ClockThứ Tư, 07/12/2016 13:41

Chỉ vì... chiếc dép?

TTH - Phiên tòa xét xử vụ án “cố ý gây thương tích” tại trụ sở TAND TP. Huế hôm ấy có vẻ “khác thường”, bởi người thân của bị cáo cũng là ruột thịt của bị hại. Điều “lạ” nữa là, nguyên nhân của vụ án bắt nguồn từ chuyện... chiếc dép.

Bị cáo là em con chú. Bị hại anh con bác. Nhà của bị hại và nhà bị cáo cùng chung trong một mảnh đất. Cha đã mất nên bị cáo cùng các em, mẹ và người cô ruột sống trong nhà của ông bà nội (ông bà nội bị cáo cũng là ông bà nội của bị hại, cô ruột của bị cáo cũng là cô ruột của bị hại).

Hôm đó, bị hại đưa chè sang biếu cô. Lúc vào nhà, bị hại mang cả dép. Bị cáo nhắc anh bỏ dép ra ngoài kẻo làm bẩn sàn nhà. Bị hại không nói gì, đi về. Lát sau, bị cáo sang nhà bị hại, bảo anh qua lau nhà cho mình. Sau một hồi lời qua tiếng lại, bị cáo vớ chiếc ghế xếp lia vào mặt anh, gây thương tích vùng miệng. Tại bản kết luận giám định pháp y của Trung tâm Pháp y tỉnh, bị hại bị chấn thương phần mềm vùng môi, răng. Tỉ lệ thương tích 1%. Người anh yêu cầu bồi thường 2,3 triệu đồng và 800 USD. Dù gây ra tỉ lệ thương tích chỉ 1%, nhưng do người em sử dụng hung khí nguy hiểm. Thêm nữa, người anh (bị hại) lại có đơn đề nghị khởi tố hình sự, nên người em bị khởi tố về hành vi cố ý gây thương tích theo khoản 1 Điều 104 BLHS (khởi tố theo yêu cầu của người bị hại). Đối với trường hợp này, khoản 2 Điều 105 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định, người yêu cầu khởi tố rút đơn yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì vụ án phải được đình chỉ. Thế nhưng sau “sự cố chiếc dép”, không những không hòa giải được mà mức độ căng thẳng giữa hai bên ngày càng tăng. Kết cục, ruột thịt dắt nhau ra tòa.

Trước tòa, bị hại “tố”, sau khi anh về nhà, bị cáo qua chửi và bảo “xé áo qua lau nhà cho tau”. Lời nói đã khó nghe, lúc “động chân động tay” gây thương tích cho người khác vẫn không có một chút ăn năn, một lời xin lỗi. Vậy nên bị hại mới bức xúc, yêu cầu pháp luật xử lý.

Trả lời tòa, bị cáo một mực cho rằng, anh em ở chung trong thửa đất trước nay không có gì mâu thuẫn, không tranh chấp đất đai. Hôm xảy ra sự việc cũng không có men bia rượu. “Vậy sao bị cáo lại có phản ứng nặng nề khi anh họ lỡ mang dép vào nhà mình? tòa hỏi. Bị cáo phân bua, lúc nhắc người anh, anh này không thèm trả lời mà im lặng đi về, nên bị cáo tức, mới qua nhà anh nói cho ra lẽ. Không ngờ sự việc lại đến nước này.

Có thể thấy, chiếc dép chẳng thể nào... gây tội, nếu con người biết cư xử văn minh, lịch sự. Sự thiếu ý thức dẫn đến thách thức, ăn thua để cuối cùng anh em dẫn nhau ra trước vành móng ngựa. Thương tích trên cơ thể người anh chỉ 1%, nhưng “thương tích” đối với tình  máu mủ ruột thịt đến bao giờ mới lành? Xin trích lời một vị hội thẩm Nhân dân là thành viên của hội đồng xét xử hôm đó: “Anh em giòng họ trong một nhà, lại ở chung trong một mảnh đất, kéo nhau ra tòa chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ không đáng có, sau này kỵ giỗ, sao có thể nhìn mặt nhau? Làm anh, phải xứng đáng làm anh. Người nhỏ thì phải tôn trọng người lớn. Đừng để mâu thuẫn của cha mẹ, những hành vi của người lớn hôm nay làm ảnh hưởng đến con cháu sau này”.

 Phạm Thùy Chi

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mâu thuẫn vì từ chối "cụng ly" dẫn tới chém nhau

Ngày 23/4, Tòa án Nhân dân tỉnh xét xử sơ thẩm vụ án “Giết người” đối với Nguyễn Minh Vũ (SN 1985, trú phường Phú Nhuận); Châu Văn An (SN 1991) và Phạm Văn Phước (SN 1997) cùng trú phường An Đông, TP. Huế.

Mâu thuẫn vì từ chối cụng ly dẫn tới chém nhau
Return to top