ClockChủ Nhật, 19/11/2017 06:32

Cọ, màu, phấn trắng, bảng đen

TTH - Họ là những họa sĩ có nghề. Tên tuổi của họ không chỉ được giới hội họa cả nước biết đến, mà còn là những ông giáo, bà giáo uy tín.

Gương mặt được tôn vinh

Nỗ lực trong nghiên cứu khoa học, cống hiến trong giảng dạy, tạo được dấu ấn trong sáng tác với nhiều giải thưởng... những thành tích ấy đưa họa sĩ Nguyễn Thị Hải Hòa, Trưởng bộ môn Đồ họa, Trường đại học Nghệ thuật - Đại học Huế trở thành một trong 68 gương mặt nhà giáo tiêu biểu được tôn vinh tại Quốc Tử Giám dịp 20/11 năm nay.

Họa sĩ Nguyễn Thị Hải Hòa

Từ nhỏ, năng khiếu bẩm sinh và niềm đam mê nghệ thuật đã vận vào Hải Hòa. Dù gia đình không ủng hộ nhưng cô bé Hòa vẫn lặng lẽ vẽ, dự thi và ẵm khá nhiều giải thưởng. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, niềm đam mê ấy khiến Hải Hòa lén nộp đơn thi vào mỹ thuật, bất chấp sự phản đối của gia đình. Tốt nghiệp đồ họa, Trường đại học Nghệ thuật - Đại học Huế, Hải Hòa được giữ lại giảng dạy. 24 năm gắn bó với nghề, cũng từng ấy thời gian, chị gắn bó với ngành đồ họa.

Tranh của Hải Hòa luôn mang đến cho người thưởng lãm cảm giác nhẹ nhàng, thanh thản. Không hướng đến tính triết lý, tranh của chị ngập tràn thế giới trẻ thơ, yên bình và trong sáng. Nữ họa sĩ tâm sự: “Tôi cũng vẽ các chủ đề khác, như hoa, phong cảnh, mùa thu... nhưng không hiểu thế nào rồi cũng quay về với trẻ em. Giữa cuộc sống bận rộn, mỗi khi thư giãn, tôi luôn nghĩ về trẻ em với sự thanh thản và có cảm hứng sáng tạo. Tuổi thơ là quãng đời đẹp nhất trong tâm hồn mỗi người, tôi nghĩ những bức tranh này sẽ mang lại cho người thưởng ngoạn sự thư thái, thoải mái. Đó cũng là tiêu chí nghệ thuật của tôi khi đưa tác phẩm đến công chúng”.

Với góc nhìn bình yên ấy, tranh của chị đoạt nhiều giải thưởng cao ở trong nước và quốc tế. Chọn chất liệu in gỗ, in đá, in lưới, in kẽm và với phong cách sáng tác tự nhiên, Hải Hòa đã có nhiều tác phẩm đi vào lòng người. Bằng chất liệu in đá, hình ảnh em bé ngồi trên con chim hạc trong tác phẩm “Bay trong giấc mơ” mang về cho họa sĩ Hải Hòa giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam tại triển lãm quốc tế đồ họa ASEAN. “Sự yên tĩnh trong vườn” vinh dự được nằm trong bộ sưu tập của Hoàng gia Thái Lan...

Họa sĩ Hải Hòa tâm sự, chị đam mê cả giảng dạy và sáng tác. Thương tranh như con, chị sẽ rất buồn nếu không được sáng tác. Giảng dạy lại giúp chị được giới thiệu những gì mình đã nghiên cứu và hướng cho thế hệ tương lai niềm yêu thích đồ họa. Dạy nghệ thuật là môi trường đào tạo đặc thù, đòi hỏi người họa sĩ - giảng viên phải luôn chăm chút tay nghề trong tác phẩm, sáng tạo và tư duy mới. Mỗi khi phát hiện sinh viên nào có tố chất nghệ thuật đặc biệt, chị chăm chút, đầu tư nhiều thời gian, cung cấp nhiều tư liệu, hướng dẫn những kỹ thuật sâu hơn để “ươm mầm” những hạt giống ấy.

Nghệ sĩ và chuẩn mực

23 năm giảng dạy, họa sĩ Nguyễn Thiện Đức, Trưởng khoa Mỹ thuật ứng dụng, Trường đại học Nghệ thuật - Đại học Huế tạo được dấu ấn qua bao thế hệ sinh viên. Không chỉ ở đạo đức, tác phong chuẩn mực, anh còn là giảng viên tận tụy, hết lòng truyền dạy tất cả những gì tích lũy được cho sinh viên và là họa sĩ có tài trong sáng tạo.

