ClockThứ Sáu, 19/04/2019 14:15

Điều chỉnh chương trình phù hợp để giảm tỷ lệ sinh viên bỏ học

TTH - Vào đại học (ĐH) là lựa chọn của bản thân, song con số hàng chục, thậm chỉ cả trăm sinh viên (SV) nghỉ học mỗi năm tại các trường là thực trạng đáng suy nghĩ.

Tuyển sinh 2019: Thí sinh học lực giỏi mới được xét tuyển vào ngành sư phạm, y đa khoa

Tình trạng bỏ học chủ yếu xảy ra đối với sinh viên năm thứ nhất do lựa chọn chưa đúng ngành nghề (Ảnh minh họa)

Nhiều lý do

Thống kê từ Ban Công tác học sinh – sinh viên ĐH Huế cho thấy, năm học 2016 – 2017 có 186 SV nghỉ học tạm thời và 845 SV thôi học (chiếm khoảng 2.26% (tổng nghỉ học tạm thời và thôi học) - quy mô ĐH Huế số lượng SV lớn). Con số này trong năm học 2017 – 2018 lần lượt là 271 và 1.542 (khoảng 4.16%). Chỉ tính riêng học kỳ 1 năm học 2018 – 2019, đã có 170 SV nghỉ học tạm thời và 541 SV thôi học (1.78%).

Trả lời câu hỏi vì sao bỏ học, nhiều trường hợp lý giải do muốn học nghề, nghỉ để ôn thi chuyển sang ngành khác… “Điều kiện gia đình khó khăn nên em nghỉ học để đi làm kiếm tiền"- N.T.M.L, một SV nghỉ học chia sẻ.

Thực ra, kết quả học tập của họ lại phản ánh nguyên nhân khác. Đa phần SV bỏ học có kết quả học tập không tốt. Đáng nói, trong tỷ lệ chung SV bỏ học, số lượng SV năm thứ nhất chiếm tỷ lệ cao. “Có năm tại trường có khoảng 150 SV nghỉ học thì có đến khoảng 75 – 80 SV năm nhất (chiếm khoảng 5 - 7% tổng số viên năm nhất)”, ThS. Trần Võ Văn May, Trưởng phòng Công tác sinh viên (CTSV), Trường ĐH Nông lâm trăn trở.

Khảo sát của các trường cho thấy, có không ít nguyên nhân khiến SV bỏ học, đầu tiên phải kể đến là nhiều SV lựa chọn sai ngành nghề trong quá trình đăng ký xét tuyển ĐH. Thực trạng này xuất phát từ việc họ chưa tìm hiểu kỹ thông tin ngành học phù hợp với mong muốn và khả năng bản thân, từ đó kết quả học tập không cao rồi chán nản.

Theo đại diện phòng CTSV một số trường, ngoài lý do từ phía SV thì công tác giáo dục, định hướng nghề nghiệp cho SV lúc mới vào học tại một số trường chưa tốt. Chương trình đào tạo một số ngành còn nặng tính đại cương trong 1 – 2 năm học đầu tiên, trong khi đó phần đông sinh viên lại ít thích các môn đại cương.

Nguyên nhân khác được các chuyên gia chỉ ra là do công tác giáo dục kỹ năng sống cho học sinh tại các trường phổ thông còn hạn chế. Khi thay đổi môi trường học tập, sinh hoạt tự lập SV chưa thích nghi ảnh hưởng việc học và nảy sinh tâm lý chán nản.

Hiện nay, mặt trái của những trào lưu mới lôi kéo một số SV tự “cắt giảm” giờ học, hay quan niệm học ĐH ra cũng thất nghiệp dẫn đến tình trạng SV không còn đặt ưu tiên hàng đầu cho việc học. "Tình trạng SV ngoại trú bỏ học khá nhiều, một phần do thiếu sự quản lý của phụ huynh", TS. Nguyễn Quang Phục, Trưởng phòng CTSV, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Huế trăn trở.

