ClockThứ Bảy, 24/06/2017 06:01
PHÁT TRIỂN DU LỊCH SINH THÁI PHÍA BẮC PHONG ĐIỀN:

Động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội

TTH - Cách TP. Huế khoảng 40 km về phía bắc, các xã Phong Hòa, Phong Bình và Phong Chương có hệ thống các hồ nước ngọt rộng bao la (người dân thường gọi là trằm, bàu), bao bọc bởi các trảng cát, dải rừng ngập nước. Nơi đây có hệ sinh thái động, thực vật phong phú, đa dạng, cảnh quan thiên nhiên thơ mộng và vẫn còn nguyên vẻ hoang sơ, rất phù hợp cho việc phát triển du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng.

Trằm Bàu Bàng nhìn từ trên cao

Tiềm năng

Tại xã Phong Hòa có trằm Mỹ Xuyên, trằm Ông Môi, trằm Niêm, trằm Thiềm. Tại xã Phong Bình có trằm Bàu Bàng (trằm Nải), trằm Giàng, trằm Sen… Các trằm, bàu trên có diện tích rộng15 - 50ha, bao bọc bởi các rùng cây ngập nước, rừng cây bản địa. Với không khí mát lành, nước hồ trong xanh, đây là sẽ điểm đến lý tưởng với những ai ưa thích khám phá.

Theo ông Nguyễn Ngọc Khánh, Chủ tịch UBND xã Phong Bình, trên các trằm, bàu có nguồn thủy sản phong phú, với khoảng 50 loài cá tự nhiên. Xung quanh các trằm, bàu là những rú cát với những rừng cây bản địa phong phú chủng loại, như: Song mã, dẻ, sơn huyết, tràm… Ngoài ra, có nhiều loại động vật quý hiếm như: sâm cầm, gà nước, vịt trời, cáo, chồn, thỏ, heo rừng… lưu cư, sinh sống. Chính quyền địa phương đã và đang ra sức bảo vệ rừng cây bản địa, những loại thú quý hiếm, cấm chặt phá, săn bắn. Nhờ vậy, hệ sinh thái vẫn được bảo tồn tốt đến ngày hôm nay.

Vùng cát nội đồng xen kẽ giữa các trằm, bàu trong 2 cuộc kháng chiến là căn cứ cách mạng của quân và dân ta.Những khe suối tự nhiên và đào đắp, cải tạo để làm nơi ẩn nấp và chiến đấu của du kích (đang còn lưu giữ) là minh chứng cho những trận chiến ác liệt đã qua. Ngày nay, các trằm, bàu trên được xây dựng đập, nguồn nước luôn dồi dào, kể cả mùa hè nắng nóng - là điều kiện tốt để xây dựng các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tổng hợp với các loại hình du lịch, giải trí, trải nghiệm…

Dự án điều tra, đánh giá tiềm năng cho phát triển du lịch sinh thái- nghỉ dưỡng ở khu vực đông bắc của huyện Phong Điền năm 2015 đã khẳng định: hệ thống các hồ nước, vốn là đầm phá cổ bị lụi tàn là các trằm nước ngọt được bao bọc bởi các trảng cát, các dải rừng ngập nước, liên kết bởi hệ thống sông Ô Lâu và phá Tam Giang. Nơi đây được coi là như là hệ sinh thái ngập nước khá điển hình của tỉnh, có cảnh quan thiên nhiên độc đáo và hệ động thực vật hết sức phong phú. Thống kê có khoảng 900 loài động thực vật sinh sống, lưu cư trong đó có hơn 50 loài chim, động thực vật được ghi trong danh sách bảo vệ nghiêm ngặt của thế giới. Hàng năm, có khoảng 57 loài chim trú đậu; trong đó, có 22 loài được ghi trong danh sách bảo vệ nghiêm ngặt của cộng đồng châu Âu.

Việc hình thành các khu du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng ở các trằm, bàu sẽ là hạt nhân kết nối với các điểm du lịch sinh thái, văn hóa ở khu vực này như: làng cổ Phước Tích, làng nghề rèn Mỹ Xuyên (Phong Hòa), làng Đệm bàng Phò Trạch, làng bánh khô (Phong Bình)… Ngoài ra, du khách có thể tham quan các di tích cấp Quốc gia, như: Lăng mộ và nhà thờ Nguyễn Tri Phương (Phong Chương), lăng mộ Trần Văn Kỷ (Phong Bình)… cùng những trải nghiệm ở khu đất ngập nước của sông Ô Lâu, phá Tam Giang và bãi biển Điền Lộc…

Xúc tiến kêu gọi đầu tư

Tuy được thiên nhiên ưu đãi với nhiều cảnh quan đẹp, nhưng các trằm, bàu vẫn chưa được đầu tư khai thác phục vụ du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí. Ông Trần Văn Bân, Bí thư Đảng ủy xã Phong Hòa cho biết, các trằm, bàu rất gần với khu dân cư, đường sá vào nơi này rất thuận tiện và đã được bê tông hóa. Tại các trằm, bàu cứ tùy vào mùa có rất nhiều chim, cò đến cư ngụ. Nếu phát triển du lịch sinh thái, khu vui chơi giải trí ở các trằm, bàu sẽ tạo động lực để phát triển các loại hình dịch vụ, nâng cao đời sống cho người dân.

Theo ông Nguyễn Ngọc Khánh, Chủ tịch UBND xã Phong Bình, các trằm, bàu trên địa bàn, nhất là trằm Bàu Bàng là địa điểm lý tưởng để xây dựng và phát triển du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng. Địa phương mong muốn các tổ chức, cá nhân có tiềm lực kinh tế đầu tư khai thác loại hình du lịch này.

Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền chia sẻ: "Thời gian qua, huyện đã tích cực trong công tác quy hoạch, kêu gọi đầu tư phát triển du lịch tại khu vực này với mục đích khai thác các tiềm năng, thế mạnh, bảo vệ các tài nguyên thiên nhiên, tạo việc làm cho dân bản địa; đồng thời có kế hoạch sử dụng ngân sách và huy động nguồn lực để đầu tư hệ thống hạ tầng cơ bản như hệ thống giao thông, cấp điện, cấp nước... Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi trên địa bàn tỉnh, huyện; tiếp cận môi trường đầu tư kinh doanh thân thiện, thông thoáng, minh bạch, nguồn lao động dồi dào… Hy vọng, khu vực này sẽ được khai thác, đưa vào sử dụng và là điểm đến lý tưởng, hấp dẫn trong tương lai gần.

Bài, ảnh: HẢI HUẾ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gắn hoạt động tín dụng chính sách với thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội

Đó là yêu cầu của UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện HĐQT Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh, ông Nguyễn Thanh Bình tại phiên họp Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh nhằm đánh giá kết quả hoạt động quý I/2024 và triển khai nhiệm vụ các tháng còn lại năm 2024, tổ chức chiều 17/4.

Gắn hoạt động tín dụng chính sách với thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội
IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa nâng triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm nay, đồng thời duy trì dự báo ảm đạm trong trung hạn, theo dữ liệu mới được công bố ngày 16/4.

IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu
Return to top