ClockThứ Năm, 23/05/2019 13:15

Chuyện của “chị Cam môi trường”

TTH - Người dân xã Phú Xuân (Phú Vang) dành cho chị Nguyễn Thị Cam, Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Lê Bình một biệt danh gắn với nghề chị đang làm “Cam môi trường”. Đó không phải ngẫu nhiên mà bởi họ đã chứng kiến sự tận tâm, trách nhiệm với công việc của chị Cam.

Xây dựng đường hoa ven sông Như ÝHơn 300 phụ nữ A Lưới ra quân làm vệ sinh môi trườngXử phạt để thay đổi hành vi, ứng xử tốt với môi trường

Chị Cam nhận được rất nhiều bằng khen, giấy khen trong các phong trào

Ráng làm để thôn xóm sạch đẹp

Tôi gặp chị Cam vào buổi sáng cuối tuần, sau khi chị kết thúc hơn 4 giờ đồng hồ thu gom rác từ 2h đêm cho đến hơn 6h sáng. Người phụ nữ suýt soát tuổi 60 thu hút người đối diện bởi sự tự tin, năng động. “Nếu đi thu gom vào cuối giờ chiều sẽ trùng với khung giờ học sinh tan học và người dân đi làm về, nên sẽ gặp khó khăn”, chị giải thích cho giờ thu gom rác của mình.

Từ Tỉnh lộ 10 xã Phú Xuân về nhà chị Cam ở thôn Lê Bình, ngoài những dấu vết rơm rạ của người dân còn sót lại, có rất ít các loại rác như túi ni lông, chai lọ... Ở những tuyến đường khác chúng tôi đều thấy cảnh tương tự. Ngay bãi tập kết rác của xã Phú Xuân cũng gọn gàng, toàn bộ rác được bỏ gọn vào xe rác để sẵn, thùng rác được lau chùi sạch sẽ, chổi quét được để ngăn nắp.

Thấy chúng tôi khen, chị Cam tâm sự: "Chỉ sạch được vài tiếng sau khi dọn, đến trưa và chiều thì đâu lại vào đấy. Ý thức bỏ rác không đúng nơi quy định của người dân chưa cao, bởi vậy, ngày nào tôi cũng phải đi thu gom".

Năm 2000, chị Cam là chi hội trưởng phụ nữ. Chứng kiến rác bủa vây khắp các tuyến đường liên thôn, chị đã tìm cách thu gom. Ngoài thời gian đi bủa lưới kiếm gạo, chị Cam tranh thủ đến những nơi rác tồn ứ. Loại rác nào đốt được thì chị đốt, những thứ không đốt được đem đến bãi tập kết. Thấy hành động vì cái chung của chị, một vài người trong thôn cũng làm cùng. Tuy nhiên cách làm này không bền vững, bởi rác thải quá nhiều trong lúc các chị còn phải bận bịu công việc hàng ngày. Để trọn cả đôi đường, chị Cam vận động người dân trong thôn vứt rác đúng nơi quy định và mỗi nhà đóng góp 2 ngàn đồng để thuê người phân loại và đốt rác. Cách làm này vừa tạo việc làm cho chị Văn Thị Hà, một phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trong thôn vừa hạn chế được rác thải xả tràn lan. Để có thù lao cho chị Hà, 5 tháng đầu, chị Cam đến từng nhà thu tiền dùm. Nhờ đó, tình trạng ô nhiễm môi trường phần nào được hạn chế. 

Năm 2013, thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, xã Phú Xuân thành lập tổ thu gom rác thải. Ban đầu tổ được thành lập với 8 thành viên trong đó có chị Cam. Nhiệm vụ của các chị là 2 ngày/lần thu gom rác từ các hộ dân đến điểm tập kết tại bãi rác của xã; mỗi chị thu nhập 1,1 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, sau 2 tháng vật lộn với rác thải, các thành viên đều bỏ cuộc, thậm chí có chị bỏ cuộc ngay từ ngày đầu tiên. Vận động chị em làm cùng không được, chị Cam cáng đáng một mình. Chị an ủi bản thân bằng suy nghĩ: "Phải ráng làm để thôn xóm sạch đẹp". 

 "Tôi luôn xem dọn rác và giữ gìn vệ sinh môi trường công cộng như vệ sinh sân ngõ nhà mình. Nhìn bãi rác sạch sẽ sau khi dọn thì vất vả mấy tôi cũng đều vui vẻ. Từ khi đảm nhận thu gom rác đến nay, tôi chưa nghỉ một ngày kể cả ngày mùng một Tết”, chị Cam bộc bạch.

Ông Đặng Hỉu Yên, Bí thư Chi bộ thôn Lê Bình cho biết: “Những việc chị Cam làm đang dần thay đổi ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường. Người dân trong thôn ai cũng quý chị Cam”.

Nghị lực

Trong ngôi nhà chị Cam, ấn tượng đầu tiên đập vào mắt tôi là rất nhiều bằng khen, giấy khen được treo trang trọng ngay gian nhà chính, nhẩm sơ cũng gần 20 cái với một cái tên Nguyễn Thị Cam. Trong đó, có bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế, bằng khen của Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam...

