ClockChủ Nhật, 30/04/2017 13:26

Dấu ấn kinh tế

TTH - 42 năm sau ngày giải phóng, Thừa Thiên Huế từng bước trở thành tỉnh có nền kinh tế phát triển ổn định. Các ngành công nghiệp, xây dựng, thủy sản, công nghệ thông tin… đều tạo được dấu ấn riêng.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao (ngoài cùng, bên phải) khảo sát Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô

Nhiều thêm những nhà máy...

Sau ngày đất nước thống nhất, tỉnh đã bắt tay khôi phục và đầu tư xây dựng một số nhà máy, những lĩnh vực kinh tế có thể đem lại sự bứt phá về kinh tế-xã hội.

Với nhiều nỗ lực, một năm sau ngày giải phóng, nhà máy vôi Long Thọ đã hoạt động trở lại, với số vốn ban đầu chỉ 37.000 đồng. Đến năm 1977, Nhà nước đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất xi măng lò đứng, với công suất thiết kế ban đầu 20.000 tấn, cung cấp xi măng phục vụ xây dựng các công trình thiết yếu và dân dụng. Sau đó, Nhà máy xi măng Long Thọ được đầu tư nâng công suất, chuyển đổi công nghệ, ngoài xi măng, còn sản xuất thêm nhiều sản phẩm khác như gạch lát terrazzo, ngói màu, gạch block… Hiện nay, xi măng Long Thọ và các loại gạch, ngói khác có mặt khắp các tỉnh khu vực miền Trung và cả nước.

Sau Long Thọ, một loạt các nhà máy khác cũng được đầu tư xây dựng như Nhà máy xi măng Luks, Nhà máy xi măng Đồng Lâm…, mở ra thời kỳ mới trong sản xuất xi măng theo công nghệ mới, vừa đáp ứng nhu cầu thị trường, vừa góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương cũng như đóng góp đáng kể cho nguồn thu ngân sách.

Nhiều lao động có việc ổn định từ lĩnh vực công nghiệp

Tạo được dấu ấn và đem lại nguồn thu “khủng” và ổn định cho ngân sách hiện nay phải kể đến Nhà máy bia Huế. Một vị nguyên lãnh đạo tỉnh kể về việc thành lập Nhà máy bia Huế trước đây rất khó khăn. Thời điểm khoảng trước năm 1990, nhiều người cho rằng việc góp vốn xây nhà máy bia là điều không tưởng, vì nó có tính chất phục vụ tầng lớp giàu có, ăn chơi, trong khi nền kinh tế đang khó khăn, mấy người dư dả để nghĩ đến thức uống được cho là xa xỉ này.

Với quyết tâm của lãnh đạo tỉnh, sự ủng hộ từ Trung ương, việc thành lập nhà máy bia được tiến hành vào khoảng năm 1990, với công suất thiết kế ban đầu là 3 triệu lít/năm, sản phẩm chủ yếu mang tên bia Huda. Sau này, nhà máy bia sản xuất thêm nhiều sản phẩm mới, công suất liên tục được nâng lên và hiện nay là 150 triệu lít/năm, có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố lớn trên cả nước và xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Công ty TNHHTM Carlsberg VN hiện có mức đóng góp cho ngân sách đứng đầu trong số 5.000 doanh nghiệp trên địa bàn.

Sơ chế mực xuất khẩu

Trước đây, việc nuôi trồng thủy hải sản chủ yếu là tự cung, tự cấp hoặc có chế biến, xuất khẩu nhưng không đáng kể. Hiện, ngoài xuất khẩu đi các nước châu Âu, nhiều mặt hàng thủy hải sản của Thừa Thiên Huế như tôm, mực, các loại cá đã trở thành nguyên liệu chế biến các món ăn nổi tiếng ở nước ngoài và được khách hàng ưa chuộng.

Các mặt hàng như dăm gỗ, sợi, dệt may... cũng là những thế mạnh khác về xuất khẩu, đã và đang đóng góp một phần không nhỏ cho ngân sách và giải quyết việc làm cho người lao động. Đây cũng là những ngành đang được ưu tiên kêu gọi đầu tư.

Nhờ mạnh dạn đầu tư vào những lĩnh vực có thế mạnh đó, cơ cấu kinh tế tỉnh ngày càng chuyển dịch đúng hướng. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân tăng qua các năm, bình quân 5 năm (giai đoạn 2011-2016) đạt gần 10%, vượt chỉ tiêu so với nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra. Đây là mức bình quân cao so với cả nước. Riêng giai đoạn từ 2009-2013, tốc độ tăng trưởng kinh tế có lúc đạt hơn 12,5%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng kéo theo tổng sản phẩm bình quân trên đầu người tăng, từ 1.150 USD/người/năm 2010 lên 2.200 USD/người/năm hiện nay.

