ClockChủ Nhật, 31/05/2020 15:42

Đường biên của tâm hồn

TTH - Có nhiều người thường ngộ nhận để dễ dàng đi đến nhận xét rằng bình thơ là công việc nghiên cứu đơn giản. Kỳ thực, việc bình thơ thực diễn hoàn toàn ngược lại. Bởi đó là quá trình thưởng thức thơ một cách trang trọng không chỉ bằng tình, bằng tâm mà còn phải bằng trí.

Bìa Đường biên thơ của Hồ Thế Hà

Thơ hay không phải là cái đẹp nhất thời mà còn là sự trao gửi tình cảm vào mai hậu, vậy nên Lưu Hiệp từng trăn trở: “Làm thơ không phải là sự phấn đấu nhất thời mà là tấc lòng gửi vào thiên cổ”. Cái đẹp phi tuyến tính ấy cũng không dễ dàng gì được đồng cảm tức thì của thế nhân. Vậy nên, người bình thơ một mặt bày tỏ sự đồng cảm của mình qua việc tiếp cảm thi nhân; một mặt tiếp tục bắc chiếc cầu thẩm mỹ đến tha nhân. Hồ Thế Hà đã cẩn mẩn trong lý thuyết và tài hoa trong cảm nhận để thể hiện vai thẩm mỹ vừa trực tiếp tiếp nhận tác phẩm, vừa gián tiếp của người làm gạch nối tác phẩm - người đọc.

Anh đã thành công ở nhiều công trình trước đây của mình: từ những nghiên cứu chung nhất về trào lưu và tác giả qua Thơ và thơ Việt Nam hiện đại, Những khoảnh khắc đồng hiện, Thơ Việt Nam hiện đại - Thi luận và chân dung,... đến những khảo luận riêng và riêng nhất qua những chân dung và tác phẩm cụ thể: Thế giới nghệ thuật thơ Chế Lan Viên, Khoảng lặng thơ... Ở đó, ta đều có thể nhận ra một Hồ Thế Hà say mê, nhiệt thành với văn nghiệp. Đường biên thơ cũng thêm một lần chứng thực điều này, và cao hơn, chứng thực cho một tinh thần lao động mà thời gian và sức khỏe dường như đã có cơ hội khả dĩ trì níu lại.

Chọn 33 bài thơ của 33 tác giả để bình trong tập sách này, theo Hồ Thế Hà, đây không phải là tác phẩm tiêu biểu của mỗi nhà thơ, mà là những bài mà anh đã từng đọc, yêu thích và sẻ chia. Sự sẻ chia đó cũng chính là mối đồng cảm của Hồ Thế Hà với các bài thơ mà anh lấy làm đối tượng để thẩm bình/giải mã.

Trong Đường biên thơ, vì không có ý hình thành một chuyên luận theo đúng nghĩa của khái niệm này, nên tùy vào từng trường hợp thơ cụ thể, tác giả chú ý đến từng cách tiếp nhận khác nhau trên nền tảng lý thuyết tiếp nhận cũng khác nhau. Có thể thấy các góc độ tiếp cận như thi pháp học, phân tâm học, mỹ học, nghệ thuật ngôn từ, ký hiệu học, đặc trưng thể loại, tư duy thơ được tác giả vận dụng khá có ý thức. Cũng có thể thấy hướng tiếp cận từ phong cách tác giả, từ loại hình và thể loại thông qua cấu trúc bề mặt và tầng sâu ngữ nghĩa tác phẩm... cũng được Hồ Thế Hà khai triển. Đó chính là sự đa dạng của việc vận dụng lý thuyết và phương pháp tiếp nhận để tránh đơn điệu và nhàm tẻ. Nhưng bình thơ còn phải huy động thêm một "lý thuyết và cách tiếp cận" khác, cái mà không tồn tại trên "đường biên" nhưng bắt buộc phải tồn tại trong bình thơ, ấy là trực giác cảm thụ. Sự nhạy bén của trực giác chính là phẩm chất tài hoa của người bình thơ.

