ClockChủ Nhật, 30/04/2017 05:51

Giữ vững bình yên

TTH - Trong thời bình, những người lính biên phòng lại lặng lẽ băng rừng, vượt suối sát cánh cùng nhân dân trong gian khó. Đổ mồ hôi và cả máu, các anh đã góp không ít công sức vun đắp cho cuộc sống ngày càng ấm no, yên bình...

Đồn Biên phòng Nhâm làm nhà hữu nghị cho dân bản Xê Sáp, Lào    

Vượt qua gian khó

Mấy chục năm đã trôi qua, nhưng trong ký ức của Trung tá Trần Văn Tuyển, Phó Chủ nhiệm chính trị Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh vẫn vẹn nguyên những ngày đầu khi anh đến nhận nhiệm vụ vận động quần chúng tại địa bàn huyện A Lưới.

Trung tá Tuyển nhớ lại: Lúc đó cuộc sống rất khó khăn, lạc hậu.  Chiến tranh để lại lượng lớn bom mìn chưa nổ. Dân lên tháo bom lấy thuốc nổ bán. Rất nguy hiểm. Đã có người cụt tay, mất chân, thậm chí mất mạng, nhưng vì bán thuốc nổ, bán phế liệu có tiền, nên dân vẫn liều. Không ít lần khi người dân đang mở bom, BĐBP đến phân tích thiệt hơn, sai đúng. Câu trả lời của dân là biết nguy hiểm nhưng vì nghèo quá nên vẫn làm. Nếu bộ đội còn muốn thuyết phục thì...cùng chết.

Vận động để dân nghe, dân “thông” là nhiệm vụ, là trăn trở. Nhưng thực tế vô cùng khó khăn. Không quản mưa nắng, đêm hôm, các anh  đến nhà dân “kề cà”, vừa “tỉ tê”, vừa xắn tay cùng dân những việc khó bằng tình cảm chân thành. “Có lần, chúng tôi đến thôn A Bả, xã Nhâm, chuyển nhà giúp cho một gia đình. Lúc đó, chân đứa con trai của chủ nhà bị nhiễm trùng nặng do xích xe đạp cuốn, nhưng vẫn nằm ở nhà, đắp lá. Chúng tôi vội đưa cháu đến trạm xá. Sau thời gian được chữa trị, chăm sóc tốt, đứa trẻ khỏi hẳn, khỏe mạnh. Gia đình xúc động lắm, từ đó, BĐBP vận động điều gì đều nghe theo”- Trung tá Trần Văn Tuyển nhớ lại.

Vất vả vượt con đường khó đi, gùi vật liệu sang xây nhà hữu nghị cho bản bạn    

Sau những ngày tháng BĐBP “bám” dân, vận động tuyên truyền những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đồng bào A Lưới yên tâm định canh định cư, ổn định cuộc sống, đồng thời là “cánh tay nối dài” giúp phát hiện, bắt các đối tượng vi phạm pháp luậ. Và dần dần, người dân không còn đi tìm bom tháo đạn mưu sinh.

Năm 1995, Đồn Biên phòng 629 (nay là Đồn Biên phòng Nhâm) được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba vì thành tích vận động Nhân dân định canh, định cư.

Hi sinh giữa thời bình

Trận lụt lịch sử tàn khốc đầu tháng 11/1999 đã đi qua từ lâu,  nhưng đối với lực lượng BĐBP tỉnh, cán bộ chiến sĩ Hải đội 2 (đóng trên địa bàn thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang), những đau thương năm đó vẫn chưa hề nguôi phai. Bởi đồng đội các anh có những người mãi mãi nằm lại lòng biển trong lúc thực hiện nhiệm vụ cứu dân.

“Lúc đó nước lớn và lên nhanh xé vỡ bờ biển Thuận An. Phú Thuận thành một cửa biển mới. Hàng nghìn hộ dân bị đe dọa tính mạng, tài sản. Với quyết tâm tất cả vì cuộc sống của Nhân dân, trong đêm tối, 2 tàu và toàn bộ cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã dũng cảm xông pha vào hiểm nguy. Sau khi cứu được 16 hộ dân ở xóm mới Hải Thành, do nước lũ ngày càng mạnh, phương tiện của ta nhỏ, công suất hạn chế nên bị lũ cuốn trôi đánh chìm. Trung úy Phạm Văn Điền và Trung sĩ Lê Đình Tư đã anh dũng hi sinh. Sau này, liệt sĩ Phạm Văn Điền được thăng quân hàm đại úy và được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân. Trung sĩ Lê Đình Tư được Chủ tịch nước truy tặng Huân chương chiến công hạng Nhất”- Đại úy Trần Quốc Toản, Chính trị viên Hải đội 2 xúc động.

“Giữa thời bình, tưởng chừng sẽ không còn hy sinh, mất mát. Thế nhưng, để bảo vệ bình an cho Nhân dân, đồng đội của chúng tôi đã mãi mãi không về. Sự hy sinh đó là động lực để chúng tôi càng quyết tâm rèn luyện, hoàn thành tốt nhiệm vụ thiêng liêng của người chiến sĩ biên phòng”- Đại úy Trần Quốc Toản nói.

Những năm qua, Hải đội 2, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã cứu kéo hàng trăm lượt tàu thuyền, hàng trăm lượt công nhân, ngư dân bị bão lũ cô lập, cuốn trôi; tìm kiếm cứu nạn, cứu sống 225 người bị nước lũ cuốn trôi hoặc bị sự cố trên biển; giúp dân phòng chống, khắc phục hậu quả sau bão lũ…12 năm liền đơn vị đạt danh hiệu Đơn vị Quyết thắng; năm 2014 được Chủ tịch nước tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất.

