ClockThứ Bảy, 04/04/2020 06:30

Hoàn thiện y tế cơ sở

TTH - Nếu ai từng dõi theo hoạt động của ngành y tế Thừa Thiên Huế qua nhiều năm đều cảm nhận rõ hệ thống y tế cơ sở hiện nay đã phát triển khá hoàn thiện về mọi mặt, đứng vào “top” đầu của cả nước.

Phong Điền: Phủ kín bác sĩ tại chỗCơ sở y tế tuyến huyện có đủ khả năng thu dung, điều trị cho bệnh nhân mắc nCoV

Cán bộ Trung tâm Y tế Hương Toàn (Hương Trà) tiêm phòng cho trẻ

Chuẩn hoá đội ngũ y, bác sĩ

Đến bây giờ, anh bạn tôi ở Phú Đa, Phú Vang vẫn tiếc cho lựa chọn sau khi tốt nghiệp y khoa cách đây 15 năm. Hồi đó, anh có một suất biên chế ở Trung tâm Y tế huyện Nam Đông theo chính sách chế độ vùng cao, nhưng sợ cảnh “rừng thiêng nước độc” nên khoác áo về xuôi. Anh nói, thời đó không phải “đứng núi này trông núi nọ” nhưng hàng ngày thấy hoạt động y tế ở Nam Đông như “nốt nhạc” buồn. Ở trung tâm huyện có bệnh viện, nhưng cơ sở vật chất nghèo nàn, trang thiết bị lạc hậu, đội ngũ y tế thường luân phiên thay đổi. Ở các xã đã có trạm y tế  (TYT) nhưng chỉ là ngôi nhà tạm bợ, một hai cán bộ được điều từ trung tâm y tế huyện về phụ trách, phòng dịch là chủ yếu... Thực trạng buồn ấy không chỉ ở vùng cao mà hiện hữu ở đồng bằng, vùng biển, như Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc...

Chúng tôi còn nhớ, năm 2004 trong chuyến theo chân đoàn sinh viên Đại học Huế lên tình nguyện hè ở huyện A Lưới, bác sĩ Lê Quang Phú, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện này than rằng, hệ thống y tế địa phương còn nghèo quá, nhân lực thì thiếu trước hụt sau. Chưa nói đến chuyện khám điều trị mà chuyện phòng dịch bệnh luôn là mối trăn trở. Chỉ sau thời gian ngắn, tôi nghe thông tin huyện A Lưới và Nam Đông đề xuất tỉnh phương án gửi con em đi đào tạo bác sĩ về phục vụ địa phương. Lúc ấy không nhiều, nhưng sau đó số này đã tốt nghiệp, trở thành bác sĩ về làm trưởng trạm y tế các xã, bước đầu giải quyết một phần cán bộ y tế tại chỗ.

Manh nha từ “bài toán” tháo nút thắt nguồn nhân lực y tế cơ sở nói trên, PGS.TS Nguyễn Dung, người “cầm trịch” ngành y tế địa phương thời điểm đó thấy rõ hiệu quả thực tế nên đề xuất “dự án” nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, phủ kín bác sĩ ở cơ sở. “Dự án” đưa ra, lãnh đạo tỉnh “mê”, bằng cách chỉ đạo các đơn vị y tế tuyến huyện, thị xã tổ chức tăng cường bác sĩ về công tác tại TYT trên địa bàn quản lý; đồng thời tăng cường thêm các bác sĩ tuyến tỉnh theo chế độ luân phiên, mỗi đợt 6 tháng...

Đến giữa năm 2006, hơn 2/3 số xã, thị trấn ở A Lưới và Nam Đông có bác sĩ cắm trạm, cùng ăn, cùng ở khám, điều trị bệnh cho người dân. Từ thời điểm này, hàng năm việc đào tạo, bồi dưỡng nhân lực y tế cứ “đến hẹn lại lên”, đến cuối năm 2011 có hơn 400 bác sĩ được tăng cường về công tác tại TYT, bảo đảm 152 xã trên địa bàn có bác sĩ. Bác sĩ về phần lớn được bổ nhiệm làm trưởng trạm, chịu trách nhiệm khám bệnh, kê đơn, hướng dẫn chuyên môn cho cán bộ y tế trạm, xây dựng bổ sung cơ số thuốc cấp cứu, danh mục thuốc thiết yếu, xây dựng vườn thuốc nam, tham mưu ủy ban xã triển khai các hoạt động chương trình y tế quốc gia, tập huấn cán bộ y tế thôn bản công tác phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường…

Hoàn thiện cơ sở vật chất

Cùng với đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực, câu chuyện cơ sở vật chất cũng được ngành y tế quan tâm. Nhờ phát huy nội lực và những cái “bắt tay” của lãnh đạo tỉnh, ban ngành chức năng với các tổ chức trong, ngoài nước, năm 2009 có 80 TYT ở trên địa bàn được tầng hóa. Sau đó được sự hỗ trợ của dự án: “Nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các TYT xã, phường, thị trấn” do Tổ chức AP tài trợ, cuối năm 2011, 152 phường, xã trong toàn tỉnh có TYT với mô hình tầng hóa, đầy đủ các phòng chức năng, có trang thiết bị máy móc hoạt động hiệu quả theo quy định của Bộ Y tế.