Thu ngân sách nhà nước cũng đạt những dấu mốc quan trọng. Trong vòng 5 năm trở lại đây, năm nào nguồn thu ngân sách đều đạt và vượt kế hoạch. Năm 2015, ngành Thuế Thừa Thiên Huế ghi dấu mốc quan trọng khi cán đích con số thu hơn 5.000 tỷ đồng, đứng vào top những tỉnh có nguồn thu ổn định. Con số này không ngừng tăng lên trong năm 2016, với số thu hơn 6.000 tỷ đồng, dự kiến năm nay, số thu sẽ còn cao hơn khoảng 10-15%.

Không nóng vội

Hàng năm, kinh tế-xã hội tỉnh đều có mức tăng trưởng tốt. Riêng 3 tháng đầu năm nay, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt hơn 3.000 tỷ đồng, tăng hơn 100 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2016; thu ngân sách đạt 1.430 tỷ đồng, tăng khoảng 100 tỷ đồng so với cùng kỳ; chỉ số phát triển công nghiệp tăng gần 11%; giá trị xuất khẩu đạt 168 triệu USD; doanh thu du lịch tăng 6,5%...

Lãnh đạo tỉnh xác định, Thừa Thiên Huế không phát triển nóng vội, không tăng trưởng nóng mà phải tạo dấu ấn riêng; do đó, cơ cấu kinh tế từ lâu đã được xác định phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững. Việc lựa chọn các nhà đầu tư, các dự án cũng theo hướng này.

Ngoài đầu tư các lĩnh vực công nghiệp, tỉnh đang tập trung kêu gọi và dành kinh phí từ ngân sách để đầu tư hạ tầng giao thông, tạo bước đột phá. Một loạt các dự án về hạ tầng giao thông đã và đang được đầu tư, kêu gọi đầu tư như các bến cảng tại Cảng nước sâu Chân Mây, mở rộng nâng cấp sân bay Phú Bài, đường cao tốc Cam Lộ-Tuý Loan…

Hiện, lĩnh vực được ưu tiên đầu tư là du lịch, dịch vụ và các ngành nghề công nghệ cao, ít tác động đến môi trường. Đã có khá nhiều dự án triển khai thành công ở Thừa Thiên Huế, song mong muốn của lãnh đạo tỉnh không chỉ là biến ngành công nghiệp không khói thành ngành kinh tế mũi nhọn mà còn là địa phương đi đầu trong khu vực và cả nước phát triển du lịch dịch vụ chất lượng cao, là điểm đến hàng đầu được ưu tiên lựa chọn như mong muốn, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhân chuyến thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh hồi đầu năm nay.

Ngành nông nghiệp cũng đang được ưu tiên đầu tư theo hướng này bằng những cách đồng mẫu lúa chất lượng, rau củ quả được trồng theo hướng tinh giảm các loại phân bón thuốc trừ sâu hoá học, thay vào đó là các loại phân bón, thuốc trừ sâu hữu cơ, thảo dược để đảm bảo sức khoẻ cho người tiêu dùng.

Tin vui mới đây, Tập đoàn Vingroup đã hỗ trợ đầu tư cho Thừa Thiên Huế trung tâm chuyển giao công nghệ giúp nông dân vừa có thêm công nghệ trồng rau sạch, vừa thu mua sản phẩm của nông dân. Đây cũng là lĩnh vực mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lưu ý Thừa Thiên Huế tập trung đầu tư phát triển trong thời gian tới. Điều này đã được Bí thư Tỉnh uỷ Lê Trường Lưu tiếp thu tại buổi tiếp và làm việc với đoàn công tác của Chính phủ và hứa sẽ cố gắng thực hiện trong giai đoạn hiện nay và các năm tiếp theo.

Bài, ảnh: Tâm Huệ

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dấu ấn khuyến nông

Dù có những lúc thăng trầm, nhưng đến thời điểm này ngành nông nghiệp tỉnh đã có bước chuyển mình đáng ghi nhận, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Trong sự chuyển biến chung đó phải kể đến dấu ấn quan trọng của hoạt động khuyến nông.

Dấu ấn khuyến nông
KỶ NIỆM 8 NĂM RA MẮT HỢP TÁC MEKONG - LAN THƯƠNG VÀ TUẦN LỄ MEKONG - LAN THƯƠNG NĂM 2024
Chung tay xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai giữa các nước Mekong - Lan Thương

LTS: Kỷ niệm 8 năm ra mắt Hợp tác Mekong - Lan Thương và Tuần lễ Mekong - Lan Thương năm 2024, Báo Thừa Thiên Huế giới thiệu bài viết của bà Đổng Bích Du, Tổng Lãnh sự Trung Quốc tại Đà Nẵng về mục tiêu chung tay xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai giữa các nước Mekong - Lan Thương.

Chung tay xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai giữa các nước Mekong - Lan Thương
Return to top