ClockThứ Hai, 19/02/2018 13:51

Cầy quý

TTH - Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên thế giới (IUCN) từng tuyên bố cầy giông sọc (CGS) và cầy vằn (CV) trong tình trạng đe dọa mức độ nguy cấp, tuyệt chủng. Mới đây, qua hệ thống bẫy ảnh đã ghi nhận sự tồn tại của chúng, nhen nhóm niềm hy vọng đối với những người làm công tác bảo tồn động vật hoang dã (ĐVHD).

Một chuyến tuần tra rừng của KBTTNPĐ. Ảnh: Khu Bảo tồn Phong Điền

Gian nan

Cầy giông sọc và cầy vằn vốn thích nghi với môi trường hoang dã, thường hoảng sợ trước những tác động của con người nên sống ở các khu rừng sâu. Đây cũng là một trong những thách thức lớn đối với những người làm công tác bảo tồn trong quá trình tìm kiếm vết tích của chúng.

Gắn bó nhiều năm trong công tác bảo tồn ĐVHD, anh Trần Xuân Hai, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền (KBTTNPĐ) nếm trải nhiều “cung bậc” cảm xúc. Cứ mỗi chuyến khảo sát, tìm kiếm loài cầy, hay ĐVHD quý hiếm, là một cuộc phiêu lưu đầy thú vị lẫn gian nan, nguy hiểm. Gần 42 ngàn ha rừng rộng lớn do KBTTNPĐ quản lý, núi rừng, suối thác hiểm trở, việc tìm kiếm loài CGS và CV nằm trong sách đỏ IUCN chẳng khác nào đãi cát tìm vàng.

Cán bộ KBTTNPĐ trong một chuyến đi tìm cầy quý

Anh Trần Xuân Hai kể: “Cách đây chừng một năm rưỡi, khi hay tin IUCN công bố hai loài CGS và CV đang tình trạng nguy cấp, tuyệt chủng trong môi trường tự nhiên ở Việt Nam và Nam Trung Quốc, tâm trạng của tôi cũng như những người làm công tác bảo tồn của đơn vị cứ bồn chồn, lo lắng. Tôi nghĩ rằng chưa có hoạt động tìm kiếm nào thì vẫn còn hy vọng. Tôi đề xuất với đơn vị, bàn kế hoạch cho những cuộc khảo sát, tìm kiếm dù phía trước đầy gian nan. Tuy nhiên với những người tâm huyết trong công tác bảo tồn ĐVHD thì đây cũng là việc làm đầy thú vị, ý nghĩa”.

Mỗi chuyến đi ngắn thì một tuần, dài mất nửa tháng. Sau những ngày đi bộ đường rừng, mệt mỏi nhưng hầu như các lực lượng tìm kiếm không đêm nào có được một giấc ngủ trọn vẹn. Bất kể mùa nắng hay mưa, kể cả thời điểm tiết trời giá rét cũng phải thức dậy thật sớm, thường từ 3-4 giờ sáng, mọi người đã tỉnh giấc, đốt củi sưởi ấm, chuẩn bị sẵn sàng các trang thiết bị cho chuyến hành trình mới. “Cứ mỗi lần có đồng đội bị rắn cắn hay trượt ngã là chuyến khảo sát đó có thể bị gián đoạn, thậm chí thất bại. Phải chọn phương án quay về lán trại, hoặc đưa người bị nạn ra khỏi rừng để cứu chữa”, một thành viên trong đoàn nuối tiếc.

Cầy vằn tại KBTTNPĐ

Các chuyến đi thường rất dài ngày nên thiếu lương thực, nước uống là chuyện thường tình, cán bộ kiểm lâm phải ăn tạm củ quả rừng, chặt lau sậy lấy nước uống. Lượng nước vắt được có hạn nên mỗi người cũng chỉ được chia sẻ mỗi nắp chai nước chống khát. Cuộc tìm kiếm ròng rã mấy tháng trời với bao gian nan, vất vả nhưng vẫn không thể phát hiện hai loài cầy quý hiếm. Lúc này anh Trần Xuân Hai nảy sinh một ý tưởng mới là tham mưu ban giám đốc đơn vị phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Việt (TTBTTNV) hỗ trợ chương trình bẫy ảnh để có thể ghi nhận các loài cầy thông qua công nghệ này.

Nhiều thông tin quý

Giữa cuối năm 2016, Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Việt Nam (TTBTTNV)  hỗ trợ và hướng dẫn KBTTNPĐ đặt 40 bẫy ảnh tại khu vực nghi vấn. Kết quả thu về từ bẫy ảnh giúp cho việc “đính chính” thông tin CGS và CV vốn đã từng tuyên bố tuyệt chủng từ Nam Trung Quốc trở về phía dãy Trung Trường Sơn Việt Nam.