Sau giờ lên lớp, họa sĩ Nguyễn Thiện Đức lại tiếp tục với đam mê

Dẫu bận bịu giảng dạy và làm công tác quản lý, nhưng sáng tác trở thành một phần cuộc sống của họa sĩ - giảng viên Thiện Đức. Tốt nghiệp chuyên ngành sơn mài, Khoa Hội họa, sơn mài là chất liệu gắn kết với cuộc đời sáng tác của anh, luôn thôi thúc anh tìm tòi, khám phá và đạt nhiều giải thưởng mỹ thuật. Sơn mài đòi hỏi sự đầu tư thời gian, công sức, tài chính khá nhiều nên những lúc không tổ chức được không gian, điều kiện vẽ tốt, anh lại vẽ chất liệu sơn dầu, acrylic, bút bi trên toan. Tranh của họa sĩ Thiện Đức đã được triển lãm ở Trung Quốc, Thái Lan, Đức, Mỹ.

Sở trường là tranh trừu tượng và bán trừu tượng, anh vẽ tất cả những gì mình quan tâm trong cuộc sống: thời gian, không gian, cảm xúc, thiên nhiên, tâm trạng con người đối với xã hội... Tác phẩm “Kịch bản số 3” vẽ bằng bút bi trên toan được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sưu tập là tác phẩm mà họa sĩ Thiện Đức rất tâm đắc. Vẽ hình tượng bàn tay, họa sĩ nói đến phản ứng của cá nhân nghệ sĩ đối với cuộc sống đô thị hiện đại. Bàn tay làm ra sản phẩm vật chất cho xã hội nhưng chính nó cũng góp phần phá thiên nhiên. Mặt trái của cuộc sống hiện đại, công nghệ là sự khô khan, làm cho cảm xúc của con người dần dần bị bóp chẹt... Bức tranh sơn mài “Vũ điệu thời gian” được Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng sưu tập là tác phẩm ca ngợi văn hóa truyền thống của người Việt. Sử dụng các mô típ trang trí trên trống đồng của người Việt cổ để tạo nên không gian sinh động, nhộn nhịp của lễ hội, họa sĩ Thiện Đức truyền tải đến người xem sức sống tinh thần người Việt qua bao thăng trầm của lịch sử vẫn tồn tại và ngày càng mạnh mẽ.

Họa sĩ Thiện Đức cho hay, cách giảng dạy của trường nghệ thuật nghiêng về lối thực hành và ứng dụng nên vai trò của người thầy rất quan trọng, không thể thay thế được bằng các công cụ, phương tiện hiện đại. Anh nhấn mạnh: “Khác với các ngành khác, giảng viên trường nghệ thuật phải thường xuyên sáng tác nghệ thuật, vừa nghiên cứu khoa học và giảng dạy mới đáp ứng được công việc. Để hướng dẫn, thị phạm cho sinh viên, đòi hỏi giảng viên phải có kỹ năng thị phạm tốt và kỹ năng đó chỉ được hình thành khi người thầy thực hành nhiều. Muốn dạy tốt phải nghiên cứu, sáng tác, tham gia triển lãm, phải được xã hội công nhận... Điều đó đòi hỏi các giảng viên phải làm việc không ngừng nếu không muốn bị tụt hậu”.

Với các thầy giáo - họa sĩ, công việc giảng dạy bổ trợ nhiều cho sáng tác và ngược lại. Quá trình nghiên cứu, cọ xát, cập nhật các kiến thức mới về mỹ thuật, tham gia các hoạt động giao lưu, kết nối với các trường trên thế giới mang đến nhiều cơ hội cho họa sĩ. "Là thầy giáo - họa sĩ, ngoài đạo đức, tác phong chuẩn mực, cần phải có một tâm hồn, cách tư duy thẩm mỹ của một nghệ sĩ", họa sĩ Nguyễn Thiện Đức chia sẻ.

Bài, ảnh: TRANG HIỀN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lo trễ vụ hoa màu phục vụ tết

Sau lũ, nhiều địa phương “khởi động” trồng lại diện tích hoa màu phục vụ vụ đông và tết. Tuy nguồn giống đã phân bổ về các địa phương, nhưng nhiều nơi thời tiết chưa thuận nên công tác triển khai trồng lại vẫn đang gặp khó khăn.

Lo trễ vụ hoa màu phục vụ tết
Lớp học không bảng đen, phấn trắng

7h sáng, lớp học ở nhà sinh hoạt cộng đồng tại phường Hương Sơ (TP. Huế) lại rộn rã tiếng đánh vần của bọn trẻ. Nhưng điều khác lạ ở đây khi học sinh không cần mặc đồng phục, bảng tên và bao nhiêu năm vẫn theo học một cô giáo...

Lớp học không bảng đen, phấn trắng
Hoa mướp dưới chân cầu

Sau này khi trở lại, khi người đã khuất vắng nẻo trời, tôi vẫn nhớ như in dáng quay vào trong khẽ khàng của mệ nơi trái nhà vàng huộm màu hoa mướp.

Hoa mướp dưới chân cầu
Tại sao?!!

Năm nay đi họp phụ huynh, tôi được mời vào đúng căn phòng mà cách đây 3 năm từng vào họp phụ huynh cho đứa con đầu.

Tại sao
Mùi và màu

Nói trước luôn, là nó không hề liên quan gì tới nghệ thuật. Đây chỉ là đôi điều mà người – và những người – không chịu được thuốc lá gửi cho những người xung quanh mình, đang hút thuốc lá.

Mùi và màu
Return to top