ClockChủ Nhật, 23/10/2016 05:57

Hạnh phúc.

TTH - Hôm ấy, nắng ngoài song rất đẹp, chiếu ngang tán lá me chao nghiêng trong làn gió tinh khôi sau những ngày mưa ủy mị. Và cũng hôm ấy, lá đơn bị dúi thô bạo vào tay Huyền. Nhăn nhúm.

1. Huyền

Tờ đơn vẫn nằm lạnh lẽo trên bàn. Mỏi mệt và rã rời. Huyền không đọc lại nữa. Vì dù có đọc thêm bao nhiêu lần thì nội dung của nó vẫn vậy. Huyền mỏi trí lắm rồi. Tiếng thở dài sõng sượt. Đứt quãng. Huyền chưa kí. Huyền thương con. Hai bé gái sinh đôi giống nhau như hai giọt nước. Ngoan hiền và đáng yêu. Tấm hình chụp chung cả nhà vẫn để ngay ngắn trên bàn trang điểm. Bốn nụ cười tươi rói. Chứa chan hạnh phúc. Mọi thứ dường như vẫn còn nguyên vẹn. Sự vụn vỡ cuối cùng chỉ còn thiếu chữ kí của cô.

Tiếng thở đều đặn của hai đứa nhỏ khẽ lọt vào tai Huyền. Vô sự và rõ ràng. Thứ âm thanh này không rõ rệt như những gì mà Thắng tuôn ra hôm nào. Thắng chưa bao giờ làm vậy. Đó là lần duy nhất nhưng là lần đầy đắng cay. Đến tận bây giờ, giọng của Thắng vẫn còn văng vẳng bên tai cô. Và gương mặt của người đàn bà xa lạ đứng bên cạnh Thắng vẫn còn hằn trong trí nghĩ cô. Quán cà phê ấy, nơi mà Huyền và nhóm bạn đang giải lao sau lúc tập bài, đã trở thành chốn khởi đầu cho tất cả những buồn sầu mà cô đang phải trải qua. Chia tay đi. Kết thúc đi. Đây, bồ tôi đây. Kí đi. Giấy đây. Mọi thứ như nghiêng ngả sau từng lời Thắng nói. Huyền mất mặt. Choáng váng. Thắng bỏ đi vội vàng như khi đến vội vã. Thắng cũng không quên lôi theo cô bồ mà anh chưa kịp giới thiệu cho gọn ghẽ.

Hôm ấy, nắng ngoài song rất đẹp, chiếu ngang tán lá me chao nghiêng trong làn gió tinh khôi sau những ngày mưa ủy mị. Và cũng hôm ấy, lá đơn bị dúi thô bạo vào tay Huyền. Nhăn nhúm.

Bố mẹ Huyền không nói. Bố mẹ Thắng không đả động. Nhưng bạn bè Huyền thì không ngớt lời khuyên nhủ. Kí đi. Chờ gì nữa. Thằng ấy có bao giờ tốt đẹp đâu! Nó chỉ làm mày đau khổ. Nó ngáng trở mày... Huyền thinh lặng trước những lời cổ vũ. Thắng làm được gì cho Huyền? Chồng Huyền - hoặc sắp sửa không còn là chồng - là một họa sĩ - hoặc từng là họa sĩ. Từng bán được tranh và rồi không bán được. Từng thấy vẽ tranh và rồi không thấy nữa. Thắng đã từng chuyển sang kinh doanh. Bố của Thắng, vốn là một người có vai vế, giờ nghỉ hưu. Dạo đầu, người ta “vuốt mặt” còn “nể mũi”. Vuốt mãi mũi cũng bằng. Mất chỗ dựa, sản nghiệp của Thắng chẳng mấy chốc lao đao. Rồi thì họa sĩ thỉnh thoảng cũng đánh đề, cắm xe, say xỉn... Thằng (họa sĩ) ấy đã bao giờ làm được điều gì tốt đẹp đâu! Nhiều người nói với Huyền như vậy. À, mà mày biết gì chưa? Nghe bảo, nó mới được cái giải gì quốc tế đấy! Ghê nhỉ? Hình như giải thưởng cao lắm! Mày không biết hử? Thằng ấy bạc thế là cùng! Nó có con khác. Có tiền. Nó bỏ mày! Tiếc gì nữa? Hử?

Không, Huyền nghĩ, có thể trước là vậy, nhưng dạo gần đây Thắng không hề vậy. Thắng trầm tư hơn, ít ra ngoài hơn, cũng ít nhậu nhẹt hơn. Thắng khác, nhưng như hôm ấy thì khác quá.

