Thể thao

Để thể thao đỉnh cao bay xa

ClockThứ Tư, 26/10/2016 05:46
TTH - Làm thế nào để thể thao thành tích cao (hay còn gọi là đỉnh cao) khẳng định vị thế trên bản đồ thành tích quốc gia không còn là chuyện mới. Nó sẽ càng không mới nếu cứ theo “lối mòn”…

Những gương mặt tiêu biểu, góp phần giúp thể thao Huế tiến bộ trong thời gian gần đây

Lối mòn ở đây là những người làm thể thao chỉ tập trung giải quyết chế độ lương, thưởng, đãi ngộ cho VĐV cũng như đẩy mạnh phong trào với tư duy: “Muốn thể thao đỉnh cao mạnh thì phong trào phải mạnh”. Tất nhiên, đó là những việc nên làm. Tuy nhiên, kể cả khi làm tốt vấn đề này thì những băn khoăn, âu lo vẫn còn đó. Và nó vô hình chung khiến thể thao Huế bước chậm so với các tỉnh, thành khác.

Kinh phí có phải là nguyên nhân chính?

Kinh phí dành riêng cho thể thao hạn chế là chuyện có thật nhưng “than” cứ “than” nhưng gần đây, thành tích thể thao đỉnh cao Huế vẫn có tiến bộ đáng kể.

Nếu tính từ khi Đề án phát triển thể thao thành tích cao được triển khai (giai đoạn 2013 – 2015 và 2016-2020), năm 2015, thể thao Huế gặt hái đến 7 HCV tại một số giải đấu cao nhất cấp quốc gia, và đến thời điểm này (cuối tháng 10/2016), Huế đã đem về 6 HCV vô địch quốc gia (vật 5 HCV, Karatedo 1 HCV) và còn đến 4 môn chưa thi đấu.

Giải quyết tốt đầu ra sẽ giúp VĐV yên tâm cống hiến

Vậy điều này nói lên cái gì? Đó là trong điều kiện kinh phí hạn hẹp nhưng những người làm thể thao vẫn cố hết sức để thành tích thể thao của Huế không bị tụt lùi so với tỉnh, thành bạn; đó là sự nỗ lực, cố gắng phấn đấu hết mình của VĐV, HLV và cả các bậc phụ huynh.

Tiếc là, tiến bộ của thể thao Huế xem ra vẫn chưa đủ sức áp đảo rõ rệt với một số tỉnh, thành khu vực miền Trung – Tây Nguyên, chứ chưa nói đến cả nước hay ở các đấu trường lớn hơn như SEA Games hay ASIAD.

Ở một khía cạnh khác, bấy lâu nay chúng ta cứ cho rằng, muốn thể thao thành tích cao phát triển thì trước hết phải có phong trào mạnh. Điều này không sai, nhưng đó là trên lý thuyết. Còn thực tế chưa hẳn như vậy.

Karatedo ở Huế có phong trào mạnh và rộng, có thể nói là phủ sóng không chỉ các huyện, thị trên địa bàn tỉnh mà còn lan tỏa ra toàn quốc và cả ở nước ngoài. Nhưng, tính cả thời kỳ hoàng kim cho đến nay thì có được mấy VĐV vang danh trên đấu trường khu vực hay châu Á?!

Hay như bơi lội. Là địa phương có hệ thống sông, hồ, biển khá dày, bể bơi hiện đại đạt chuẩn cũng không ít, số người và số lượt tham gia tập luyện phải tính đơn vị ngàn trở lên, vậy nhưng nếu chỉ ra một VĐV từ tuyển bơi Huế xứng danh là “kình ngư” thì chưa có.

Theo lý giải của Trưởng bộ môn Karatedo Huế - Lê Văn Lộc, ở thể thao phong trào, nhiều người tham gia hoặc phụ huynh cho con em mình tham gia chủ yếu là để giải trí, rèn luyện sức khỏe và chắc chắn, nó không ảnh hưởng gì đến tương lai, sự nghiệp. Nhưng nếu đặt vấn đề cho con em của họ theo thể thao chuyên nghiệp thì 10 người hết 9 người rưỡi lắc đầu.

Còn Giám đốc Trung tâm Thể thao dưới nước Bùi Thanh Dũng cho rằng, dù cơ sở vật chất, đãi ngộ tương đối tốt nhưng tố chất VĐV Huế ở môn bơi lại không được như các môn võ, vật. Nguyễn Thị Thuận là một ví dụ. Khi còn là VĐV, Thuận từng giành HCB SEA Games. Tuy nhiên, tiếng là “quân” của Huế nhưng Thuận là người Quảng Bình và đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có VĐV bơi nào người Huế vượt qua được thành tích của Thuận.

Hai cách giải thích khác nhau nhưng điểm qua để thấy, nguyên nhân thể thao thành tích cao chưa như mong muốn do thiếu kinh phí chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Và ở góc độ khác, phong trào mạnh chưa hẳn thể thao đỉnh cao đã mạnh.

Giải quyết tốt “đầu ra”

Tương lai hay nôm na là đầu ra khi giải nghệ là chuyện luôn khiến các bậc phụ huynh và VĐV âu lo khi theo nghiệp thể thao. Mà đã âu lo thì làm sao toàn tâm toàn ý đóng góp, giúp thể thao tỉnh nhà khẳng định vị thế ?!

