ClockThứ Năm, 23/03/2017 05:46

60 năm xây dựng và phát triển đầy tự hào

TTH - Ngay từ ngày đầu thành lập (1957), Trường đại học Khoa học thuộc Viện Đại học Huế đã sớm khẳng định uy tín và vị thế của một trong những ngôi trường đại học đầu tiên của Việt Nam, mang đậm dấu ấn vùng đất Cố đô giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và đấu tranh cách mạng. Sau ngày đất nước thống nhất (1975), ảnh hưởng, uy tín, vị thế và bản sắc đó được lớp lớp các thế hệ thầy, trò kế thừa và phát huy một cách vững chắc. Nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập, PGS. TS. Hoàng Văn Hiển, Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học (ĐHKH) đã trả lời phỏng vấn Báo Thừa Thiên Huế:

Sinh viên Trường đại học Khoa học trong ngày tốt nghiệp

Ông có thể cho biết cụ thể hơn về sự hình thành của Trường đại học Khoa học Huế?

PGS. TS. Hoàng Văn Hiển: Tiền thân của trường là Ban Văn khoa và Ban Toán học Đại cương thuộc Viện Đại học Huế, được thành lập ngày 1/3/1957, giảng đường chính nằm trên đường Lê Lợi, nay là khách sạn Sài Gòn - Morin Huế, có chức năng “nghiên cứu và phổ biến các ngành khoa học, phát huy nền văn hóa Việt Nam, đào tạo các công dân có khả năng phục vụ nước nhà”. Nhiệm vụ đào tạo giáo sư chuyên khoa phục vụ nghiên cứu, giảng dạy đại học và các cơ sở giáo dục miền Trung... Giảng viên đầu tiên được đào tạo ở nước ngoài và dần được tăng cường trên cơ sở giữ lại sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, mời giáo sư người Việt từ nước ngoài về. Các niên khóa tiếp theo, trường tăng nhanh số lượng sinh viên, từ chưa tới 60 lên 2.295 sinh viên, đào tạo sau đại học lên gần 50 người; ngoài ra, còn đào tạo và cấp chứng chỉ dự bị các môn lý, hóa, sinh cho sinh viên muốn nhập học vào Trường đại học Y khoa (trước năm 1975). Đây cũng là giai đoạn, ngoài nhiệm vụ học tập và nghiên cứu, sinh viên, giảng viên nhà trường còn tham gia phong trào đấu tranh yêu nước và cách mạng.

Giảng đường C là nơi hội tụ của phong trào sinh viên Viện Đại học Huế. Tại đây, diễn ra nhiều hội thảo, diễn thuyết, đêm thơ, nhạc “Hát cho đồng bào tôi nghe”, “Những đêm không ngủ” và cũng là nơi xuất phát cho các cuộc đấu tranh, biểu tình chống lại ách thống trị hà khắc của Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Từ trong phong trào sinh viên, xuất hiện những tấm gương chiến đấu, dũng cảm hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Lễ trao bằng tiến sĩ và thạc sĩ

Ngày 27/10/1976, trường chính thức mang tên Trường đại học Tổng hợp Huế trực thuộc Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ GD&ĐT). Lúc này, trường có 3 khoa ghép là Toán - Lý, Hóa - Sinh - Địa và Văn - Sử; năm 1978, có thêm Khoa Tại chức, Ngoại ngữ và hai bộ môn Mác - Lênin, Thể dục - Quân sự. Đội ngũ giảng viên trên 100 người, khoảng 10% có trình độ trên đại học, chủ yếu là cán bộ từ miền Bắc vào.

Những thành tựu của trường trong giai đoạn tái thiết đất nước như thế nào, thưa ông?

PGS. TS. Hoàng Văn Hiển: Sau chiến tranh, trường bắt tay ngay vào công việc; đào tạo khóa chuyển tiếp gồm 440 sinh viên của Viện Đại học Huế, tuyển sinh đào tạo đa ngành để phục vụ cho thời kỳ mới theo chiến lược cải cách giáo dục đại học của nước Việt Nam thống nhất.

Những năm 1976 - 1994 là giai đoạn phản ảnh sự thăng trầm trong xây dựng và phát triển của trường khi đất nước rơi vào khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng, lại phải đương đầu với sự bao vây, cấm vận, chống phá chế độ của các thế lực thù địch trong và ngoài nước. Hai cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và phía Bắc bùng nổ, nhiều cán bộ và sinh viên đã viết tâm thư bằng máu, xung phong lên đường nhập ngũ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Trong những năm tháng không quên này, các hệ thầy, cô giáo và sinh viên nhà trường ở lại giảng đường đã vượt qua những khó khăn, thách thức vừa giảng dạy, học tập vừa lao động sản xuất. Những cái tên như Hải Cát (Hương Trà), Lộc An (Phú Lộc), Thạch Hãn (Quảng Trị) và Cồn Tiên (Gio Linh) là những địa danh không thể phai mờ trong ký ức của các thế hệ thầy, cô giáo và sinh viên Trường đại học Tổng hợp Huế.

Đây cũng là giai đoạn hàng loạt cán bộ trẻ được gửi đi đào tạo ở Liên Xô và các nước Đông Âu và tách độc lập các khoa Hóa, Sinh, Địa - Địa chất, Văn, Sử (1980), Toán, Lý (1988), thành lập bộ môn Pháp lý (1990).

Sau đó là một giai đoạn của hội nhập và phát triển?