Từ dạo Thắng đi, Huyền vẫn từng ngày hết lên trường lại đưa đón con, tối xuống thuyền đánh đàn, đêm về nhìn lá đơn. Giờ thì không còn ai xuýt xoa: Trời, cặp ấy đẹp đôi quá! Hai vợ chồng nghệ sĩ, hạnh phúc phải biết!

Huyền dạy đàn tranh. Tối tối đi biểu diễn cho các đoàn khách trên sông. Chật vật nhưng cũng đủ nuôi hai đứa nhỏ. Thỉnh thoảng Huyền trộm nghĩ, giá mà Thắng... nhưng rồi vội xua đi. Và cũng thỉnh thoảng, bên cạnh Thắng, một gã đàn ông khác tên Hùng cũng xuất hiện trong những dòng suy tư của cô. Hùng là đồng nghiệp. Bạn của cả hai vợ chồng. Chưa vợ. Hùng không ồn ào. Chỉ lặng lẽ. Có đôi khi, Huyền nghĩ, anh chỉ như những nốt nhạc lướt nhẹ trên những làn sóng chênh chao mặt nước...

Huyền gọi cho Thắng nhiều lần nhưng anh không bắt máy. Hai đứa nhỏ có hỏi, Huyền lảng đi chuyện khác. Bố đi công tác. Sao bố đi lâu vậy mẹ? Thôi, ngoan đừng hỏi...

Hồi Thắng còn ở nhà, hai vợ chồng cũng ít nói chuyện với nhau. Đối diện với nhau không chỉ là hai gương mặt mà là cả một khoảng không gian nặng nề. Hồi đầu không thế. Chỉ từ khi gã họa sĩ không vẽ nữa mới vậy. Không thể phủ nhận là, vắng Thắng, ba mẹ con trên một chiếc giường cảm thấy thoải mái hơn. Không phải vì không gian mà vì Huyền không phải lấy hai đứa con ra để tạo khoảng cách. Nhưng không có Thắng, những câu hỏi của lũ nhỏ trở thành nỗi sợ của người mẹ. Huyền từng nhiều lần nghĩ đến việc chấm dứt, trước khi Thắng đề nghị. Nhưng khi mất thế chủ động, Huyền rơi vào bối rối. Huyền không biết phải làm sao. Huyền thương con. Nhưng Huyền cũng thương mình nữa...

2. Huyền và Hùng

Những người đàn bà đã một lần dang dở họ sẽ sợ đàn ông. Lẽ thường là thế? Huyền sợ mình không theo lẽ thường thì khó nghĩ. Khó sống. Có thể ngay từ đầu, Thắng không phải dành cho mình? Thắng không có sự tinh tế, không có sự nhẹ nhàng, không sâu sắc như... Hùng. Cách Hùng xuất hiện, đề nghị giúp đỡ đều toát lên sự tin tưởng và an tâm. Huyền tự cảm thấy mình tội lỗi. Nhưng cứ nghĩ đến Thắng và hình ảnh người phụ nữ ở quán cà phê hôm nào Huyền lại cảm thấy có đồng minh.

Trường chuẩn bị hội diễn. Huyền tối mắt với lịch tập, lịch diễn. Thêm việc đưa đón con đi học, chợ búa... Nhiều hôm Huyền muốn khóc nhưng rồi lại thôi.

Dạo này ý nghĩ về Hùng đến nhiều hơn. Tự nhiên hơn. Sự xuất hiện của Hùng với những đứa trẻ cũng trở nên đều đặn hơn. Biết Huyền bận, Hùng tự giúp cô đón con. Những đứa trẻ cũng không có dấu hiệu gì phản đối chuyện ấy vì chúng vẫn biết đó là bạn của bố mẹ mình. Huyền nửa phản đối Hùng, nửa thầm cảm ơn Hùng. Cô đã thấm mệt với cảnh gánh cả một gia đình trên vai.

Thắng vẫn biệt tăm. Cô không liên lạc được. Lá đơn vẫn nhiều đêm khiến mắt Huyền mỏi nhức. Huyền có đôi chút nghĩ ngợi. Thắng có thể đơn phương gửi đơn đến tòa. Đâu cần phải ném lá đơn cho Huyền rồi biến mất? Vì Thắng không làm vậy nên lá đơn mỗi ngày như một chiếc gai đâm vào mắt Huyền. Đau đớn. Chữ kí của Thắng nằm ngay ngắn một bên. Rất đẹp. Huyền phải công nhận thế. Nhưng cái đẹp của nó như một niềm hân hoan thả vào một không gian lệch lạc. Huyền vẫn chưa kí. Huyền cả muốn giải phóng nhưng cả muốn giữ lại cha cho những đứa con. Huyền nửa muốn một sự khởi đầu mới nhưng nửa không biết như thế nào là mới?

