng lại được “ủy quyền” theo từng buổi chạy chợ. Với người dân Lộc Bình, Lộc Trì, hơn cả đi chợ thuê, họ còn là người bạn hiểu gia chủ đến từng nết ăn ở.

Chăm vợCâu chuyện tình yêu

Giao thức ăn cho khách

“Siêu thị” di động

Chị Nguyễn Thị Vân, sinh năm 1975, nhiều năm đi chợ thuê cho biết: “Trên xe mình thứ chi cũng có. Từ đồ ăn sáng cho đến trái cây, rau củ, cứ khách cần là mình mua”. Cận cảnh “siêu thị” của chị mới thấy hết sự đa năng, tiện dụng của những người trong nghề. Yên xe là nơi đựng thùng xốp với cá, thịt, tôm tươi rói. Hai bên hông xe nào bánh mì, bún cháo. Bên cạnh chiếc giỏ xách đủ loại rau còn có cả bánh ướt và chè, xôi, sắn…

Với khách chưa dặn trước, thoăn thoắt hỏi người mua cần gì, chỉ trong vòng vài giây, chị Vân đã tìm được thức hàng cần bán. Nhiều năm trong nghề, với người phụ nữ này, sự thành thục đã trở thành kỹ năng. Và chính những kỹ năng ấy giúp chị giảm tối đa thời gian tìm hàng, hạn chế sự đợi chờ của khách.

Để có được “siêu thị” ấy, trước tiên người bán phải nắm bắt được nhu cầu của từng hộ. Chị Vân cho biết: “Thông thường cứ hôm nay bán thì người ta sẽ dặn thức ăn cần mua cho ngày hôm sau. Nếu bận họ chỉ cần gọi điện đặt trước. Đối với các hộ không dặn, cứ có nhu cầu mình vẫn có hàng bán. Hôm nay người ta ăn cá thì mai sẽ chuyển qua rau hoặc thịt”.

Hàng ngày chị Vân phải dặn trước các tiểu thương tại chợ Nước Ngọt, lúc thì lấy mươi bì thịt, khi lại dăm kí cá, mớ tôm, vài cân trái cây. Bạn hàng của chị đã quen soạn sẵn hàng để giao lúc sáng sớm. Ngoài những suất dặn sẵn, có nhiều mặt hàng được chị buôn theo chuyến. “Lúc nào mình cũng mua nhiều, ngoài việc giao hàng tận nhà, mình còn bán tại chợ, như thế mới đảm bảo thu nhập”, chị Vân chia sẻ.

Hơn cả “cần câu cơm”

Nhiều năm trong nghề, với bà Nguyễn Thị Hạnh và chồng, công việc vất vả này đã trở thành thói quen. Trừ mùng một Tết âm lịch, hay những lúc bão lớn nguy hiểm, ngày nào hai ông bà cũng kiếm được ít tiền trang trải cuộc sống nhờ việc rong ruổi trên chiếc xe cũ kĩ để bán thức ăn. Bà Hạnh cười: “Bán buôn đã lâu, ngày thường vợ chồng tôi lãi cũng gần trăm ngàn đồng. Dịp rằm, mùng một nhờ có thêm hoa, trái cây nên tiền lãi cũng nhiều hơn đôi chút”.

Ngoài bán buôn “dọc đường”, bà Hạnh còn là tiểu thương tại chợ Lộc Bình. Tầm gần 10 giờ, ngôi chợ xép vốn nhỏ đã vắng người. Tranh thủ vun vén những thức hàng còn lại, bán rẻ để lấy lại vốn rồi trở về nhà, chuẩn bị sức khỏe và tinh thần làm việc cho ngày mai.

“Đi chợ hộ” lâu năm, đường xa, vắng và đèo dốc, không ít lần hai ông bà gặp sự cố. Bà Hạnh kể: “Mệt nhất là lúc xe bị thủng ruột, hai vợ chồng bước từng bước đẩy chiếc xe nặng trịch, cực nhọc mà chẳng biết kêu ai. Nếu xe về trễ, khách quen chờ không được sẽ mua mối khác”. Ngoài lo di chuyển, vẫn có trường hợp khách hàng quỵt tiền của bà, hoặc dặn trước cá, thịt mà không lấy. Hiền lành, chú Thiều chồng bà Hạnh xuề xòa: “Khách dặn không lấy thì một hai bữa thôi, mình cũng thông cảm cho họ. Làm nghề ni lâu, vợ chồng tui cũng gắn bó với nhiều gia đình”.