Theo Tiến sĩ J. W. Duckworth, cầy vằn (tên khoa học Owston’s Civet Chrotogale owstoni) và cầy giông sọc (Large-spotted Civet Viverra megaspila) thuộc sách đỏ IUCN năm 2016. Từ tháng 6/2016, hai loài CGS và CV được đánh giá nâng mức độ đe dọa từ sắp nguy cấp (Vulnarable-VU) lên nguy cấp (Endangered-EN). Nguy cấp là tình trạng bảo tồn bị đe dọa cao thứ nhì, sau rất nguy cấp (Critically Endangered). Trong tổng số 170 loài thú ăn thịt nhỏ trên thế giới chỉ có 10 loài (6%) ở mức độ đe dọa từ nguy cấp trở lên. Trong số ít 6% loài bị đe dọa ở mức nguy cấp có hai loài CGS và CV.

“Khi công bố kết quả từ bẫy ảnh, ghi nhận sự tồn tại của hai loài cầy quý, cảm xúc của tôi cũng như anh em trong đơn vị lúc rất khó tả. Hầu như ngày nào cán bộ kiểm lâm cũng mang những hình ảnh của chúng đến các thôn, bản, khu dân cư tuyên truyền. Đến đâu, gặp bất cứ ai, lực lượng kiểm lâm đều đưa hình ảnh cầy cho người dân xem và hỏi họ đã từng bắt gặp hay chưa? Nhiều đêm tôi cứ thao thức, nằm mơ được tận mắt chứng kiến các loài cầy quý hiếm. Mỗi khi nghe chuông điện thoại lạ reo tôi có cảm giác ai đó báo cho mình đã phát hiện, bắt gặp các loài cầy”, anh Nguyễn Phong, cán bộ kiểm lâm KBTTNPĐ-người từng tham gia và hiểu khá rõ về hoạt động tìm kiếm, bảo tồn hai loài chia sẻ.

Năm 2017, KBTTNPĐ tiếp tục đặt thêm 40 bẫy ảnh tại một số tiểu khu khác để tiếp tục ghi nhận các loài cầy quý cũng như sự đa dạng sinh học về ĐVHD tại KBTTNPĐ. Đến cuối năm 2017, hệ thống bẫy ảnh đã được tháo gỡ, qua kiểm tra sơ bộ bước đầu ghi nhận một số loài động vật quý hiếm; tuy nhiên đơn vị đã gửi kết quả ra TTBTTVN để các chuyên gia nhận định, phân tích loài mới công bố chính thức.

Theo ông Lê Trọng Trải, Giám đốc TTBTTNV, sự ghi nhận hai loài cầy quý hiếm có ý nghĩa khoa học rất lớn đối với các chuyên gia, những người làm công tác bảo tồn ĐVHD ở Việt Nam cũng như trên thế giới.

Tiến sĩ J. W. Duckworth, Điều phối Nhóm đánh giá loài thú ăn thịt thuộc Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên thế giới thông tin, tình trạng xấu đi của loài CGS và CV cho thấy quần thể của chúng bị giảm rất nhanh do khai thác rừng trái phép cộng với săn bắt ĐVHD quá mức ở những sinh cảnh phù hợp còn sót lại. Việc phát hiện, ghi nhận hai loài CGS và CV phản ánh công tác bảo vệ ĐVHD tại KBTTNPĐ khá tốt, cần phát huy và đầu tư mang tính chiều sâu, hiệu quả cao hơn nữa.

Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gây nuôi cầy quý

Gây nuôi cầy vòi hương, kinh doanh, lợi nhuận chỉ là mục đích thứ yếu, điều mà anh Võ Quang (tổ 10, phường Thủy Phương, TX. Hương Thủy) mong muốn mang đến với mọi người là nâng cao ý thức bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD) đang bị đe dọa; trong đó, có nhiều loài quý hiếm đang đứng trước bờ vực tuyệt chủng.

Gây nuôi cầy quý
Nóng lên toàn cầu: Đại dương sẽ bị ảnh hưởng trong nhiều thế kỷ

Sự nóng lên toàn cầu sẽ phá hoại cuộc sống đại dương từ sinh vật phù du cho đến cá voi. Thậm chí, tác động của sự nóng lên này có thể kéo dài trong nhiều thế kỷ, ngay cả khi lượng khí thải khí nhà kính do con người tạo ra được dừng lại, theo một nghiên cứu của Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên (IUCN) được công bố hôm 5/9.

Nóng lên toàn cầu Đại dương sẽ bị ảnh hưởng trong nhiều thế kỷ
Return to top