Sao? Lão chồng nghệ sĩ quý báu của mày vẫn bặt vô âm tín à? Không liên lạc gì? Hử? Thế còn bố mẹ lão? Gì? Cũng không biết hả? Thôi, dùng dằng gì nữa! Mày chấm dứt đi. Thằng ấy chỉ đem lại rắc rối thôi. Tốt đẹp gì đâu!

Huyền vẫn từng ngày trôi qua trong vòng vây những ngôn từ ta thán và bộn bề suy nghĩ. Thắng vẫn mất liên lạc kể từ ngày gây sự. Hùng vẫn lặng lẽ đi qua giữa hai khoảng trời của cặp vợ chồng đang đứng bên bờ sụp đổ ấy.

Giữa một buổi chiều se gió, Huyền thư thả đi bộ đến chỗ hẹn. Chiều nay Huyền rảnh. Phố bắt đầu đón những cơn lạnh nhẹ nhàng chớm hôn vào da thịt. Thỉnh thoảng, đôi người trôi qua trước mặt cô, trong dáng hình bên nhau ấm áp. Huyền thu mình vào chiếc váy hồng chấm gót của mình. Đây là lần đầu tiên sau ngày Thắng biến mất Huyền đi uống cà phê với Hùng. Chỉ là Huyền muốn cảm ơn anh đã giúp cô trong quãng thời gian vừa qua. Thú thực, không có anh, cô không biết phải làm sao...

Huyền nhẹ nhàng mở cửa, bỏ lại mùa đông mới đến sau lưng. Trước mặt cô là Hùng đã ngồi đợi sẵn với nụ cười thân thiện trên môi. Xung quanh cô là thứ âm nhạc sang trọng và những bức tranh với gam màu ấm áp. Chúng làm Huyền nhớ đến Thắng. Nhưng Huyền lắc đầu rất nhẹ để xua ngay ý nghĩ ấy. Cô đã quyết định từ nay sẽ không nghĩ đến lá đơn kia nữa. Cô sẽ kí. Có thể, kí ngay sau khi ở quán cà phê này về nhà...

Hùng nhẹ nhàng kéo ghế mời Huyền ngồi. Cô mỉm cười đáp lại. Đã rất lâu rồi Huyền mới có cảm giác thanh thản thế này. Huyền lại thấy mình không giống lẽ thường. Liệu vậy có được không? Và rồi cô tiếp tục mỉm cười. Những ám ảnh tội lỗi bắt đầu hòa tan trong những câu hỏi, câu trả lời... Một nhạc sĩ nào đó đang lướt nhẹ những phím dương cầm. Chiếc điện thoại đã tắt chuông rung lên trong túi xách nhưng cô không biết. Nó chỉ rung lên đúng một lần. Và rồi yên lặng.

3. Thắng

Dù đã rất kiềm chế nhưng Thắng vẫn gọi cho Huyền. Dù chỉ một lần thôi, sau bao nhiêu lâu yên lặng. Và Thắng gọi. Thắng muốn nói, anh yêu cô và các con nhiều lắm. Đáp lại anh là tiếng nhạc chờ mà anh ngỡ đó là thinh không. Anh nắm chặt tay. Anh nuốt nước miếng. Cơn đau lần này ập đến nhanh hơn. Mắt anh mờ đi. Chiếc điện thoại rơi khỏi tay anh một cách vô thức. Thắng biết, đó là cuộc điện thoại không bao giờ đến đích. Nhưng có hề gì khi mà cuộc đời Thắng, có lẽ, cũng chẳng có đích đến. Anh đã có những khởi đầu có thể nói là hoàn hảo. Nhà anh giàu có. Bố anh là - từng là - người có thế lực. Dù không phải xuất sắc nhưng vài bức tranh của anh vẫn bán được. Vợ anh đẹp và có tài. Con anh ngoan hiền và khỏe mạnh. Đó có thể xem là gia tài lớn đối với bất cứ người đàn ông nào. Nhưng rồi, mọi thứ cứ lần lượt trôi qua tay anh như những giọt nước mưa luồn qua kẽ lá. Rồi anh tự hỏi, đã bao giờ mình làm được điều gì đúng đắn, tốt đẹp cho Huyền và những đứa con chưa? Anh chỉ là một gã họa sĩ thất bại. Anh là một thương nhân nửa mùa gãy gánh giữa thương trường. Thị trường không như những bức vải căng trên khung tranh cố định.

Anh tự hỏi, mình là cái ngữ gì đây? Một gã Chí Phèo thời hiện đại? Ngập ngụa trong thuốc lá và rượu bia. Giãy giụa trong sự nhụt chí và thất bại. Anh không đem lại điều gì tốt đẹp cho cái gia đình này cả. Nhất là khi anh biết mình sắp chết. Bác sĩ nói với anh. Một mình. Anh cũng giữ một mình, không nói với ai. Thắng giấu tất cả. Anh gặm nhấm nỗi lo sợ ấy trong sự hoảng hốt thật sự. Anh tư lự hơn. Anh nhìn lại cuộc đời mình hệt như gã Chí Phèo nhìn về quá khứ, suy nghĩ hiện tại và âu lo cho tương lai. Thắng hối hận vì hình như anh chỉ đem lại rắc rối cho Huyền mà thôi.