Thấy tôi tò mò, chị Cam nói thêm: “Do mưa lụt ướt hết nên không còn nhiều nữa. Gần 20 năm làm chi hội trưởng phụ nữ, y tế thôn, cộng tác viên dân số, tổ trưởng tổ vay vốn, năm nào tui cũng có ít nhất một bằng khen hoặc giấy khen”.

Trong câu chuyện của mình, chị Cam cuốn hút người nghe bằng nghị lực của bản thân. Tuổi đôi mươi, chị Cam quen biết rồi lấy chồng ở vạn đò Phú Diên. Sau một thời gian lênh đênh trên sông nước với bao khổ cực gian nan, chị Cam bàn với chồng về an cư tại thôn Lê Bình, xã Phú Xuân quê chị. Đã an cư, song vợ chồng chị vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong xây dựng trong gia đình hạnh phúc. Không đành lòng, chị Cam chủ động tìm đến tổ chức hội học hỏi kinh nghiệm. Qua các lớp tập huấn, chị biết được cách ửng xử khi vợ chồng xung đột theo phương châm “chồng giận thì vợ bớt lời”, cách kiềm chế bản thân để tránh tình trạng “giận quá mất khôn”… Chị cho biết: “Tôi rèn bản thân trong từng lời ăn tiếng nói, từng cử chỉ, hành động mọi lúc mọi nơi”. Sự rèn mình của chị Cam đã khiến chồng thay đổi. Cuộc sống gia đình chị êm ấm, hạnh phúc.

Cũng từ những lần sinh hoạt phụ nữ, chị Cam biết được để không phải phụ thuộc và không bị xem thường, người phụ nữ phải hiểu biết, năng động và tự tin. Vì vậy, chị không ngừng rèn luyện để hoàn thiện bản thân, chị rèn luyện chữ viết, tập đi xe máy, tập cách nói trước đám đông… Những việc làm tưởng như nhỏ nhưng với người chưa học hết lớp 4, xe đạp cũng chưa biết đi, suốt ngày chỉ biết theo đuôi con cá như chị là một nỗ lực.

Vượt qua những khó khăn và chiến thắng bản thân, nên khi được chị em tín nhiệm bầu làm chi hội trưởng phụ nữ, cộng tác viên dân số, tổ trưởng tổ vay vốn… chị Cam đều làm trôi tròn ngay từ khi đảm nhận. Nhiều năm liền tổ vay vốn của chị không có nợ quá hạn, cũng nhiều năm liền tỷ lệ sinh con thứ 3 ở thôn Lê Bình luôn dưới 2%, nằm trong tỷ lệ cho phép theo qui định.

Chủ tịch Hội LHPN xã Phú Xuân - Trần Thị Ly Ny cho biết: “Không nề hà việc khó, chị Cam đã làm tốt tất cả mọi việc được giao. Cũng nhờ đó, Chi hội Phụ nữ thôn Lê Bình luôn đi đầu trong mọi phong trào ở địa phương. Từ những việc làm của mình, chị Cam còn truyền lửa cho những cán bộ hội trẻ hiện nay vượt khó, rèn luyện bản thân”. 

Bài, ảnh: Hải Thuận

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ra mắt mô hình “Điểm xanh văn hóa” và hoạt động vì cộng đồng

Ngày 31/3, sau khi ra mắt mô hình “Điểm xanh văn hóa” gắn với phong trào Ngày Chủ nhật xanh, Chủ nhật vì cộng đồng, Hội liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cụm trên địa bàn TP. Huế tiếp tục triển khai các hoạt động vệ sinh môi trường và tặng quà cho phụ nữ nghèo.

Ra mắt mô hình “Điểm xanh văn hóa” và hoạt động vì cộng đồng
Buồn vui chuyện… rác

“Xanh, sạch, sáng” không chỉ là khẩu hiệu mà đã trở thành nhu cầu, nguyện vọng chung của cả cộng đồng xứ Huế. Nó đã đi vào đời sống và đang dần tạo thành thói quen tự giác nơi mỗi thành viên…

Buồn vui chuyện… rác
Trách nhiệm vì cộng đồng

Tuổi trẻ công an toàn tỉnh đã có những hành động, việc làm ý nghĩa hướng về cộng đồng.

Trách nhiệm vì cộng đồng
Lan tỏa tinh thần, trách nhiệm tuổi trẻ

Tuổi trẻ bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh trên hai tuyến biên giới phát huy vai trò xung kích, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, tích cực tham gia có hiệu quả thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), củng cố quốc phòng - an ninh ở khu vực biên giới, góp phần quan trọng xây dựng biên giới giàu đẹp.

Lan tỏa tinh thần, trách nhiệm tuổi trẻ
Trách nhiệm của người trẻ với an toàn giao thông

Công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông cho thanh, thiếu niên được tuổi trẻ Thừa Thiên Huế triển khai với đa dạng hình thức, góp phần nâng cao nhận thức cho đoàn viên, thanh niên và mỗi người dân về việc chấp hành pháp luật giao thông.

Trách nhiệm của người trẻ với an toàn giao thông

TIN MỚI

Return to top