Đã quen với giờ các chị, các o chạy chợ, cứ tầm hơn 6 giờ sáng, mọi người đã hóng ra đường để lấy thức ăn. Phương thức giao hàng những người bán thức ăn di động rất rộn rã, ngoài việc đi đúng giờ, những tiếng rao “Ai cá không…”, “Ai thịt không…” ngân dài như tiếng chuông gọi cửa. Như chỉ chờ có thể, người mua vội ra cổng, mua mua bán bán, vui vẻ mang vào nhà mớ cá, nhúm rau. Khi bận rộn, thay vì ngồi đợi, các gia đình thường dặn sẵn con cháu trong nhà chơi ngay ngoài sân, nắm sẵn tiền để trả cho các o.

Bà Lê Thị Y, sinh năm 1962 nói: “Sáu năm nay tôi thường mua hàng từ mấy o ni. Chợ xa, đi lại thì khó khăn, hơn nữa đường đi lại hiểm trở. Nhờ mấy chị mà mình có đồ ăn tươi, lại đỡ mất công đi chợ”. Bà Y là một trong những khách hàng thường xuyên của chị Vân. Bị tai nạn bom mìn khi chưa đầy 20 tuổi, một chân bị mảnh bom gây thương tích, việc di chuyển của người phụ nữ này rất khó khăn. Những năm gần  đây, nhờ những “siêu thị” di động bà đỡ vất vả hơn.

Khu vực Lộc Bình có đường đi khá hiểm trở, nhiều hộ dân rải rác dọc Quốc lộ 49B. Không riêng gì người dân ở đây, một số hộ tại Lộc Trì vẫn “ké” dịch vụ mua giao thức ăn tươi tại nhà. Với mọi người, nhờ những người chạy chợ, cuộc sống của họ đã đỡ vất vả hơn. Ngược lại, cũng nhờ những người dân chân chất, các chị, các mẹ đã có thêm thu nhập để ổn định cuộc sống.

Bài, ảnh: Mai Huế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

THÔNG TIN DOANH NGHIỆP
5 lưu ý khi có dự định thay đổi công việc vào cuối năm

Cuối năm thường là thời điểm mà thị trường lao động có nhiều biến đổi, khá nhiều người lựa chọn thời điểm này để thay đổi công việc. Tuy nhiên, “nhảy” việc vừa là cơ hội vừa tiềm tàng nhiều nguy cơ nếu bạn chưa biết cách chọn phù hợp.

5 lưu ý khi có dự định thay đổi công việc vào cuối năm
Tôi đi chợ

Con bé cột hai bím tóc và cái mũ nan rộng vành ngơ ngác, phố Trần Hưng Đạo xe cộ nườm nượp. Nó hoa mắt với hàng quán đầy ắp hàng hóa, người chen chúc như đi hội. Đó là lần đầu vô phố tôi đi chợ Đông Ba.

Tôi đi chợ
Nghề “chữa bệnh” cho giày, dép cũ

Lặng lẽ bên một góc nhỏ giữa phố thị đông đúc, chỉ với vài ba vật dụng đơn giản, hàng ngày những người làm nghề sửa giày, dép vẫn cần mẫn xỏ từng đường kim, mũi chỉ để biến những đôi giày, dép tưởng chừng như bỏ đi trở nên lành lặn, chắc chắn.

Nghề “chữa bệnh” cho giày, dép cũ
Quà chợ

Sáng sớm, cha đã đạp xe ra đồng thăm lúa. Loanh quanh một vòng xem xét nước nôi, sâu cỏ..., vừa dong xe về tới cổng thì cũng đúng lúc nghe tiếng mẹ rổn rảng vọng vào từ đầu ngõ.

Quà chợ
Return to top