Đồng bộ giải pháp

Không riêng gì ở Huế, tình trạng SV bỏ học diễn ra tại nhiều ĐH trong nước, kể cả ĐH Quốc gia. Năm 2018, tại tọa đàm trực tuyến “Đổi mới thi cử - Thực tiễn và những vấn đề đặt ra” do Báo Đại Biểu Nhân Dân tổ chức, đại diện ĐH Quốc gia Hà Nội đưa ra con số đáng trăn trở là hai năm gần đây, mỗi năm có khoảng 10% SV bỏ học sau khi hết năm học đầu tiên. SV bỏ học, ngoài ảnh hưởng đến các trường thì bản thân họ cũng lãng phí thời gian, tiền bạc, thậm chí muốn thi lại vào ngành khác thì cơ hội đậu ĐH thấp hơn.

Trong vấn đề này, vai trò SV quan trọng và họ cần phải xác định mục tiêu khi chọn học ĐH và lựa chọn đúng ngành nghề bản thân yêu thích và phù hợp khả năng. Học sinh cần nắm bắt cơ hội tại trường học để rèn luyện kỹ năng, đồng thời phải xác định những kế hoạch học tập, sinh hoạt hợp lý để làm quen với môi trường chuyển tiếp từ phổ thông lên ĐH. PGS.TS. Võ Thanh Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học cho rằng, điều quan trọng là các trường THPT nên tăng cường định hướng cách chọn ngành học sớm cho học sinh.

Rõ ràng, tình trạng sinh viên bỏ học năm nào cũng xảy ra trong khi hiện nay tuyển sinh ngày càng khó khăn do cạnh tranh, vì thế ĐH Huế và các trường cần có những giải pháp thực sự hiệu quả. Hằng năm, ĐH Huế và các trường có rất nhiều chương trình tư vấn tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp. Đã đến lúc cần phải có những điều chỉnh để định hướng thí sinh chọn đúng ngành nghề phù hợp với họ, chứ không đơn thuần để thu hút thí sinh về trường của mình. Điều này cũng cần sự phối hợp tốt giữa trường ĐH và các trường THPT.

Các cơ sở đào tạo ĐH cần có những khảo sát, điều chỉnh chương trình, phương pháp giảng dạy phù hợp. Trong đó cần linh động điều chỉnh chương trình, đưa một số môn gần với kiến thức chuyên ngành vào giảng dạy trong các năm đầu theo cơ cấu phù hợp. Giải pháp đó cùng với việc để SV tiếp xúc doanh nghiệp trong các ngày hội định hướng việc làm sẽ giúp họ yêu ngành nghề và an tâm theo đuổi ngành học.

Các trường đều có đoàn hội, câu lạc bộ, đội, nhóm. Cần mở ra thêm các sân chơi để phát triển kỹ năng cho SV, tránh các môi trường gây sao nhãng học tập.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó

Ngày 14/4, tại Công viên Tứ Tượng (TP. Huế), Quỹ Giáo dục Huế hiếu học (Quỹ) tổ chức trao học bổng học kỳ 2 năm học 2023 – 2024 cho các sinh viên, học sinh nghèo, vượt khó vươn lên trong học tập. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân.

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó
“Ngôi nhà 5.000 đồng”

Bằng việc huy động đóng góp của mỗi sinh viên chỉ 5.000 đồng và từ đó, “Ngôi nhà 5.000 đồng” đầu tiên đã được hình thành, giúp sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vững niềm tin với giấc mơ đại học của mình.

“Ngôi nhà 5 000 đồng”
Khi người học được “chấm điểm” người dạy

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 01) về chuẩn cơ sở giáo dục đại học; trong đó, có một tiêu chí rất được quan tâm là tỷ lệ người học hài lòng với giảng viên về chất lượng và hiệu quả giảng dạy không thấp hơn 70%.

Khi người học được “chấm điểm” người dạy
Return to top