Hồ Thế Hà đã tinh tế khi nhận định về “nỗi ngậm ngùi giờ đây đã có thêm điểm tựa tâm lý để gìn giữ, tin yêu và mơ mộng” trong bài thơ Ngậm ngùi của Huy Cận; về “những quả tình mong nhớ cũng chết theo từng cánh vàng lá rụng. Quả chỉ cần chín vừa đủ để yêu thương và mong nhớ” trong bài thơ Đề lên năm tháng của Hải Bằng; về “nỗi nhớ lây lan nỗi nhớ là cơ chế tâm lý của người lính để đồng hiện và hóa giải chính nỗi nhớ cùng những vui buồn một thời mình từng nếm trải ở chiến trường trước người yêu ngày gặp mặt” trong bài Thơ tình người đứng tuổi của Nguyễn Trọng Tạo... Đọc hết 33 bài bình trong Đường biên thơ mới thấy những mới mẻ được khám phá như vậy không hiếm, đó cũng chính là cách mà Hồ Thế Hà cộng cảm, chia sẻ và cũng chính là một trong những yếu tố quan trọng làm nên thành công trong nghệ thuật bình thơ của anh.

Nắm được hồn vía của tứ thơ, câu thơ và bằng trực giác, tri giác khai phóng, Hồ Thế Hà đã thành công trong công việc khám phá vẻ đẹp ngôn từ của từng thi phẩm. Anh đã vượt qua những giới hạn của đường biên lý thuyết, để tạo dựng nên một đường biên tâm hồn nhằm nối thêm những rung cảm thẩm mỹ cho việc tiếp nhận thi ca. Quan trọng nhất, Hồ Thế Hà không say sưa một cách chủ quan qua những phát hiện của mình, mà luôn ý thức về “một vai” ẩn sau quá trình tiếp nhận đó, chính là hình bóng, tình cảm của người đọc. Do vậy, từ “khoảng lặng” đến “đường biên”, Hồ Thế Hà đã tạo nên mối đồng cảm tương hợp: đồng cảm với bài thơ/tác giả; và đồng cảm với người vắng mặt/độc giả, đó cũng chính là “đường biên của tâm hồn” làm nên giá trị thẩm mỹ của tập sách này vậy.

Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯỚC HẢI TRUNG

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Học sinh nghiên cứu khoa học

Phong trào nghiên cứu khoa học trong học sinh với nhiều đề tài có tính ứng dụng cao đã góp phần đổi mới hình thức tổ chức dạy học, phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh, nâng cao chất lượng dạy học trong các cơ sở giáo dục trung học.

Học sinh nghiên cứu khoa học
Nghiên cứu khoa học công nghệ: Xuất phát từ thực tiễn và phục vụ lại thực tiễn

Để tạo ra một sản phẩm khoa học công nghệ (KHCN) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, các nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn. Và, kết quả nghiên cứu KHCN đòi hỏi phải quay trở lại phục vụ thực tiễn cuộc sống, được chuyển giao, ứng dụng, thương mại hóa để không lãng phí tiền tài, kỳ vọng.

Nghiên cứu khoa học công nghệ Xuất phát từ thực tiễn và phục vụ lại thực tiễn
Để tâm hồn nhẹ nhàng như sông Hương

Nhiều du khách một lần đến Huế rồi trót thương Huế bởi Cố đô giờ “thay da nhưng không đổi thịt”. Giữa sự phát triển của một mảnh đất giàu tiềm năng du lịch, cái bình yên của miền Hương Ngự còn đó đang chữa lành hoặc ít nhất làm gác lại những lo âu, trăn trở mà cuộc sống lỡ dúi vào tay người.

Để tâm hồn nhẹ nhàng như sông Hương
Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm khoa học công nghệ

Chiều 18/1, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo (ĐMST) năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 và hội thảo "2 năm thực hiện chương trình hành động của UBND tỉnh về xây dựng Trung tâm KHCN, kết quả và giải pháp". Tham dự có ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; bà Phạm Thị Minh Huệ, UVTV Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương, đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn...

Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm khoa học công nghệ
Return to top