Chia tay. Giải phóng cho Huyền. Anh quyết định vậy. Có thể đó là điều tốt nhất cho cô. Anh đã chọn cách rời xa những người thân của chính mình để bảo vệ cái bí mật đổi bằng mạng sống của anh...

Huyền biết được tin sớm nhất. Họ tìm thấy đúng một tên duy nhất trong danh bạ, “Vợ Yêu”. Họ gọi theo số đó. Họ may mắn hơn Thắng vì lần này Huyền bắt máy. Nhưng điều họ đã nói với cô không phải là điều anh muốn nói. Khi cô nhận tin về Thắng, gói bưu phẩm mà anh gửi cho cô có lẽ cũng đang trên đường đến. Đó là di chúc, thẻ ngân hàng, mật mã và gần như toàn bộ tiền thưởng mà Thắng nhận được từ bức tranh anh mới bán được gần đây. Anh không dùng tiền để cứu bản thân vì anh biết là bao nhiêu cũng không đủ. Bản thân anh đã là gánh nặng rồi, Thắng không muốn cái án tử của anh thêm đè nặng Huyền và những đứa con nữa.

Thi thể của Thắng được phát hiện trong một căn phòng trọ bình dân ở ngoại ô thành phố. Đó là nơi tá túc của anh kể từ ngày sau cuối gặp Huyền, là nơi Thắng trải qua những cơn đau vật vã, cả thể xác lẫn những dằn vặt và nghĩ suy. Khi được phát hiện, gương mặt của Thắng không có vẻ như của một người mới mất vì tự vẫn. Hình như có chút mỉm cười. Ai đó chứng kiến đã xì xào như vậy. Đặc biệt là, người chết vẫn ôm trước ngực một bức phác họa chì khổ 30x40. Không ai biết đó chính là tiền thân của bức tranh mà anh vừa giành được một giải thưởng danh giá ở nước ngoài. Tên của bức phác họa được viết cẩn thận bên trên dòng ngày tháng và tên tác giả: “Hạnh phúc”.

NGUYỄN ANH DÂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nghĩ về hạnh phúc

Trước đây, có thời gian kéo dài hàng năm trời, chị là nô lệ của thói quen xem lén điện thoại của chồng, bắt đầu từ khi chị bắt gặp anh nhắn tin thân mật với một nữ đồng nghiệp.

Nghĩ về hạnh phúc
Bâng khuâng tháng Ba

Khi những cánh hoa đào vừa kịp rụng, rũ bỏ hết hương xuân còn bịn rịn, từng chùm quả nhỏ li ti bắt đầu có hình hài, cũng là lúc tháng Ba ngập ngừng về qua ngõ. Không ồn ào, không rộn rã, cứ thế mà nhẹ nhàng bước sang.

Bâng khuâng tháng Ba
Ngày quốc tế hạnh phúc (20/3): Hạnh phúc cho mọi người

Hạnh phúc là cảm giác của mỗi người, hài lòng với mọi thứ xung quanh. Mưu cầu hạnh phúc là quyền cơ bản của con người, nhưng hạnh phúc của mỗi người phụ thuộc vào môi trường xung quanh, và mỗi cá nhân đóng góp cho hạnh phúc chung của nhân loại cũng là đem lại hạnh phúc cho chính bản thân mình.

Ngày quốc tế hạnh phúc 20 3  Hạnh phúc cho mọi người
“Hạnh phúc cho em”

Sáng 16/3, hàng trăm phụ huynh và học sinh đã tham dự những hoạt động ý nghĩa trong chương trình “Hạnh phúc cho em” do Hội Bảo vệ Quyền trẻ em (BVQTE) tỉnh cùng Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp tổ chức.

“Hạnh phúc cho em”
Hạnh phúc khi đến với người nghèo

Ngoài 70 tuổi, bà Hồ Thị Châu, hội viên phụ nữ phường Xuân Phú, TP. Huế tự nhận mình là người hạnh phúc. Trên chiếc xe máy, ngày ngày bà vẫn miệt mài đi tìm và đến với người nghèo. Hơn 20 năm, bà vẫn muốn làm công việc thiện nguyện theo bà từ thời con gái. Bà Châu cũng là gương mặt phụ nữ tiêu biểu vì cộng đồng được Hội LHPN tỉnh tuyên dương năm 2023.

Hạnh phúc khi đến với người nghèo
Return to top