PGS. TS. Hoàng Văn Hiển: Năm 1994, trường đổi tên thành Trường đại học Khoa học thuộc Đại học Huế. Đây là thời điểm đánh dấu một giai đoạn mới trong lịch sử xây dựng và phát triển. Về đội ngũ và cơ cấu tổ chức, gồm 8 khoa, 2 bộ môn và hơn 230 cán bộ, trường đã phát triển lên 14 khoa và 1 bộ môn trực thuộc, 7 phòng chức năng, 1 trung tâm thông tin - thư viện, 5 trung tâm nghiên cứu và 1 viện nghiên cứu; có 439 cán bộ giảng viên, tỷ lệ giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên đạt 96%...  trở thành địa chỉ tin cậy về đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Năm 1995, trường tuyển sinh khối chuyên phổ thông (toán, văn, hóa và sinh). Với tỷ lệ đậu đại học, du học, giành giải học sinh giỏi quốc gia cao, đội ngũ này đã góp phần nâng uy tín đào tạo của nhà trường.

Trường tiếp tục mở thêm nhiều ngành học mới, như Công nghệ thông tin, Công nghệ Sinh học, Khoa học môi trường, Toán ứng dụng, Công nghệ kỹ thuật điện tử truyền thông, Địa chất công trình - Địa chất thủy văn và Kiến trúc, Báo chí - Truyền thông, Hán Nôm, Ngôn ngữ, Công tác xã hội, Đông phương học, Xã hội học và tăng nhanh các chuyên ngành sau đại học. Riêng năm học 2016 - 2017, tổng số sinh viên, học sinh các hệ của nhà trường trên 8.000.

NHỮNG THÀNH TÍCH TIÊU BIỂU

Trường đại học Khoa học Huế đã được tặng nhiều phần thưởng cao quý, như: Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1983), Huân chương Lao động hạng Nhì (1991, 2017), Huân chương Lao động hạng Nhất (1996); Huân chương Độc lập hạng Ba (2001), Huân chương Độc lập hạng Nhì (2011); nhiều bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và nhiều tỉnh, thành và Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh

Tính từ sau mốc 1975, trường đào tạo khoảng trên 50.000 sinh viên, học sinh khối chuyên, học viên cao học, nghiên cứu sinh. Công tác đào tạo đạt được các mục tiêu cơ bản: ổn định đầu vào; nâng cao chất lượng dạy học, góp phần hỗ trợ đầu ra; mở rộng hợp tác trong và ngoài nước.

Hoạt động khoa học và công nghệ của trường cũng có những thành tựu rất đáng tự hào. Từ năm 1977, Hội nghị khoa học lần thứ I được tổ chức và trở thành nền tảng của hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) hiện nay với nhiều công trình nghiên cứu được áp dụng. Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng viết: “Làm tốt đến đâu còn phải xem xét rồi mới đánh giá. Nhưng Trường đại học Tổng hợp Huế biết suy nghĩ đề ra những chương trình NCKH phục vụ phát triển nông nghiệp, phục vụ địa phương như vậy là giỏi, là thông minh” (1979). Tính đến đầu năm 2017, trường đã thực hiện hơn 2.000 đề tài, dự án các cấp, xuất bản tạp chí Khoa học và Công nghệ, hình thành những nhóm nghiên cứu mạnh mang tính liên ngành…

Ông có nhắc đến sự hợp tác quốc tế của trường...

PGS. TS. Hoàng Văn Hiển: Tính đến đầu năm 2017, chúng tôi hợp tác với 40 trường đại học, viện và trung tâm nghiên cứu, tổ chức quốc tế của châu Á, châu Âu, châu Mỹ và châu Đại Dương, với nhiều hình thức như: Trao đổi chuyên gia, đào tạo giảng viên trẻ và sinh viên; hỗ trợ trang thiết bị, tài chính và sinh kế cộng đồng, thực hiện các dự án, đề tài khoa học và công nghệ; trao đổi học thuật, thông tin, tư liệu… Đáng chú ý có nhiều đối tác có chất lượng và danh tiếng, như Đại học Tokyo, Kyoto, Shizuoka, Tottori (Nhật Bản), Chongbuk, Pukyong (Hàn Quốc), Khon Kaen, Chiang Mai (Thái Lan), Thành Công (Đài Loan), Marche (Italy), Diak (Phần Lan); các đại học Vương quốc Bỉ, San Jose State (Hoa Kỳ), Nam Úc (Australia); các tổ chức KOICA (Hàn Quốc), Hiệp hội Công nghệ Sinh học châu Á (AFOB), ICCO (Hà Lan)...

Xin cám ơn ông.

Hương Giang (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững

Tiếp tục phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, TP. Huế triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển toàn diện và đồng bộ các hoạt động quản lý, bảo vệ, trồng rừng, khai thác, chế biến lâm sản... trên cơ sở huy động mọi nguồn lực xã hội, góp phần tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường.

Phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững
Góp phần xây dựng cổng trường an toàn

Hình ảnh nhiều phụ nữ, đoàn viên thanh niên, cựu chiến binh tổ chức kẻ vẽ nơi đậu xe cho phụ huynh trước các cổng trường được nhiều người tấm tắc khen. Dù chỉ là những việc làm nhỏ, nhưng góp phần làm cho cổng trường thực sự là nơi an toàn đối với học sinh.

Góp phần xây dựng cổng trường an toàn
Tự hào “Chiến sĩ nhỏ Điện Biên”

Chiều 10/4, Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh phối hợp với Trường THCS Phạm Văn Đồng (TP. Huế) tổ chức Liên hoan “Chiến sĩ nhỏ Điện Biên”.

Tự hào “Chiến sĩ nhỏ Điện Biên”

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top