ClockThứ Ba, 06/12/2016 14:16

Hiệu quả từ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con

TTH - Dự phòng lây truyền từ mẹ sang con (DPLTMC) trở thành hoạt động thường xuyên, ưu tiên của Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS. Đây là hoạt động nhân văn, làm hạn chế sự lây nhiễm HIV từ mẹ sang con ở Thừa Thiên Huế.

Xét nghiệm sàng lọc HIV tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh

Nổi bật trong chương trình DPLTMC là công tác tư vấn xét nghiệm HIV và theo dõi, chăm sóc thai sản cho phụ nữ mang thai (PNMT) được thực hiện ngay từ những tháng đầu tiên của thai kỳ tại trạm y tế. Nhờ vậy, giúp các PNMT nhiễm HIV phát hiện sớm để có biện pháp dự phòng kịp thời. Hàng năm số PNMT xét nghiệm HIV gia tăng. Bên cạnh đó, công tác chăm sóc, điều trị cho PNMT nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ họ cũng triển khai thường xuyên.

Ở nước ta, tỷ lệ nhiễm HIV ở phụ nữ mang thai là 0,35% - 0,5% trong số 1.5 triệu bà mẹ sinh con mỗi năm nghĩa là có khoảng 6.000 bà mẹ mang thai nhiễm HIV. Tỷ lệ lây truyền nếu không được can thiệp trung bình là 30- 35%. Khả năng lây truyền HIV từ mẹ sang con xảy ra trong thời kỳ mang thai: 5- 10%; trong thời kỳ chuyển dạ sinh con: 10-20%; trong thời kỳ cho con bú: 10- 15%. Như vậy, mỗi năm sẽ có khoảng 2.000 trẻ bị nhiễm HIV. Với Thừa Thiên Huế, mỗi năm có khoảng 20.000 bà mẹ sinh con với tỷ lệ nhiễm ước tính chung của toàn quốc sẽ có khoảng 70 bà mẹ mang thai nhiễm HIV, có khả năng sinh ra 25 trẻ nhiễm HIV/ năm. Việc triển khai DPLTMC là cần thiết và rất quan trọng nhằm hạ thấp tỷ lệ nhiễm HIV cho trẻ.

Bác sĩ Trần Thị Ngọc, Giám đốc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh (trung tâm) cho biết, từ năm 2009-2016 trên địa bàn có 53 phụ nữ nhiễm HIV mang thai sinh con. Tất cả mẹ và trẻ đều được điều trị thuốc DPLTMC thích hợp. Các trẻ phơi nhiễm đều được xét nghiệm PCR (Polymerase Chain Reaction - phản ứng chuỗi men) vào tuần thứ 4-6 để chẩn đoán sớm nhiễm HIV. Kết quả có 51 trẻ xét nghiệm âm tính; 2 trẻ dương tính do mẹ đi làm ăn xa, đến ngày sinh mới trở về địa phương để chuẩn bị cho cuộc “vượt cạn” nên không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Các trẻ phát hiện nhiễm HIV đều được chuyển đến Khoa Nhi- Bệnh viện TW Huế và các cơ sở y tế khác để theo dõi, điều trị ARV, không có trường hợp mất dấu. Ngoài ra, tại Khoa Sản-Bệnh viện TW Huế triển khai gói dịch vụ chăm sóc toàn diện DPLTMC. Các cơ sở y tế huyện, thị xã tổ chức điều trị dự phòng khẩn cấp lây nhiễm HIV từ mẹ sang con. Để hạn chế lây truyền HIV trong thời kỳ cho con bú, đã có 19 trẻ được cấp sữa đến 6 tháng tuổi do dự án Quỹ Toàn cầu tài trợ.