Cùng với trạm y tế, nhiều bệnh viện tuyến huyện, thị xã lần lượt được nâng cấp, xây mới theo mô hình đạt chuẩn từ 50 giường đến 200 giường, với nhiều trang thiết bị y tế hiện đại ở TX Hương Thủy, Hương Trà; huyện Phong Điền, Quảng Điền, Nam Đông, A Lưới... bằng nguồn vốn ngân sách và các tổ chức trong, ngoài nước hỗ trợ. Các bệnh viện huyện, thị xã không ngừng đầu tư phát triển trở thành những đơn vị hạng II, hạng III kết nối hỗ trợ thêm nhân lực và chuyên môn kỹ thuật cho tuyến y tế cơ sở.

Bác sĩ Hoài Thị Di, Trưởng TYT Thượng Lộ (Nam Đông) cho biết, năm 2011, thông qua nguồn vốn của AP, trạm được xây mới đầy đủ các phòng chức năng, cùng với đầu tư trang thiết bị, dụng cụ y tế đáp ứng nhu cầu khám, điều trị bệnh. Với điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất và con người, bình quân mỗi ngày trạm khám, điều trị từ 30-40 lượt bệnh nhân. Hiện nay TYT luôn được dân tin, hễ ốm đau là người dân đến trạm. Không chỉ khám điều trị sức khỏe ban đầu, như siêu âm, điện tim, xét nghiệm và chuyển tuyến kịp thời các bệnh nặng, không để xảy ra tai biến, các TYT còn triển khai tốt các chương trình y tế quốc gia, nhất phòng ngừa các dịch bệnh trong cộng đồng, như sốt xuất huyết, sốt rét, tay chân miệng...

Với việc hoàn chỉnh mạng lưới y tế cơ sở, chất lượng chẩn đoán, điều trị bệnh tại các trạm y tế ngày càng được nâng cao. Các TYT đều khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho các đối tượng bảo hiểm y tế, trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo, gia đình chính sách. Bác sĩ Hồ Thư, người hơn 30 năm công tác y tế vùng cao, hiện là Giám đốc Trung tâm Y tế Nam Đông thừa nhận, y tế cơ sở là điều kiện cần và đủ trong một hệ thống y tế quốc gia. Hệ thống này là nền tảng không chỉ khám điều trị mà còn “giữ cửa” dự phòng, giải quyết tốt những vấn đề nảy sinh liên quan đến sức khỏe cộng đồng ở cơ sở...

Cùng với hoàn thiện cơ sở vật chất tuyến y tế cơ sở, ngành y tế đã phối hợp với Trường đại học Y dược Huế, Trường cao đẳng Y tế Huế  đã đẩy mạnh công tác tuyển dụng, đào tạo, cập nhật chuyên môn cho cán bộ y tế.

Đến nay 100% TYT trên địa bàn tỉnh đã có bác sĩ phụ trách. Đây là một trong những yếu tố nâng cao chất lượng nhân lực y tế địa phương, góp phần vào mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025 theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

(Bác sĩ CK II Nguyễn Đắc Ngọc, Trưởng phòng Tổ chức, Sở Y tế)

Bài, ảnh: MINH VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trải nghiệm thực tế, hoàn thiện kỹ năng

Giữa thời buổi công nghệ phát triển, việc tách con khỏi các thiết bị điện tử là vấn đề được nhiều bậc phụ huynh quan tâm. Do vậy, thu xếp thời gian và công việc để đưa con đến trải nghiệm thực tế tại các không gian mỹ thuật là việc được nhiều cha mẹ quan tâm.

Trải nghiệm thực tế, hoàn thiện kỹ năng
Hoàn thiện khung hạ tầng, thu hút đầu tư

Thừa Thiên Huế ưu tiên huy động các nguồn lực, chú trọng đẩy nhanh đầu tư xây dựng các dự án (DA) trọng điểm phát triển khung hạ tầng. Đồng thời, từng bước cải thiện môi trường đầu tư nhằm ngày càng thu hút nhiều doanh nghiệp lớn.

Hoàn thiện khung hạ tầng, thu hút đầu tư
Hoàn thiện hạ tầng, thu hút đầu tư vào Cụm công nghiệp An Hòa

Là cụm công nghiệp (CCN) duy nhất đóng trên địa bàn TP. Huế, CCN An Hòa không ngừng đầu tư hoàn thiện hạ tầng nhằm thu hút các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất, đồng thời tạo mặt bằng để di dời các cơ sở sản xuất trong nội thị vào xây dựng nhà xưởng góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong khu dân cư.

Hoàn thiện hạ tầng, thu hút đầu tư vào Cụm công nghiệp An Hòa

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top