Giữ vững biên cương

Từ Trạm kiểm soát biên phòng Hồng Thái (thuộc Đồn Biên phòng Nhâm, đóng trên địa bàn xã Nhâm, huyện A Lưới) đến bản Xê Sáp, huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông, nước bạn Lào chỉ chừng 4 km tính theo đường chim bay nhưng đường xấu, hiểm trở, vượt núi băng đèo nên phải đi bộ mất mấy tiếng đồng hồ mới đến được bản Xê Sáp.

Trung tá Hoàng Minh Hùng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Nhâm cho biết, trước đây 35 hộ gồm 200 khẩu thuộc bản Xê Sáp sinh sống trong nội địa nước bạn. Cơn bão lớn năm 2009 làm sạt lở đất, sập nhà, nhiều người thiệt mạng, họ dời đến khu vực sát đường biên giới Việt Nam (đối diện địa bàn quản lý của Đồn Biên phòng Nhâm) sinh sống.

Đầu năm 2014, bằng nguồn vốn hỗ trợ của UBND tỉnh, Đồn Biên phòng Nhâm đã cử cán bộ chiến sĩ sang giúp bản Xê Sáp ròng rã 240 ngày công để xây dựng 13 ngôi nhà hữu nghị và 1 công trình nước sạch tự chảy trị giá hơn 200 triệu đồng. Cuối năm đó, được Bộ Chỉ huy nhất trí về chủ trương, đơn vị vận động Tổng Công ty cổ phần Thương mại miền Trung, Hội LHPN tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh, UBND huyện A Lưới tiếp tục giúp bạn xây dựng trường học trị giá 1 tỷ đồng và 10 ngôi nhà hữu nghị.

“Thời tiết khắc nghiệt, mưa nắng thất thường, đường lầy lội. Đi không lội suối trèo đèo đã vất vả, huống hồ mỗi người còn vác trên vai vật liệu tôn, cát, sỏi… Không ít lần chúng tôi trượt chân ngã, xây xước mình mẩy", Thượng úy Trần Công Lanh, Trạm trưởng Trạm kiểm soát biên phòng Hồng Thái chia sẻ. Còn Trung úy Hồ Văn Hau kể, lúc kéo ống nhựa đến dòng nước ở vị trí cao cách bản chừng 2km, men theo triền suối trơn trượt, một bên là vực, rất nguy hiểm. Nhưng Hau cười hiền bảo, BĐBP Việt Nam vất vả là để cuộc sống của nhiều bà con bạn Lào được ổn định.

 Thượng tá Hoàng Minh Hùng, người đồn trưởng bao lần từng lội suối trèo đèo sang giúp dân bản chia sẻ, xây mỗi ngôi nhà, mỗi trường học…khang trang vững chắc cho bạn, có nghĩa các anh đang thực hiện nhiệm vụ cao cả, xây dựng tình hữu nghị vững chải giữa hai nước Việt-Lào. Đó là cách mà các anh giữ bình yên nơi biên cương Tổ quốc.

Bài, ảnh: QUỲNH ANH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nữ quân nhân vươn lên trong gian khó

“Dù khó khăn vất vả đến mấy, tôi cũng sẽ không bao giờ chùn bước. Tôi sẽ cố gắng khắc phục mọi khó khăn và hoàn thành tốt các nhiệm vụ và đơn vị giao; đặc biệt chăm lo chu đáo cho gia đình mà quan trọng nhất là nuôi dạy 2 đứa nhỏ nên người để không phụ lòng của anh và đồng nghiệp, bạn bè”. Đó là những lời tâm sự trong tâm can của chị Phùng Hữu Hoàng Trang – Nhân viên - Ban Quân y, Phòng Hậu cần - vợ của liệt sĩ Tôn Thất Bảo Phúc.

Nữ quân nhân vươn lên trong gian khó
Ở lại với biên cương

Có những người lính biên phòng mấy tết liền “gác lại” nỗi nhớ cha mẹ, vợ con để ở lại lo tết ấm cho người dân, canh giữ cái tết yên vui cho bản làng nơi mảnh đất phên dậu của Tổ quốc.

Ở lại với biên cương
Ngày tết của người lính nơi biên thùy

Có dịp quây quần cùng cán bộ, chiến sĩ quân hàm xanh trong những ngày tết mới thấu hiểu tinh thần sẵn sàng chiến đấu của các anh để bảo vệ bình yên trên dải biên cương Tổ quốc.

Ngày tết của người lính nơi biên thùy
Những người lính “cắm bản”

Cán bộ địa bàn - những người lính biên phòng “cắm bản” là người kề vai sát cánh, gần gũi, thấu hiểu nhất với đồng bào vùng đất biên giới A Lưới, giúp người dân phát triển kinh tế, bảo vệ bình yên.

Những người lính “cắm bản”
Vươn lên trong gian khó

“Chồng bệnh tật, chị Nguyễn Thị Sương, Chi hội phó Chi hội Phụ nữ thôn Làng Đông, xã Lộc Hòa vẫn gầy dựng được mô hình kinh tế thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Chị cũng là người tích cực tham gia các phong trào phụ nữ”, chị Lê Thị Phương Lam, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Lộc đánh giá.

Vươn lên trong gian khó
Return to top