Chương trình DPLTMC còn lồng ghép với chương trình chăm sóc sức khoẻ sinh sản; chẩn đoán, điều trị các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục; can thiệp KHHGĐ khi phụ nữ nhiễm HIV không có nhu cầu sinh con, những phụ nữ nhiễm HIV được tư vấn các biện pháp can thiệp trước, trong và sau sinh để sinh con an toàn, được hướng dẫn về lợi ích cũng như những nguy cơ lây nhiễm HIV khi cho trẻ bú, khi vệ sinh, chăm sóc trẻ và tổ chức một hệ thống quản lý và chăm sóc thích hợp tại nhà. Chị H.T.N ở Phú Lộc chia sẻ, dù biết bản thân nhiễm HIV, nhưng khi mang thai tuần thứ 2, chị đi khám và được cán bộ y tế tư vấn, làm các xét nghiệm điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Sau khi sinh 6 tuần, cháu được xét nghiệm, chẩn đoán sớm và kết quả là âm tính. Tôi rất vui, con mình may mắn đã không nhiễm HIV và rất cám ơn cán bộ y tế ở trung tâm quan tâm hỗ trợ tư vấn.

Theo bác sĩ Trần Thị Ngọc, chương trình DPLTMC là một trong giải pháp quan trọng góp phần đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS, với  những biện pháp can thiệp tích cực, điều trị dự phòng sớm giúp giảm đáng kể số trẻ bị phơi nhiễm HIV từ mẹ. Mọi người nên xem nhiễm HIV giống như các bệnh lây nhiễm khác, tránh kỳ thị, phân biệt đối xử để phụ nữ nhiễm HIV bớt mặc cảm, lo lắng; tăng cường tuyên truyền hỗ trợ thông tin, giúp PNMT hiểu rõ mục đích ý nghĩa, chương trình DPLTMC để sinh ra những đứa con khỏe mạnh, bảo vệ trẻ tránh khỏi nguy cơ nhiễm HIV, góp phần bảo vệ thế hệ tương lai cho đất nước.

Minh Ngọc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nâng cao hiệu quả dự phòng, kiểm soát bệnh tật theo mô hình “Thành phố thông minh” giai đoạn 2025 -2030

Ngày 27/3, Ban Giám đốc Sở Y tế có buổi tiếp và làm việc với Đoàn khảo sát của Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) về khả năng triển khai dự án “Nâng cao hiệu quả dự phòng, kiểm soát bệnh tật theo mô hình “Thành phố thông minh” giai đoạn 2025-2030”, trong khuôn khổ hợp tác song phương giữa Hàn Quốc và Việt Nam.

Nâng cao hiệu quả dự phòng, kiểm soát bệnh tật theo mô hình “Thành phố thông minh” giai đoạn 2025 -2030
Khai thác hiệu quả giá trị các danh hiệu UNESCO

Với 65 danh hiệu được UNESCO ghi danh, trải rộng trên tất cả 63 tỉnh, thành phố, Việt Nam tiếp tục thể hiện đóng góp có trách nhiệm vào việc làm phong phú, bảo vệ và phát huy kho tàng văn hóa nhân loại.

Khai thác hiệu quả giá trị các danh hiệu UNESCO
Giải pháp đầu tư, ứng dụng công nghệ hiệu quả tại các tòa soạn

Sáng 16/3, trong khuôn khổ Diễn đàn Báo chí toàn quốc 2024 đã diễn ra phiên thảo luận với chủ đề “Đầu tư, ứng dụng công nghệ hiệu quả tại các tòa soạn”. Đây là một trong những nội dung thu hút sự quan tâm rất lớn từ các cơ quan báo chí trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có báo chí, truyền thông.

Giải pháp đầu tư, ứng dụng công nghệ hiệu quả tại các tòa soạn
Tổ chức bộ máy tinh gọn, nhưng phải hiệu quả

Qua đợt giám sát liên quan đến “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL) giai đoạn 2018 - 2023” của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh, nhiều khó khăn, hạn chế đã được chỉ rõ.

Tổ chức bộ máy tinh gọn, nhưng phải hiệu quả
Return to top