P.V.C – VĐV tuyển vật chia sẻ: “Em theo vật đã được 10 năm. Hai năm liên tiếp vô địch quốc gia vật tự do, HCV vô địch trẻ Đông Nam Á cùng khá nhiều huy chương ở một số giải đấu khác, em được phong kiện tướng cấp quốc gia. Nay đã 25 - 26 tuổi, nhưng hiện vẫn chưa biết khi giải nghệ có tìm được việc làm hay không…”.

Cũng âu lo về tương lai của con mình sau thời gian theo nghiệp VĐV nên chị Thúy Hằng lại tìm hướng đi khác. “Trước đây, con tôi (Nam Trung) là VĐV tuyển trẻ quốc gia Taekwondo. Sau một thời gian theo nghiệp thể thao tôi khuyên cháu giải nghệ và tập trung vào việc học. Không có bằng đại học thì khi giải nghệ, tương lai sẽ như thế nào nếu không xin được việc làm”.

Không chỉ với VĐV và phụ huynh, qua nhiều lần trò chuyện, không ít người trong ngành thể thao vẫn thừa nhận rằng họ chỉ hướng con em mình theo thể thao ở góc độ quản lý, giảng dạy chứ không khuyến khích theo nghiệp VĐV, bởi khi giải nghệ thì tương lai quá bấp bênh. Những người trong ngành thể thao đã nhận định vậy thì huống gì những người ngoài ngành, những người chỉ xem thể thao là “tay trái”, có cũng được, không có cũng chẳng sao.

Không phải VĐV nào sau khi giải nghệ cũng băn khoăn về tương lai. Có thể liệt kê một số VĐV sau khi giải nghệ được ngành thể thao tiếp nhận, như: Thuận Hóa, Huỳnh Cư, Nguyệt Hằng, Quang Sơn hay Đỗ Thị Bông, Hà Kiều Trang, Nguyễn Thanh Sơn… Tất nhiên, để được tiếp nhận thì bên cạnh thời điểm, cơ chế trong tuyển dụng cán bộ, thì VĐV phải có những cống hiến xứng đáng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp TDTT Hồ Đắc Quang nhận định.

Nhưng nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận những đóng góp của nhóm VĐV (xin tạm gọi như vậy) có thành tích thấp hơn. Nếu giải quyết tốt vấn đề đầu ra thì các VĐV sẽ yên tâm cống hiến, các phụ huynh yên tâm cho con mình theo nghiệp thể thao, cũng như là cơ sở để thu hút nhân tài cho thể thao Huế. Ví như, có thể phối hợp và ra quy định (bằng văn bản hẳn hoi), bên cạnh những VĐV đạt thứ hạng trong ba vị trí đứng đầu thì những VĐV xếp sau (từ thứ 4 – 8 chẳng hạn) ở một số giải đấu lớn như ASIAD, SEA Games, vô địch quốc gia… sẽ được hưởng những ưu đãi như: miễn học phí đại học, các lớp đào tạo nghề; hưởng học bổng; hỗ trợ y tế; hỗ trợ pháp lý trong lúc tìm kiếm việc làm...

Ngoài ra, trên thực tế không ít địa phương đều “than” thiếu nhân lực, thiếu đội ngũ chuyên trách thể thao mỗi khi thành tích không tiến bộ. Một bên thiếu nhân lực, một bên có chuyên môn lại thất nghiệp khi giải nghệ, vậy tại sao không kết hợp 2 chuyện này để bổ khuyết cho nhau?!

Bài, ảnh: VÕ NHÂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Liên kết hữu ích

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngày hội văn hóa thể thao dành cho người khuyết tật

Ngày 20/4, tại xã Vinh Thanh (Phú Vang), Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Hòa nhập (RCI) tổ chức ngày hội văn hóa thể thao dành cho người khuyết tật. Tham dự tại có Đại diện văn phòng RCI cùng hơn 50 người khuyết tật và người chăm sóc trên địa bàn các xã Vinh Thanh, Vinh An, Vinh Xuân, Vinh Hà và Phú Gia.

Ngày hội văn hóa thể thao dành cho người khuyết tật
Chạy vì những ngôi trường xanh

Từ những bước chạy để rèn luyện sức khỏe gắn với ý tưởng phủ xanh bóng cây ở các ngôi trường, hàng ngàn cây xanh đã được trồng mới với chương trình “Chạy vì những ngôi trường xanh”.

Chạy vì những ngôi trường xanh
Bóng đá ở làng

Từ trẻ em đến người lớn, từ cánh mày râu đến chị em phụ nữ, trái bóng tròn đã gắn kết tình làng nghĩa xóm, nâng cao tinh thần thể dục thể thao tại thôn Giáp Kiền (xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà).

Bóng đá ở làng
Đóng thế

Còn đến 2 trận đấu nữa vòng loại thứ 2 World Cup 2026 khu vực châu Á mới hạ màn, nhưng với thất bại nặng nề 0 - 3 trước Indonesia trên sân Mỹ Đình, HLV Philippe Trousser đã sớm phải kết thúc hợp đồng dẫn dắt cả 2 đội tuyển Quốc gia và tuyển U23 Quốc gia Việt Nam.

Đóng thế
Return to top